Tại Hội thảo Khoa học-Thực tiễn “Khởi tạo và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hội nhập quốc tế tại Ninh Bình – Vấn đề và giải pháp”, ông Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch HĐQT Intracom Group đã có Báo cáo trung tâm phân tích rõ những khó khăn trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo tại Việt Nam và thế giới; phân tích những mô hình khởi nghiệp thành công của thế giới và Việt Nam từ đó định hướng Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo cho Ninh Bình.
Theo Chủ tịch HĐQT Intracom Group, chúng ta đang sống trong một thời đại mà “Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo” thực sự đã hòa nhập, hài hòa với nhau như nước với sữa: Nhắc đến khởi nghiệp là phải nghĩ ngay đến hàm lượng đổi mới sáng tạo trong khởi nghiệp, khi có sự Đổi mới – Sáng tạo ta nghĩ ngay đến việc tạo ra Khởi nghiệp.
Với bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển không ngừng của công nghệ, việc xây dựng một hệ sinh thái “khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo hội nhập Quốc tế” vô cùng cần thiết và cấp bách. Điều này không chỉ giúp chúng ta tận dụng được những cơ hội mới mà còn tạo ra nền tảng vững chắc để đối mặt với những thách thức trong tương lai.
Trước làn sóng doanh nghiệp khởi nghiệp trên toàn thế giới hiện nay, Việt Nam nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng cũng không nằm ngoài xu hướng này. Thậm chí, Việt Nam còn được xếp trong danh sách nhóm các quốc gia có tinh thần khởi nghiệp đứng TOP đầu. Từ năm 2017 – 2020 được coi là giai đoạn bùng nổ mạnh mẽ nhất của các doanh nghiệp startup ở nước ta với số lượng tăng vọt. Theo Tổng cục Thống kê, tính đến năm 2020 cả nước có 760 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đến 97% (trong đó bao gồm cả các doanh nghiệp khởi nghiệp). Đối với tỉnh Ninh Bình, năm 2024, lần đầu tiên Bộ Khoa học và Công nghệ công bố chỉ số đổi mới sáng tạo các tỉnh, thành phố, Ninh Bình xếp thứ 16/63 toàn quốc.
Nhìn vào các con số và các xếp hạng trên, có lẽ nhiều người sẽ đánh giá ngay rằng hoạt động của các doanh nghiệp startup Việt Nam rất sôi động với nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, thực tế Việt Nam lại nằm trong số 20 quốc gia có khả năng thực hiện các kế hoạch kinh doanh thành công với những kết quả tốt là rất thấp. Chỉ khoảng 3% trong đó được coi là thành công so với đúng định hướng ban đầu mà các doanh nghiệp đã đặt ra. Ngoài ra, dựa trên kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có một kết quả đáng buồn đó là trong các doanh nghiệp khởi nghiệp ở thời điểm tiến hành khảo sát chỉ có 10% là thành công mà thôi.
Chủ tịch HĐQT Intracom Group nêu những kinh nghiệm thành công của một số quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam trong việc thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế. Cụ thể như ở Singapore- “con rồng” châu Á, động lực nằm ở nguồn lực tài trợ và hỗ trợ của chính phủ (cung cấp nguồn vốn, điều chỉnh, thay đổi chính sách) nhằm giúp đất nước ngày trở thành môi trường đầu tư và khởi nghiệp thân thiện.
Tại Trung Quốc, đất nước này tập trung đổi mới vào công nghệ ở khắp các lĩnh vực sản xuất, từ phần cứng đến phần mềm, thúc đẩy các ngành công nghiệp chiến lược như công nghệ sinh học, internet, công nghệ thông tin thế hệ mới và AI; bên cạnh đó ban hành chính sách “Vốn đầu tư mạo hiểm” thông qua việc hợp tác với các nhà đầu tư tư nhân để nhắm mục tiêu vào các doanh nghiệp khởi nghiệp trong các lĩnh vực then chốt, đặc biệt về mặt công nghệ.
Tại Hàn Quốc, nhằm hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, Chính phủ đã phát triển các trung tâm ươm mầm doanh nghiệp, hỗ trợ tư vấn khởi nghiệp và tài chính…
Tại Việt Nam, hiện nay, trên cả nước đã hình thành nhiều đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cả từ khu vực tư nhân, khu vực công và các tổ chức quốc tế, dưới nhiều mô hình phong phú như Trung tâm Hỗ trộ thanh niên khởi nghiệp, Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia…
Chủ tịch HĐQT Intracom Group cho biết, mô hình trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo được cấu thành từ hai thành phần quan trọng, bao gồm cơ sở vật chất và cơ chế quản trị vận hành. Cơ sở vật chất đóng vai trò nền tảng, bao gồm không gian làm việc, phòng thí nghiệm, trang thiết bị kỹ thuật và các tiện ích hỗ trợ khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thực hiện ý tưởng và phát triển sản phẩm. Tuy nhiên, để một trung tâm khởi nghiệp thực sự phát huy hiệu quả, cơ sở vật chất cần phải được hỗ trợ bởi một cơ chế quản trị vận hành linh hoạt và hiệu quả. Cơ chế này bao gồm các chính sách, quy trình và hệ thống quản lý, đảm bảo rằng mọi hoạt động trong trung tâm diễn ra một cách suôn sẻ, từ việc thu hút và hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, đến việc kết nối với các nhà đầu tư, tổ chức nghiên cứu và các đối tác chiến lược.
Chủ tịch HĐQT Intracom Group đề xuất Ninh Bình cần xây dựng một Trung tâm khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra một môi trường hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp và các hoạt động đổi mới sáng tạo. Quy mô của Trung tâm khoảng trên 50 ha, bao gồm khu vực văn phòng, khu trung tâm hội nghị và sự kiện, khu cơ sở đào tạo và học viên khởi nghiệp,…
Về cơ chế và mối quan hệ giữa các chủ thể trong mô hình Trung tâm khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo, nhà nước có vai trò kiến tạo ra môi trường để thúc đẩy các thành tố trong hệ sinh thái phát triển; các doanh nghiệp, tập đoàn xây dựng quỹ đầu tư vào các dự án khởi nghiệp, hỗ trợ vốn để duy trì các dự án khởi nghiệp, hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm đối với cộng đồng khởi nghiệp; các trường đại học và viện nghiên cứu cung cấp nguồn nhân lực…
Từ những phân tích trên Chủ tịch HĐQT Intracom Group khẳng định: Vai trò hỗ trợ của các tổ chức này là vô cùng quan trọng. Vì khi nói đến khởi nghiệp sáng tạo là phải giải quyết vấn đề bằng cách mới, rủi ro cao và đôi khi khó để thấu hiểu. Nên cần có các bên trung gian ở giữa để kết nối các bên có vấn đề và giải pháp và hơn thế nữa là các hỗ trợ toàn diện như tư vấn, cố vấn, đầu tư, gọi vốn, hỗ trợ phần cứng, phần mềm, hỗ trợ về thị trường, mô hình kinh doanh,.. nhưng cũng là bên kiểm soát về chất lượng và hiệu quả của các dự án.
Trong thời gian gần đây, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Mở của chúng ta đã tiếp nhận và đã đặt đúng vị trí của các đơn vị trung gian rất quan trọng để các ý tưởng mới, sản phẩm mới, mô hình mới và cả những doanh nghiệp mới có cơ hội thành công được sớm hơn, chắc chắn hơn và tỷ lệ cao hơn. Hình thức của các tổ chức trung gian cũng rất đa dạng từ: Trung tâm xúc tiến và hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ; Trung tâm hỗ trợ định giá tài sản trí tuệ; Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; Cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, các nền tảng kết nối bên cung và cầu về khởi nghiệp sáng tạo; Sàn giao dịch công nghệ,…
Trong thời đại số hiện nay, các nền tảng số kết nối bên cung và cầu về khởi nghiệp sáng tạo sẽ là một thành tố không thể thiếu để thúc đẩy sự kết nối liên tục, theo nhu cầu và không bị giới hạn về mặt thời gian và không gian giữa các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Mở. Chỉ khi những nền tảng này hoạt động tích cực và sôi nổi thì mới tối đa hóa được những luồng thông tin về khởi nghiệp sáng tạo và kích những tương tác, kết nối giữa các chủ thể nhiều nhất và nhanh nhất.
Với kinh nghiệm quan sát được từ nước ngoài, luôn cần có sự kết hợp công – tư để có thể phát triển và vận hành những nền tảng như vậy một cách có hiệu quả nhất.
Song Nguyễn-Anh Tuấn
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/tu-kinh-nghiem-trong-nuoc-va-quoc-te-den-dinh-huong-trung/d2024092910415092.htm