Cùng dự có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các đồng chí Ủy viên UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; các huyện, thành phố.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe dự thảo báo cáo tình hình phát triển kinh tế – xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm 2 tháng cuối năm.
Báo cáo nêu rõ, mặc dù sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng đang có dấu hiệu phục hồi. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 8.700 tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ; lũy kế 10 tháng đầu năm đạt gần 80.000 tỷ đồng, tăng 1,5% so với cùng kỳ.
Công tác quản lý Nhà nước về xây dựng, giao thông, tài nguyên môi trường được tập trung chỉ đạo, nâng cao chất lượng lập các quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.
Kết cấu hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ nhất là các công trình dự án trọng tâm, quan trọng, có vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Sản xuất nông nghiệp bảo đảm trong khung thời vụ. Toàn tỉnh đã tích cực thu hoạch lúa mùa để hạn chế ảnh hưởng của mưa bão và tạo quỹ đất trồng cây vụ Đông. Công tác điều tra, dự tính, dự báo, theo dõi các đối tượng dịch hại cây trồng được thực hiện kịp thời.
Sản xuất thủy sản tiếp tục phát triển ổn định, không bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Công tác xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu được tập trung chỉ đạo thực hiện theo kế hoạch.
Hoạt động thương mại và dịch vụ trong tháng tiếp tục diễn ra sôi động, tất cả các nhóm hàng hóa đều có mức tăng cao. Xuất khẩu có tín hiệu tích cực sau nhiều tháng suy giảm. Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn như: quần áo; xi măng, clanke; giầy dép; camera và linh kiện điện thoại…
Du lịch tiếp tục phát triển mạnh mẽ, chất lượng dịch vụ du lịch ngày càng được nâng cao. 10 tháng đầu năm đạt toàn tỉnh đón 5,86 triệu lượt khách, tăng gấp 1,9 lần so với cùng kỳ; doanh thu đạt 5.509,4 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ.
Công tác an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo, thực hiện tốt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được chăm lo ngày một tốt hơn.
Công tác xây dựng chính quyền, tư pháp, dân tộc, cải cách hành chính, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có nhiều tiến bộ; văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục, đối ngoại được quan tâm thực hiện; an ninh quốc phòng được giữ vững.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng tập trung phân tích kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2023; đồng thời trao đổi làm rõ những thuận lợi, khó khăn trong dự kiến kế hoạch các chỉ tiêu phát triển năm 2024. Trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, xử lý các vấn đề còn vướng mắc trên các lĩnh vực.
Các ý kiến cho rằng, cần tiếp tục tập trung phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh; phối hợp tổ chức thành công các sự kiện văn hóa dịp cuối năm; quan tâm đến công tác đảm bảo an ninh trật tự; tích cực thực hiện hoạt động chuyển đổi số ở tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương; thúc đẩy tỷ lệ đô thị hóa, lập quy hoạch chung đô thị Ninh Bình; tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoat động xây dựng trong vùng lõi di sản; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện các công trình trọng điểm…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn tác động mọi mặt kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và quyết tâm với các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra; cùng với sự đồng thuận, nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân nên tình hình kinh tế – xã hội tháng 10 và tháng 10 đầu năm 2023 có nhiều khởi sắc trên tất cả các lĩnh vực.
Sản xuất công nghiệp đang có dấu hiệu phục hồi. Sản xuất nông nghiệp cũng liên tiếp đạt được thắng lợi. Thu ngân sách đúng theo kịch bản dự báo. Doanh thu từ dịch vụ du lịch liên tục tăng…
Đồng chí đặc biệt nhấn mạnh: Đối với việc hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư với định hướng là “Đô thị Cố đô – Di sản” để xây dựng thành phố Hoa Lư là đô thị loại I sẽ là cơ hội để mở ra không gian phát triển mới cho thành phố, nâng cao chất lượng sống cho người dân. Ninh Bình hoàn toàn có cơ sở khoa học thực tiễn để thực hiện mục tiêu này.
Vì vậy đồng chí đề nghị các cấp, ngành, địa phương với vai trò, trách nhiệm của mình tích cực tham gia có hiệu quả vào quá trình triển khai, tổ chức thực hiện; đẩy nhanh hoạt động sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn gặp nhiều khó khăn, tác động đến hoạt động sản xuất công nghiệp, thu ngân sách, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế- xã hội trong 2 tháng cuối năm, đồng chí yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục tập trung đánh giá cụ thể tình hình kinh tế- xã hội sát với diễn biến thực tiễn. Từ đó xây dựng kế hoạch, mục tiêu phấn đấu trong năm 2024 ở tất cả các ngành, các lĩnh vực.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng thống nhất một số nhiệm vụ cần tập trung thực hiện liên quan đến thu chi ngân sách, đầu tư công, tiến độ triển khai các dự án trọng điểm về giao thông. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tham mưu cho ý kiến về công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch chung của tỉnh.
Các ngành Văn hóa, Du lịch tiếp tục phối hợp thực hiện tốt các hoạt động, sự kiện từ nay đến cuối năm; thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa.
Các sở, ngành, đơn vị, địa phương trên tinh thần nhiệm vụ được giao tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo, nỗ lực vượt khó, đề xuất các giải pháp để Ninh Bình hoàn thành và hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế- xã hội đã đề ra.
Minh Hải – Anh Tuấn