Những năm gần đây, sản xuất vụ Đông thường gặp thời tiết bất thuận, làm ảnh hưởng đến tâm lý của người dân trong đầu tư thâm canh, mở rộng diện tích. Do vậy, năm nay, ngành Nông nghiệp định hướng các địa phương sản xuất vụ Đông theo hướng “ăn chắc”, quy mô hợp lý, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của các tiểu vùng sinh thái nông nghiệp.
Dự báo sẽ có nhiều thuận lợi
Khác với vụ Đông năm 2022 – Vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn do lúa Mùa thu hoạch muộn gây thiếu quỹ đất sản xuất, rồi mưa lớn đầu vụ làm ngập úng, hư hỏng nhiều diện tích mới gieo trồng, vụ Đông năm 2023 được dự báo là có nhiều thuận lợi hơn.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chi cục phó Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh cho biết:
Thứ nhất là diện tích trà lúa Mùa sớm năm 2023 đạt kế hoạch đề ra, đồng nghĩa với việc các địa phương sẽ có một quỹ đất dồi dào dành cho việc bố trí sản xuất cây trồng vụ Đông trên đất hai lúa.
Thứ hai, năm nay, dự báo nền nhiệt mùa đông sẽ ấm hơn so với trung bình nhiều năm, do vậy toàn tỉnh có thêm điều kiện để mở rộng diện tích các cây trồng ưa ấm.
Thứ ba, phân bón đã cắt “cơn sốt” giá và tín hiệu thị trường tiêu thụ các sản phẩm cây vụ Đông cũng được đánh giá có nhiều khả quan, đặc biệt là các sản phẩm như ớt, ngô ngọt, đậu tương rau…
Ngoài ra, hiện nay, các chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết 32/2022/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 của HĐND tỉnh đang là động lực thúc đẩy HTX, người dân đầu tư mua máy móc, từng bước cơ giới hóa đồng bộ nhiều khâu trong sản xuất giúp giảm áp lực nhân công, giảm chi phí sản xuất. Đặc biệt, công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường thời gian qua đã được các cấp, các ngành triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả, đã thu hút không ít công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiếp tục liên kết hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung.
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, theo ngành Nông nghiệp, sản xuất vụ Đông vẫn đối mặt với một số khó khăn cố hữu nhiều năm nay như: thời tiết diễn biến phức tạp, đặc biệt đầu vụ thường xảy ra mưa lớn, gây ngập úng, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người dân trong đầu tư thâm canh, mở rộng diện tích. Bên cạnh đó là vấn đề thiếu lao động. Đặc biệt, trong tỉnh cũng chưa có nhiều cơ sở chế biến, bảo quản sản phẩm, số lượng các doanh nghiệp liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế.
Chú trọng nhóm cây phục vụ chế biến
Vụ Đông năm 2023, toàn tỉnh đặt mục tiêu gieo trồng 7.800 ha cây trồng các loại, với năng suất, sản lượng, giá trị tương đương hoặc tăng hơn so với vụ Đông năm 2022. Để thực hiện đạt kế hoạch đề ra, ngành Nông nghiệp đề nghị các địa phương căn cứ vào diện tích thu hoạch lúa Mùa để chủ động xây dựng kế hoạch xuống giống, tận dụng tối đa diện tích để gieo trồng cây vụ Đông. Tổ chức kiểm tra, tu bổ, nạo vét các kênh mương, khơi thông dòng chảy, đảm bảo tiêu thoát nước tốt, khắc phục tình trạng cây vụ Đông bị ngập úng khi gặp mưa lớn. Bên cạnh đó, tính toán, bố trí tỷ lệ hợp lý giữa nhóm cây ưa ấm và nhóm cây ưa lạnh, đa dạng hóa các nhóm cây khác nhau và trồng rải vụ đối với cây rau nhằm giảm áp lực trong tiêu thụ. Đặc biệt, cần mở rộng diện tích nhóm đối tượng phục vụ chế biến, có thị trường tiêu thụ tốt, ổn định như: ngô ngọt, đậu tương rau, ớt, bí xanh, khoai tây chế biến, cây dược liệu…
Thực tế không ít công ty chế biến nông sản đứng chân trên địa bàn tỉnh mong muốn được mở rộng vùng nguyên liệu. Ông Dư Văn Hoàn, đại diện Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho biết: Hiện nay, Công ty đang liên kết với 5 HTX ở Yên Mô để sản xuất đậu tương rau, tuy nhiên diện tích còn khá khiêm tốn. Do vậy, vụ Đông tới, chúng tôi đề nghị các địa phương tiếp tục tạo điều kiện để mở rộng diện tích, đặc biệt là ở huyện Yên Mô và Yên Khánh. Ngoài đậu tương rau thì có ngô ngọt, cải bó xôi. Công ty cam kết tiêu thụ 100% sản phẩm với mức giá không thấp hơn giá hợp đồng đã ký.
Cũng giống như Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, ông Nguyễn Hưng Vĩnh – đại diện Công ty TNHH Thanh An (thành phố Tam Điệp), chia sẻ: Thời gian qua, Công ty phải tìm nguồn nguyên liệu ở các tỉnh Thanh Hóa, Bắc Giang, Nghệ An…, khá xa nên gặp không ít khó khăn. Nếu đẩy mạnh được sản xuất ở trong tỉnh thì rất tốt. Tôi rất mong địa phương có chính sách khuyến khích nông dân cho mượn đất, thuê đất để liên kết, đầu tư sản xuất thành vùng tập trung, từ đó đưa cơ giới hóa vào để giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất.
Về phía cơ quan chuyên môn, ông Bùi Hữu Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh thông tin: Đơn vị đang lựa chọn một số tiến bộ kỹ thuật phù hợp để khuyến cáo người dân áp dụng trong vụ Đông năm 2023 tới đây. Cụ thể như: Canh tác trong nhà lưới, nhà vòm, sử dụng màng phủ nông nghiệp, quy trình sản xuất rau, củ, quả an toàn theo hướng thực hành nông nghiệp tốt; kỹ thật gieo trồng bằng phương pháp che phủ rơm rạ, nilon để hạn chế sâu bệnh, cỏ dại, giữ ẩm đất. Bên cạnh đó, đưa vào các giống mới có chất lượng tốt thay thế dần những giống cũ. Mặc dù vụ Đông gần như là vụ sản xuất khó khăn nhất trong năm, tuy nhiên, giá trị về mặt kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực của mùa vụ này lại rất quan trọng.
Nhìn lại vụ Đông năm 2022, diện tích, sản lượng đều sụt giảm so với năm 2021 nhưng tổng giá trị sản xuất vẫn đạt hơn 996 tỷ đồng, giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đạt 127 triệu đồng. Vì thế, ngành chuyên môn cũng như các địa phương đang tích cực vào cuộc chỉ đạo, điều hành kịp thời, đồng bộ để đảm bảo kế hoạch sản xuất đề ra. Trước mắt, tập trung thu hoạch nhanh gọn lúa và cây màu vụ Mùa, giải phóng đất sớm để triển khai sản xuất vụ Đông kịp thời vụ. Phấn đấu trồng xong nhóm cây ưa ấm trước ngày 5/10, riêng nhóm cây ưa lạnh sẽ tập trung xuống giống từ ngày 15/10 đến ngày 25/11.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu