Trong bài “Nói chuyện tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập”, ngày 6/5/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Báo chí cũng phải hợp lý hóa. Đừng bày biện ra nhiều thứ. Làm ít nhưng làm cho hẳn hoi. Không hợp lý hóa lại như thế thì rốt cuộc báo viết ra không ai muốn đọc mà tốn kém một trăm thứ. Đoàn thể cứ co cổ lại chịu tiền để mấy chú làm báo ngồi vẽ voi, vẽ ngựa mà không ai đọc”. Chỉ huấn đó không hề lạc hậu trong thời đại chuyển đổi số hiện nay và hoàn toàn phù hợp với yêu cầu tổ chức lại hệ thống báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng yêu cầu “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Thực hiện tốt quy hoạch, phát triển hệ thống báo chí, truyền thông. Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên internet”. Đây cũng là những mục tiêu mà các cơ quan báo chí ở Ninh Bình đang xây dựng và hướng tới.
Tính chuyên nghiệp
Để nâng cao tính chuyên nghiệp của các cơ quan báo chí, cần nâng cao tính chuyên nghiệp, trước hết từ đội ngũ phóng viên, biên tập viên, những người làm báo. Để rèn luyện tính chuyên nghiệp trong nghề nghiệp, mỗi nhà báo cần có bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp; có phương pháp, cách thức hành nghề một cách khoa học, hiệu quả; có sự tinh thông, thuần thục các kỹ năng nghề nghiệp; ở khả năng sử dụng và thích nghi với các loại hình phương tiện kỹ thuật hiện đại phục vụ cho hoạt động nghề nghiệp.
Cá nhân mỗi người phải có hệ thống kiến thức nền tảng bao gồm những kiến thức rộng, những kiến thức chuyên ngành báo chí và những kiến thức chuyên môn liên quan đến lĩnh vực, đề tài mà mình đang theo đuổi; hiểu biết và gương mẫu chấp hành, tuân thủ pháp luật; có đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội cao.
Người làm báo chuyên nghiệp cần coi trọng trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Nâng cao tính chuyên nghiệp là người làm báo phải rèn luyện tinh thần vì Tổ quốc, vì Nhân dân, phải hiểu luật và quy chế nghề nghiệp, phải xem xét hiệu quả khi công bố tác phẩm báo chí.
Nhà báo Nguyễn Kim Toàn, nguyên Tổng Biên tập Báo Ninh Bình cho biết: Sự chuyên nghiệp của cơ quan báo chí đòi hỏi ngay trong công tác tòa soạn. Mỗi tòa soạn cần xác lập quy trình làm việc riêng trong đó các phòng ban chuyên môn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, vừa mang nét đặc trưng vừa mang tính hiện đại, phù hợp với đối tượng độc giả. Ngoài ra, trong mối quan hệ tương tác với bạn đọc, cần đẩy mạnh công tác tiếp và xử lý đơn thư bạn đọc, các chương trình từ thiện-xã hội, các cuộc tương tác, trao đổi trên mặt báo, các diễn đàn, các cuộc vận động xã hội. Mỗi nhà báo, cơ quan báo chí cần phát huy truyền thống vẻ vang do các thế hệ những người làm báo bồi đắp suốt 99 năm qua, xây dựng bản lĩnh chính trị, nêu cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ chính trị của mình, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và lòng mong đợi của Nhân dân.
Tính nhân văn
Nhìn lại quá trình phát triển 99 năm qua, có thể khẳng định, nền báo chí cách mạng Việt Nam luôn thể hiện tư tưởng nhân văn, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng, phong phú của cuộc sống, từ đó đấu tranh loại bỏ những nhân tố xấu trong xã hội, nhân rộng những tấm gương người tốt việc tốt, giữ gìn những nét đẹp văn hóa của dân tộc, hướng con người đến giá trị chân-thiện-mỹ…
Để đảm bảo tính nhân văn, các cơ quan báo chí nói chung và các cơ quan báo chí ở Ninh Bình nói riêng phải thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, là người tuyên truyền, hướng dẫn, cổ vũ Nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, là diễn đàn xã hội rộng rãi để phát huy dân chủ, phát huy những giá trị văn hóa tiến bộ, hiện đại, giàu bản sắc dân tộc; diễn đàn để Nhân dân tham gia các công việc của đất nước, giám sát và phản biện xã hội, nâng cao trình độ dân trí; động viên, cổ vũ Nhân dân tham gia thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng.
Hơn thế nữa, báo chí cách mạng Việt Nam phải là báo chí của Nhân dân, vì Nhân dân, vì lợi ích của đất nước, cầu nối giữa Đảng với dân; phản ánh tâm tư nguyện vọng của Nhân dân; chuyển tải đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới Nhân dân; vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, nền báo chí cách mạng Việt Nam luôn là lực lượng đi đầu sự nghiệp đổi mới; báo chí và các nhà báo là “chiến sĩ cách mạng”, lực lượng giàu sức chiến đấu, nhân văn luôn hướng về cuộc sống còn nhiều gian khó của hàng triệu người lao động; cổ vũ, lan tỏa việc tốt, người tốt-việc tử tế, người tử tế; đấu tranh phòng chống cái ác, tham nhũng, lãng phí, các biểu hiện tiêu cực của xã hội; đóng vai trò tích cực thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng và củng cố quốc phòng-an ninh và hoạt động đối ngoại.
Vì vậy, trong quá trình tác nghiệp, mỗi người làm báo, ngoài việc tôn trọng sự thật phải chú ý đến yếu tố nhân văn trong cách thể hiện. Ngòi bút của người viết phải có tính nhân văn, không nên vì lợi ích nhất thời mà bỏ quên tính nhân văn cao cả của báo chí. Mỗi bài viết phải trên tinh thần vì lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc. Các tác phẩm, các bài viết cũng cần tham gia và lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa, con người Việt Nam nói chung, người Ninh Bình nói riêng.
Báo chí cần đi đầu, là hình mẫu về góp phần vào hệ giá trị chuẩn mực của đời sống xã hội, của con người Việt Nam, của đạo đức cách mạng. Các cơ quan báo chí cần tăng cường những bài viết giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, những gương người tốt việc tốt, những sáng kiến cải tiến kỹ thuật… nhằm nhân rộng những điển hình này đến đông đảo các tầng lớp Nhân dân. Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là lương tâm, đạo đức của những người làm báo chân chính.
Tính hiện đại
Bước vào thời đại công nghệ số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, báo chí cách mạng Việt Nam cũng như báo chí của tỉnh đang đứng trước các thách thức lớn. Nhưng đây cũng là cơ hội để mỗi cơ quan báo chí và người làm báo tự đổi mới để bắt kịp xu hướng chung của sự phát triển, bắt kịp xu hướng hiện đại của báo chí hiện nay. Công nghệ hiện đại tạo ra rất nhiều cơ hội, thuận lợi cho nghề báo, như: làm báo đa phương tiện, khai thác và lan tỏa thông tin một cách đồng thời, nhanh chóng… Điều này đòi hỏi cơ quan báo chí phải bắt kịp xu hướng báo chí hiện đại, xây dựng các chương trình đa phương tiện để hấp dẫn công chúng. Trong đó, có nhiều loại hình thông tin được kết hợp với nhau, như văn bản, hình ảnh, video, đồ họa… để mang lại tính tương tác cao, cung cấp thông tin cho độc giả một cách linh hoạt.
Mỗi nhà báo phải tự trang bị cho mình những kỹ năng làm báo hiện đại như: Sử dụng các ứng dụng trong làm báo: soạn thảo văn bản chuẩn, sử dụng phần mềm để xử lý hình ảnh, dựng audio, video hoặc quản trị một sản phẩm báo chí trên nền tảng công nghệ…
Nhà báo Đỗ Thị Hạnh, Trưởng phòng Thư ký tòa soạn-Báo Điện tử (Báo Ninh Bình) cho biết: Trong giai đoạn hiện nay, báo chí hiện đại phải cập nhật, bắt kịp và làm chủ được các thiết bị, công nghệ và phương thức làm báo hiện đại, phương pháp tổ chức, quy trình tác nghiệp… trong kỷ nguyên số. Phong cách tác nghiệp và quản lý báo chí hiện đại đòi hỏi cả tri thức hiện đại về nghề, các kĩ năng thao tác, sử dụng và làm chủ công nghệ, các phương thức quản trị tòa soạn theo mô hình tòa soạn hội tụ, cơ quan báo chí-truyền thông đa phương tiện.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh, báo chí cách mạng Việt Nam cần phát triển hiệu quả, lành mạnh hệ thống báo chí, xuất bản, in, phát thanh, truyền hình, đặc biệt là mảng nội dung số đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ đất nước và nhu cầu của người dân. Đây là những yêu cầu mà nền báo chí cách mạng Việt Nam nói chung và báo chí tỉnh Ninh Bình nói riêng cần phấn đấu và xây dựng.
Với vai trò là “vũ khí sắc bén” trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của Đảng, chắc chắn rằng, đội ngũ những người làm báo Ninh Bình sẽ viết tiếp truyền thống vẻ vang, xây dựng thành công một nền báo chí cách mạng “chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” góp phần “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước, quê hương phồn vinh, hạnh phúc”, góp phần xây dựng tỉnh Ninh Bình đến năm 2035 trở thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.
Quỳnh Thu
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/xay-dung-nen-bao-chi-ninh-binh-chuyen-nghiep-nhan-van-hien/d2024062108289265.htm