Làm nhiều nghề để kiếm sống nhưng không thành công, anh Đỗ Ba Duy (thôn Đàm Khánh Tây, phường Yên Bình, thành phố Tam Điệp) đã về quê nuôi ốc nhồi và có thu nhập cao. Đặc biệt, từ con ốc, Duy làm món chả ốc nhồi ống nứa với hương vị vô cùng hấp dẫn.
Thành công sau 2 lần thất bại
Về phường Yên Bình, thành phố Tam Điệp, hỏi thăm đường đến trại ốc của Đỗ Ba Duy, hầu như ai cũng biết, niềm nở chỉ dẫn và gọi anh bằng cái tên trìu mến “Duy ốc nhồi”. Điều này đủ cho thấy hiệu ứng, sức lan tỏa của mô hình tại địa phương.
Tới nơi, theo Duy đi thăm một vòng trang trại rộng hơn 2 ha, từ khu ấp trứng, qua khu ốc giống, ốc thương phẩm… cũng đủ làm chúng tôi hụt hơi. Nghỉ chân, uống chén trà, Duy tâm sự: Trước anh lăn lộn đủ thứ nghề nhưng chưa khi nào nghĩ sẽ quay về làm nông nghiệp. Không ngờ một lần lên tỉnh Tuyên Quang, biết đến mô hình nuôi ốc nhồi và món chả ốc vô cùng đặc biệt, anh đã ngay lập tức bị thu hút bởi con nuôi này.
Năm 2019, sẵn ruộng đất, ao hồ của bố mẹ, anh mua 2 vạn ốc giống về thả thử nghiệm, nhưng do không nắm chắc kỹ thuật nên 2 năm liền đều thất bại. Cứ nuôi được một thời gian là ốc bị bệnh, chết nổi đầy mặt nước. “Học phí” mỗi lần mấy chục triệu đồng, tuy có chút buồn, hụt hẫng nhưng Duy không nản lòng. Anh lại khăn gói đi khắp các trang trại to, nhỏ từ nam ra bắc, học hỏi thêm kỹ thuật.
Đến năm thứ 3, Đỗ Ba Duy đã tập trung xử lý tốt vấn đề môi trường nuôi bằng cách rút hết nước trong ao, làm sạch bèo, cỏ; dùng chế phẩm sinh học xử lý đáy ao, sau đó mới thả giống. Quá trình nuôi, chăm sóc, Duy sử dụng hoàn toàn rêu, bèo tấm, cỏ, lá sắn, lá mướp… từ tự nhiên để cho ốc ăn với lượng vừa đủ, để tránh dư thừa, gây ô nhiễm môi trường ao nuôi.
Ngoài việc quản lý về thức ăn và môi trường ao nuôi, việc chăm sóc đàn ốc vào mùa nóng, mùa rét và quản lý dịch bệnh cũng được Duy hết sức quan tâm. Theo anh, ốc nhồi khá dễ nuôi nhưng có 2 loại bệnh cần đặc biệt chú ý là bệnh sưng vòi và đường ruột. Các bệnh này gây chết hàng loạt nên phải giám sát ao nuôi thường xuyên. Nếu quan sát thấy ốc có dấu hiệu bỏ ăn, vòi bị sưng to, có mùi hôi cần phải cách ly ngay để xử lý, tránh lây lan.
Nhờ nắm bắt, áp dụng bài bản, nghiêm ngặt các phương pháp, kỹ thuật nuôi nên từ năm thứ 3 Duy liên tục gặt hái được thành công. Có lãi, anh lại tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất. Từ 2 mẫu ao ban đầu, đến nay, mô hình của Duy đã mở rộng ra 2 ha. Năm 2022 vừa qua, trang trại của anh đưa ra thị trường được 3 tấn ốc thương phẩm và 1 triệu con ốc giống, sau khi trừ chi phí thu lãi hơn 200 triệu đồng.
Liên kết, chế biến sâu
Chinh phục, nắm chắc kỹ thuật nuôi ốc, không dừng lại, Đỗ Ba Duy lại tiếp tục trăn trở làm sao để nâng cao giá trị sản phẩm và có được thị trường tiêu thụ bền vững hơn.
Anh chia sẻ: Nếu chỉ bán ốc tươi sống nguyên con thì sẽ không bảo quản được lâu và khó vận chuyển nên vô cùng bị động và phụ thuộc vào khách hàng. Do vậy, chỉ có một con đường duy nhất là đưa ốc vào chế biến sâu. Thế là tôi lại mày mò, nghiên cứu, tìm kiếm công thức, đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại để cho ra sản phẩm chả ốc nhồi ống nứa, đóng trong những gói nhỏ gọn theo dạng thực phẩm đông lạnh. Chả ốc này gồm có thịt ốc, giò sống, gia vị ớt, tỏi, gừng, sả, nấm hương, tiêu xanh, mắm cốt loại ngon… Tất cả được phối trộn theo tỉ lệ định trước thành nhân chả, sau đó nhồi vào các ống nứa thành những thanh chả xinh xắn.
Tuy mới đưa ra thị trường nhưng nhờ hương vị thơm ngon, lại được sản xuất theo quy trình khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có tem nhãn đầy đủ nên sản phẩm chả ốc của Đỗ Ba Duy được thị trường đón nhận tích cực. Để mở rộng sản xuất, đầu năm 2023, Đỗ Ba Duy đứng ra thành lập HTX ốc nhồi Ninh Bình để liên kết các thành viên nuôi ốc trên địa bàn tỉnh, tập trung chế biến sâu các sản phẩm từ ốc. 6 tháng đầu năm, HTX đã sản xuất, đưa vào chế biến và cung ứng ra thị trường hơn 2 tạ chả.
Nói về mô hình, bà Phạm Thị Thủy, Phó Trưởng phòng Kinh tế thành phố Tam Điệp cho biết: Ốc nhồi hiện nay đang được thị trường ưa chuộng. Trong khi kỹ thuật nuôi không quá khó, vốn đầu tư ít mà Tam Điệp hiện có nhiều khu vực đồng ruộng trũng thấp, phù hợp để phát triển con ốc. Do vậy, thời gian tới thành phố sẽ khuyến khích mở rộng mô hình. Bên cạnh đó, đồng hành, hỗ trợ HTX và Đỗ Ba Duy xây dựng chả ốc nhồi thành sản phẩm OCOP, qua đó hoàn thiện chuỗi giá trị hàng hóa khép kín, bền vững cho con nuôi này.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu