Cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của xã Cúc Phương (Nho Quan) còn 2,61%. Trong đó, hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội là 1,81%; nghèo không thuộc diện bảo trợ là 0,8%. Trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2025, địa phương phấn đấu giảm 0,5% đối với hộ nghèo không thuộc diện bảo trợ. Như vậy, đến năm 2025, Cúc Phương nỗ lực giảm tỷ lệ hộ nghèo nói chung xuống dưới 2%.
Ông Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Cúc Phương cho biết, để thực hiện mục tiêu cụ thể trong công tác giảm nghèo, xã xác định cần tiếp tục thay đổi nhận thức, ý thức của người dân để họ không không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chủ động phát huy nội lực, vươn lên phát triển kinh tế. Do đó, công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, đa dạng. Những cán bộ tuyên truyền không chỉ nắm vững chính sách, mà còn phải có kỹ năng truyền đạt thông tin một cách dễ hiểu, dễ nhớ đến bà con.
Chị Bùi Thị Kim Thu là cán bộ có nhiều kinh nghiệm trong công tác giảm nghèo ở Cúc Phương. Chị Thu luôn chủ động lên kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ, quản lý hộ nghèo, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đoàn thể để nâng cao nhận thức cho hộ nghèo. Sử dụng công nghệ thông tin đăng tải trên các trang mạng xã hội, tuyên truyền trên đài truyền thanh của xã những thông tin về chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, cũng như giải pháp phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
“Hiệu quả lớn nhất trong công tác giảm nghèo là góp phần giúp thay đổi nhận thức của người nghèo, giúp họ có ý thức vươn lên thoát nghèo, tìm việc làm, có kế hoạch sản xuất, từ đó họ sẽ thoát nghèo bền vững. Mà muốn vậy, bản thân người làm công tác giảm nghèo cần nắm vững các chính sách dành cho người nghèo, cận nghèo và kỹ năng tuyên truyền phong phú, phù hợp”- chị Thu nói.
Để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, chị Thu thường xuyên tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ do ngành Lao động, Thương binh và Xã hội; UBND huyện Nho Quan… tổ chức. Thông qua lớp tập huấn, chị Thu hiểu được quy trình, quy định, triển khai các phương pháp tổ chức, bộ công cụ áp dụng cho công tác tham mưu, phối hợp tổ chức rà soát hộ nghèo, cận nghèo, xác định hộ có mức sống trung bình tại địa phương; phương pháp thông tin, kỹ năng tuyên truyền, cách sử dụng CNTT trong hoạt động tuyên truyền…
Với những đóng góp thiết thực đó của đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo, những năm gần đây phong trào phát triển kinh tế của địa phương đã có sự thay đổi rõ nét. Hiện nay, xã Cúc Phương đang duy trì hoạt động hiệu quả của 5 HTX, đó là các HTX: Nông nghiệp, Dược thảo, Hươu sao, đan bèo bồng và may mặc. Các HTX hỗ trợ hội viên không chỉ kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi mà còn giúp đỡ về giống, vốn, thị trường tiêu thụ… vì vậy, số hộ dân tham gia vào các HTX ngày càng đông, trở thành hướng phát triển kinh tế phù hợp của xã Cúc Phương.
Cuối năm 2023, toàn huyện Nho Quan còn 1.202 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,04%, giảm 906 hộ (2,01%) so với cuối năm 2021. Như vậy, mục tiêu mỗi năm giảm bình quân 315 hộ nghèo theo tiêu chuẩn đa chiều trong giai đoạn 2022-2025 đang được địa phương thực hiện khá hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Nho Quan cho biết: Làm tốt công tác truyền thông về chính sách là yếu tố rất quan trọng giúp người nghèo nắm vững, hiểu đúng và đầy đủ về các chính sách hỗ trợ, từ đó tiếp nhận các nguồn lực để vươn lên.
Để thực hiện có hiệu quả công tác truyền thông ở cơ sở, huyện đã chú trọng việc nâng cao năng lực, kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo. Lực lượng cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở chính là “cánh tay nối dài”, đưa chính sách đi vào thực tiễn cuộc sống và giới thiệu những cách làm hay, hiệu quả đến với hộ nghèo.
Vì vậy, hàng năm, huyện Nho Quan đều tranh thủ sự hỗ trợ của ngành chuyên môn, tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo từ huyện đến cơ sở. Từ đó giúp các địa phương nâng cao trách nhiệm để thực hiện các dự án đạt kết quả. Đồng thời, phổ biến các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về công tác giảm nghèo tới các tầng lớp nhân dân. Hướng dẫn người nghèo cách tiếp cận với các chính sách một cách phù hợp, hiệu quả, tạo sức bật vươn lên.
Triển khai thực hiện tiểu dự án về Thông tin và Truyền thông về giảm nghèo đa chiều trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023, huyện Nho Quan đã dựa trên kinh phí được phân bổ, giao cho các phòng chức năng có trách nhiệm xây dựng và ban hành kế hoạch tập huấn kiến thức, kỹ năng truyền thông về giảm nghèo thông tin; tổ chức hội nghị tập huấn cho cán bộ văn hóa xã hội, phụ trách đài truyền thanh xã, thị trấn, với các nội dung: Hướng dẫn kỹ năng truyền thông, xây dựng bài viết tuyên truyền trên hệ thống Đài phát thanh, trang thông tin điện tử huyện; xã, thị trấn; Hướng dẫn kỹ năng truyền thông trên nền tảng số và mạng xã hội; Tổ chức các hội nghị đối thoại với hộ nghèo, hộ cận nghèo; thành lập đội thi tham gia hội thi “Tuyên truyền viên giỏi về công tác giảm nghèo”… Qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên các cấp và nhân dân đối với công tác giảm nghèo, tạo hiệu ứng lan tỏa tới cộng đồng cùng chung tay giảm nghèo bền vững.
Đẩy mạnh truyền thông là một trong những cách để giảm nghèo bền vững, với tầm quan trọng đó, trong những năm qua, công tác truyền thông về giảm nghèo đã được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với tình hình thực tiễn từng cơ sở.
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2022-2025, hàng năm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở nhằm cung cấp các nội dung như: Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh; quy trình, thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất…
Ngoài ra, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức in và phát hàng chục nghìn tờ rơi về các chính sách giảm nghèo đến nhân dân, chủ yếu là đối tượng hộ nghèo; chăng treo trên 100 băng rôn tuyên truyền công tác giảm nghèo nhân Ngày vì người nghèo 17/10 trên địa bàn toàn tỉnh…
Đặc biệt, một hoạt động hiệu quả được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức hàng năm, đó là công tác đối thoại với người nghèo, cận nghèo. Từ năm 2017 đến nay, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã duy trì việc phối hợp với các địa phương tổ chức các hội nghị đối thoại chính sách tại cơ sở cho đại diện hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh.
Tại các cuộc tiếp xúc, không chỉ được cung cấp thông tin về các chế độ, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, chính sách đặc thù của tỉnh về công tác giảm nghèo, người nghèo, cận nghèo còn được chia sẻ những kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, những mô hình phát triển kinh tế phù hợp… để có thêm động lực, nguồn lực vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đào Hằng-Minh Quang