Ninh Bình đang bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ với mục tiêu phấn đấu để trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực. Chính vì vậy, bên cạnh việc bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản để phát triển du lịch, tỉnh đang tập trung xây dựng các thiết chế văn hóa hiện đại, đặc sắc. Điều này không chỉ tạo điểm nhấn cho kiến trúc đô thị mà còn góp phần bồi đắp các giá trị tinh thần, định hình và giữ vững bản sắc văn hóa vùng đất Cố đô Hoa Lư, tăng sức hấp dẫn đối với khách du lịch…
Dự án xây dựng Quảng trường và tượng đài Đinh Tiên Hoàng đế được khởi công từ năm 2009 nhằm phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đây là công trình trọng điểm của tỉnh có ý nghĩa quan trọng là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng quy mô lớn, phục vụ các hoạt động văn hóa nghệ thuật của tỉnh, góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa lịch sử của tỉnh Ninh Bình nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.
Đồng chí Hoàng Hoa Thắng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ninh Bình cho biết: Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, nhưng để hoàn thành Dự án xây dựng Quảng trường và tượng đài Đinh Tiên Hoàng đế theo đúng kế hoạch đề ra, thời gian qua, UBND thành phố Ninh Bình đã chỉ đạo sát sao Ban Quản lý dự án và nhà thầu tập trung mọi nguồn lực nhanh chóng hoàn thiện các hạng mục trong tổ hợp dự án để đưa vào khai thác, sử dụng, tạo điểm nhấn trong kiến trúc của thành phố Ninh Bình phù hợp với xu hướng phát triển đô thị chung của đất nước.
Có mặt trên công trường Dự án xây dựng Quảng trường và tượng đài Đinh Tiên Hoàng đế, chúng tôi cảm nhận được không khí lao động khẩn trương. Ông Đỗ Hồng Hiếu, đại diện Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, nhà thầu thi công cho biết: Dự án đã hoàn thành 84% khối lượng công việc, nhà thầu đang tập trung nhân lực cao nhất để thi công hoàn thiện các hạng mục tại khu bãi đỗ xe, đồi nhân tạo, khuôn viên hai bên tượng đài… Phấn đấu đến hết năm 2024 hoàn chỉnh các hạng mục để bàn giao đưa vào khai thác sử dụng. Tại khu vực Quảng trường, người dân đã đi bộ, tập thể dục, đây cũng là nơi vui chơi và tìm hiểu văn hóa truyền thống cho các em thiếu nhi. Hệ thống giao thông xung quanh Quảng trường cũng hoàn thiện phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.
Chị Đinh Thị Giang, phố 10, phường Đông Thành chia sẻ: Là người dân sống khu vực xung quanh Quảng trường, chúng tôi luôn có ý thức giữ gìn cảnh quan, môi trường nơi đây sạch, đẹp, đảm bảo mỹ quan không chỉ cho khu phố mình sinh sống mà còn đón rất nhiều khách du lịch đến tham quan, vui chơi. Không chỉ dừng lại ở những giá trị định tính, các thiết chế văn hóa còn là hạ tầng tiện ích, thiết thực phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; tạo cơ hội mở rộng giao lưu, sáng tạo những giá trị văn hóa tinh thần, vật chất, đồng thời cũng là thượng tầng kiến trúc, liên quan đến việc định hình và giữ vững bản sắc văn hóa. Chính vì vậy, ngày từ đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXII đã xác định Dự án xây dựng Nhà văn hóa trung tâm tỉnh Ninh Bình là công trình trọng điểm cần tập trung đầu tư. Đây là công trình có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa của nhân dân, là một thiết chế trong lĩnh vực văn hóa ở địa phương.
Đồng chí Tống Đức Long, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh cho biết: Xác định tầm quan trọng của Dự án, Ban Quản lý dự án đã tổ chức thi tuyển kiến trúc đảm bảo theo quy định và tuyển chọn kiến trúc tối ưu nhất cho công trình; bám sát phương án kiến trúc được chọn, triển khai theo đúng các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, đảm bảo chất lượng, kỹ, mỹ thuật.
Được biết, công trình Nhà văn hóa trung tâm tỉnh có diện tích xây dựng là 2.850 m2 với đầy đủ các công trình hạ tầng kỹ thuật như sân vườn tiểu cảnh, các công trình phụ trợ; hệ thống âm thanh, ánh sáng và hội trường… Với vị trí xây dựng ở trung tâm thành phố Ninh Bình, công trình Nhà văn hóa trung tâm là điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan đô thị và văn hóa của thành phố.
Theo kế hoạch, Nhà văn hóa trung tâm là nơi sẽ tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống mang sắc thái văn hóa đặc trưng của tỉnh Ninh Bình với quy mô 750 chỗ ngồi phục vụ biểu diễn văn nghệ, giao lưu văn hóa nghệ thuật hiện đại, nơi học tập, sáng tạo nghệ thuật. Đây cũng là công trình văn hóa thúc đẩy giao lưu phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Đồng thời tạo không gian riêng cho các hoạt động cộng đồng, khuyến khích bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của địa phương.
Dự án hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu về hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bên cạnh đó, công trình sẽ là điểm tham quan lý tưởng của khách du lịch khi đến với Ninh Bình.
Không chỉ tập trung đầu tư xây dựng và hoàn thiện cơ sở vật chất, tạo điểm nhấn về không gian đô thị và đáp ứng nhu cầu của du khách ở trung tâm tỉnh mà trong quá trình phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, các địa phương trong tỉnh đã đặc biệt chú trọng đầu tư các thiết chế văn hóa hiện đại, mang tầm vóc của một đô thị phát triển, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Tiêu biểu như huyện Kim Sơn, để đạt được mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới trong năm 2023, huyện Kim Sơn đang tập trung hoàn thiện các tiêu chí, trong đó có tiêu chí văn hóa nhằm nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn cho biết: Thời gian qua, huyện đã tập trung đầu tư xây dựng và hoàn thành khu Công viên văn hóa cộng đồng. Đây được xem là điểm nhấn, tạo không gian kiến trúc cảnh quan đặc trưng của đô thị huyện Kim Sơn. Công trình có tổng nguồn vốn đầu tư trên 144 tỷ đồng, quy mô gần 8 ha, với các hạng mục văn hóa – thể thao, đài phun nước và cây xanh, hứa hẹn là địa điểm vui chơi lý tưởng cho người dân.
Cùng với Công viên văn hóa cộng đồng, khu Trung tâm thể dục, thể thao huyện Kim Sơn đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Dự án với các hạng mục như: sân vận động có sức chứa lên tới 4 nghìn khán giả, nhà thi đấu đa năng, sân tennis, bể bơi và các công trình phụ trợ. Công trình dự kiến sẽ hoàn thành trong quý III/2023 để chào mừng huyện Kim Sơn đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh đó, hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao từ huyện đến xã, thôn, xóm được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại.
Đến nay, 100% xã có nhà văn hóa với diện tích từ 300m2 với đầy đủ trang thiết bị, đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới. Kim Sơn đang tập trung chỉ đạo hoàn thiện nốt các công trình trọng điểm trong năm 2023. Việc quan tâm, chú trọng hoàn thiện các tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới ở Kim Sơn đã nhận được sự đồng thuận và chung sức của người dân, tạo điều kiện để nâng cao dân trí, xây dựng nền văn hóa mới tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Có thể khẳng định, các công trình, thiết chế văn hóa hiện đại, đặc sắc không chỉ có ý nghĩa trong việc định dạng bản sắc văn hóa địa phương mà còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội. Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình tiếp tục có chủ trương đầu tư các dự án như: Tổ hợp Bảo tàng – Thư viện tỉnh, đã được Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng và đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục đầu tư; dự án Trung tâm biểu diễn và tổ chức sự kiện văn hóa tỉnh đang trong quá trình đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng… Đây sẽ là những công trình văn hóa thế kỷ không chỉ mang tầm vóc của kiến trúc đô thị hiện đại mà góp phần quan trọng vào việc xây dựng thương hiệu, bản sắc địa phương.
Nguyễn Thơm