Phiên chất vấn được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp kết nối trực tuyến từ Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đồng thời được tường thuật trực tiếp trên sóng truyền hình và phát thanh để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi, giám sát.
Tham dự tại điểm cầu Ninh Bình có các đồng chí: Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Thị Hồng Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; các vị ĐBQH tỉnh, lãnh đạo một số sở, ban, ngành có liên quan.
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Đây là phiên chất vấn thứ 4 được tổ chức tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Trên cơ sở tổng hợp các đề xuất của các đoàn đại biểu Quốc hội cân nhắc các lĩnh vực đã và đang được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong thời gian qua và việc trả lời chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV cũng như yêu cầu của thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định lựa chọn chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại phiên họp này.
Điểm qua các nhóm vấn đề chất vấn, Chủ tịch Quốc hội cho biết, với thời gian chất vấn chỉ trong một ngày, các nhóm vấn đề chất vấn có phạm vi rộng, nhiều vấn đề đang gây bức xúc trong dư luận xã hội, đề nghị các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề, tranh luận thẳng thắn, trách nhiệm, mang tính xây dựng; mỗi chất vấn không quá 1 phút; thời gian tranh luận không quá 2 phút.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Bộ trưởng nêu cao tinh thần trách nhiệm, trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm, làm rõ những chất vấn đại biểu Quốc hội nêu, đồng thời đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả, khả thi, bảo đảm vừa khắc phục kịp thời, hiệu quả các yếu kém, hạn chế trước mắt, vừa tạo được chuyển biến thực chất, căn cơ và lâu dài đối với từng nội dung chất vấn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành lĩnh vực quản lý, đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng của cử tri, nhân dân cả nước.
Ngay sau phần khai mạc, trong buổi sáng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Tư pháp, tập trung vào nội dung: Việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội; giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ.
Thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những hạn chế, sai phạm trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thực trạng và giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp.
Trách nhiệm trả lời chính thuộc về Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Đặt câu hỏi chất vấn tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Trần Thị Hồng Thanh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho biết, hiện nay việc kiểm soát quyền lực trong hoạt động lập quy còn có nhiều hạn chế. Để giải quyết tình trạng này, đề nghị Bộ trưởng cho biết trong thời gian tới cần tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp gì để thực hiện hiệu quả kiểm soát quyền lực trong hoạt động lập quy, qua đó góp phần quan trọng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động lập quy? Bên cạnh đó, hiện nay cơ chế đảm bảo sự tham gia, giám sát của nhân dân vào quá trình xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật cũng còn nhiều hạn chế. Do vậy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng đưa ra những giải pháp giúp đảm bảo sự tham gia, giám sát của nhân dân trong quá trình xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật trong thời gian tới?
Trả lời câu hỏi của ĐBQH tỉnh Ninh Bình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng: Việc kiểm soát quyền lực của cơ quan giám sát của Quốc hội, cơ quan dân cử đối với cơ quan hành pháp có rất nhiều biện pháp như: Chính phủ báo cáo giải trình hoặc cử các thành viên trả chất vấn; giám sát của đại biểu Quốc hội…
Về góp ý của nhân dân, của các cơ quan, hiện đã có cơ chế tương đối ổn định trong pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, khi công bố các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật lên các cổng thông tin thì chưa nhận được sự quan tâm của nhân dân. Một số cơ quan, doanh nghiệp, chủ thể khác thường chỉ quan tâm đến lĩnh vực của mình, khi tham gia ý kiến, nhiều trường hợp cũng cần cân nhắc, không thể tiếp thu hết các ý kiến.
Sắp tới, các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu việc sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy định cụ thể hơn nữa nội dung các cơ quan chủ trì soạn thảo phải công bố để lấy ý kiến, đồng thời đưa ra các điều kiện để tổ chức các hội nghị, hội thảo, thu hút thêm ý kiến của nhân dân, tăng cường vai trò truyền thông về chính sách.
Phát biểu kết thúc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực Tư pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết: Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 15/8 đã có 28 vị ĐBQH đặt câu hỏi chất vấn với 43 vấn đề, câu hỏi có liên quan đến 3 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Tư pháp.
Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao, các ĐBQH đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung, đúng trọng tâm vấn đề chất vấn; Bộ trưởng Bộ Tư pháp trả lời cơ bản đầy đủ nội dung các câu hỏi và nội dung tranh luận của các ĐBQH. Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã tham gia trả lời chất vấn, làm rõ thêm một số ý kiến có liên quan được ĐBQH quan tâm.
Hồng Giang – Đức Lam – Anh Tú