Những ngày này, nông dân khắp các địa phương trong tỉnh đang tất bật thu hoạch lúa mùa. Hầu hết bà con đều rất phấn khởi, bởi lúa không những được mùa mà còn được giá. Hơn nữa, gần đây, việc ứng dụng mạnh mẽ cơ giới vào sản xuất đã giúp họ giảm bớt nhiều khâu lao động nặng nhọc, giảm chi phí, nâng cao thu nhập.
Được mùa, được giá
Tuyến Quốc lộ 1A đoạn tránh thành phố Ninh Bình những ngày này, lúa chín vàng rộm hai bên đường; máy gặt đập liên hợp, máy cuộn rơm hối hả chạy dọc, ngang khắp các thửa ruộng. Vừa thu hoạch, xuất bán cho thương lái gần 10 tấn lúa tươi, anh Nguyễn Đức Toàn (xã Ninh Tiến, thành phố Ninh Bình) phấn khởi: “Ngoài ruộng nhà, vụ này tôi còn mượn thêm ruộng của một số hộ khác để cấy. Nhờ thời tiết thuận lợi nên lúa mẩy, đều, đẹp. Gia đình tôi cấy 5 mẫu mà thu hoạch được hơn 11 tấn. Không chỉ được mùa, vụ này lúa cũng rất dễ bán và được giá. Gặt xong là có xe tải chờ sẵn ở bờ để cân chở về nhà máy chế biến, chẳng mất công phơi sấy. Tôi nhẩm tính, sau khi trừ chi phí, vụ lúa này, gia đình bỏ túi gần 40 triệu đồng”.
Tại cánh đồng lúa của HTX Xuân Sơn (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư), không khí thu hoạch cũng không kém phần rộn ràng, hối hả. Những bông lúa chín vàng, trĩu hạt minh chứng cho một vụ mùa bội thu. Trên khuôn mặt rạng rỡ nụ cười, chị Trịnh Thị Văn chia sẻ: Vụ này gia đình cấy toàn bộ bằng giống Đài Thơm. Nhờ thực hiện tốt khâu chăm sóc, tuân thủ sự quản lý, điều hành và lịch thời vụ của HTX nên lúa được mùa, năng suất đạt hơn 2 tạ/sào, cao hơn so với mọi năm.
Theo ông Đinh Đức Thiên, Giám đốc HTX Xuân Sơn: Vụ Mùa năm 2023, HTX sản xuất gần 100 ha lúa. Trong đó, diện tích liên kết cấy máy, sản xuất theo hướng hữu cơ, có bao tiêu sản phẩm là 67 ha, với hơn 300 hộ xã viên tham gia. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nên giúp nông dân giảm được rất nhiều chi phí. Đặc biệt, vụ này, giá phân bón giảm mạnh trong khi giá lúa gạo trên thị trường ở mức cao, lúa tươi là 8.000 đồng/kg, lúa khô là 10.500 đồng/kg (giá lúa khô trước đây chỉ khoảng 7.000- 8.000 đồng/ kg) nên hiệu quả và giá trị sản xuất tăng đột biến.
Theo ghi nhận của phóng viên, không chỉ ở xã Ninh Tiến, Trường Yên, mà hầu hết bà con nông dân trong tỉnh đều có chung niềm vui được mùa. Các trà lúa chín đều cho năng suất cao, thời tiết nắng hanh cũng giúp cho việc thu hoạch của bà con nông dân thuận lợi, nhanh gọn, giảm thiểu sự hao hụt.
Nhiều đổi mới trong sản xuất
Vụ Mùa năm nay, Ninh Bình gieo cấy hơn 31 nghìn ha lúa. Tính đến ngày 18/10, toàn tỉnh đã thu hoạch được hơn 20.300 ha (đạt 65%). Năng suất lúa dự kiến đạt 54,4 tạ/ha, cao hơn 0,2 tạ/ha so với vụ mùa 2022. Theo đánh giá chung của ngành Nông nghiệp, đây là vụ sản xuất thắng lợi toàn diện. Tất cả các trà lúa ở các địa phương đều được mùa, được giá.
Về nguyên nhân thắng lợi, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh phân tích: Trước hết, phải nhấn mạnh đến yếu tố thời tiết, vụ Mùa này, tình hình thời tiết tương đối thuận lợi cho cây trồng nói chung và cây lúa nói riêng sinh trưởng, phát triển. Đầu vụ có nhiều đợt mưa vừa, mưa to, giúp các địa phương lấy nước, làm đất, gieo cấy nhanh, gọn. Sau đó, đến giai đoạn lúa đẻ nhánh rộ, phân hóa đòng, lại liên tục có mưa giông, cung cấp một lượng đạm tự nhiên vô cùng hữu ích cho cây lúa.
Bên cạnh thời tiết thuận lợi thì ngành chuyên môn, các địa phương cũng đã làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo về mặt thời vụ, lúa được gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất, tỷ lệ trà Mùa sớm đạt 30%, đảm bảo đúng yêu cầu đề ra. Ngoài ra, thông qua công tác khảo nghiệm, ngành Nông nghiệp đã đưa vào sử dụng bộ giống lúa tiến bộ, thích ứng rộng, năng suất cao, chất lượng tốt. Đặc biệt, mặc dù vụ Mùa năm nay, tình hình sâu bệnh diễn biến hết sức phức tạp, tổng diện tích nhiễm các đối tượng sinh vật gây hại gấp 1,7 lần so với cùng kỳ vụ Mùa 2022 nhưng các cơ quan chuyên môn đã kịp thời điều tra, phát hiện, dự tính dự báo, từ đó chỉ đạo phòng trừ quyết liệt, đúng thời điểm nên đã giảm thiểu được thiệt hại. Đây chính là những yếu tố quan trọng giúp tỉnh Ninh Bình có được một vụ sản xuất thắng lợi.
Không chỉ được mùa, vụ lúa Mùa năm nay cũng ghi nhận nhiều nét đổi mới trong phương thức sản xuất. Nổi bật là rất nhiều nông dân, HTX đã mạnh dạn đầu tư mua sắm các máy móc tiên tiến, công nghệ cao để ứng dụng vào sản xuất, như máy cấy, máy phun thuốc BVTV. Diện tích lúa cấy tăng mạnh, đạt gần 14.400 ha (chiếm 46% diện tích gieo cấy), tăng hơn 1.000 ha so với vụ Mùa năm 2022. Diện tích lúa sản xuất theo hướng hữu cơ và chương trình giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới theo Nghị quyết 32/2022/NQHĐND của HĐND tỉnh cũng được mở rộng. Lũy kế đến nay toàn tỉnh có trên 4 nghìn ha lúa chất lượng cao sản xuất theo hướng hữu cơ, tập trung ở các huyện Kim Sơn, Yên Khánh, Yên Mô, Hoa Lư với các giống lúa mang thương hiệu Ninh Bình như Nếp hạt cau, Nếp hương, Hương Bình… Điều này đã góp phần cải thiện môi trường sinh thái đồng ruộng, tôm cá quay trở lại, hạt gạo làm ra cũng đảm bảo an toàn, chất lượng hơn. Đây chính là cơ sở để các HTX mở rộng liên kết với các công ty, doanh nghiệp, hình thành chuỗi giá trị lúa gạo. Điển hình là các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ hàng hóa, sản xuất giống lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ với Công ty vật tư nông nghiệp Hồng Quang, Công ty TNHH Cường Tân, Công ty cổ phần chế biến nông sản Bảo Minh Hà Nội, Công ty Toản Xuân, tại một số HTX của huyện Yên Khánh, Yên Mô, Kim Sơn.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu