Tại Vườn cảnh Non Nước thuộc Câu lạc bộ Sinh vật cảnh Dục Thúy Sơn (phường Thanh Bình – thành phố Ninh Bình), hàng nghìn tác phẩm sinh vật cảnh luôn được chăm sóc cẩn thận trong khuôn viên diện tích rộng 3.000 m2. Tại đây, hàng ngày có gần 20 lao động vẫn miệt mài với việc chăm sóc, cắt tỉa, tạo dáng cây xanh…
Anh Vũ Đức Thắng, thành viên vườn cảnh Non Nước cho biết: Là thành viên của Câu lạc bộ Sinh vật cảnh Dục Thúy Sơn, vườn cảnh Non Nước thường xuyên tham gia các triển lãm ở trong và ngoài tỉnh. Năm nào, vườn cảnh cũng chú trọng khâu lựa chọn các tác phẩm xuất sắc, tiêu biểu để đưa đi dự các triển lãm ở Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh…
Vườn cảnh đang sở hữu trên 100 tác phẩm cây xanh được đánh giá là những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc như: May mắn, an nhiên, đoàn kết, phúc mãn đường, long phượng kỳ duyên, trực quân tử… Từ những loại cây quen thuộc như: sanh, si, mai chiếu thủy, hoa giấy, lộc vừng… qua bàn tay khéo léo và con mắt nghệ thuật, có kinh nghiệm của các nghệ nhân và người làm vườn lành nghề đã từng bước trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, được nhiều khách hàng ưa chuộng, tìm đến.
Vườn cảnh Non Nước cũng là địa chỉ thu hút đông khách hàng, người chơi cây cảnh ở trong và ngoài tỉnh tìm về. Doanh thu từ hoạt động sinh vật cảnh tại vườn cảnh đạt mức từ 15-20 tỷ đồng/năm, trừ các chi phí cho thu nhập từ 1,5-2 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho gần 20 lao động với mức thu nhập từ 15-20 triệu đồng/người/tháng.
Chuẩn bị cho Triển lãm Sinh vật cảnh các tỉnh đồng bằng sông Hồng mở rộng với chủ đề “Tinh hoa Cố đô” vào tháng 4/2024, vườn cảnh đã lựa chọn khoảng 50 tác phẩm tiêu biểu để Hội Sinh vật cảnh đến chấm, chọn các tác phẩm để đem dự triển lãm. Vườn cảnh mong muốn thông qua Triển lãm tiếp tục giới thiệu đến nhân dân và du khách những tác phẩm sinh vật cảnh ý nghĩa, đúng chủ đề hướng về kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Đồng thời, đây cũng là sân chơi bổ ích để các nghệ nhân chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật, nâng cao trình độ chuyên môn, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, kết nối giao lưu thương mại, thúc đẩy thị trường sinh vật cảnh phát triển.
Ông Nguyễn Trung Lạc, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh cho biết: Nhân kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, Ban tổ chức Triển lãm Sinh vật cảnh các tỉnh đồng bằng sông Hồng mở rộng năm 2024 đã gửi thư mời tham gia Triển lãm và trực tiếp đến từng tỉnh, thành, về các huyện, thành phố để lựa chọn, chấm tác phẩm đưa về dự triển lãm.
Đến nay, đã có tác phẩm của Hội Sinh vật cảnh của 11 tỉnh, thành: Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Hòa Bình… và một số tỉnh phía Nam nhận lời tham gia Triển lãm. Tại các huyện, thành phố, các câu lạc bộ trực thuộc và gần 30 nhà vườn sinh vật cảnh trong tỉnh cũng tích cực chuẩn bị các điều kiện để tham gia Triển lãm.
Những năm qua, hoạt động sinh vật cảnh đã dần khẳng định vai trò, vị trí trong phát triển kinh tế- xã hội ở nhiều địa phương trong tỉnh. Với 7.200 hội viên sinh hoạt tại 142/145 Hội Sinh vật cảnh xã, phường, thị trấn, 7 câu lạc bộ trực thuộc Hội Sinh vật cảnh tỉnh và gần 30 nhà vườn, ngành sinh vật cảnh của tỉnh đã có sự phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, trở thành ngành nghề phát triển kinh tế cho thu nhập ổn định, mở hướng làm giàu cho nhiều gia đình hội viên.
Theo thống kê của Hội Sinh vật cảnh tỉnh, năm 2023 doanh thu từ các hoạt động mua bán, trao đổi cây cảnh, sản phẩm sinh vật cảnh toàn tỉnh đạt trên 43 tỷ đồng; mỗi huyện, thành phố hiện có hơn chục gia đình hội viên có thu nhập cao, làm giàu từ hoạt động sinh vật cảnh.
Để giúp hội viên thực hiện hiệu quả hoạt động đưa các sản phẩm sinh vật cảnh đến gần hơn với công chúng, Hội Sinh vật cảnh tỉnh đã quan tâm tổ chức các triển lãm ở các quy mô khác nhau: cấp huyện, cấp tỉnh, cấp câu lạc bộ; chủ động tham gia các triển lãm sinh vật cảnh tại các tỉnh, thành trong cả nước để giao lưu, giới thiệu, quảng bá sản phẩm sinh vật cảnh Ninh Bình.
Chuẩn bị cho Triển lãm Sinh vật cảnh các tỉnh đồng bằng sông Hồng mở rộng năm 2024 chào mừng kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Hội Sinh vật cảnh tỉnh dự kiến sẽ giới thiệu khoảng 1.000 tác phẩm cây nghệ thuật, bonsai và khoảng hơn 2.000 cây dịch vụ, đá cổ, gỗ lũa, đá bán quý, tranh dân gian…
Thông qua hoạt động triển lãm, trưng bày sinh vật cảnh, Hội Sinh vật cảnh mong muốn tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm sinh vật cảnh tiêu biểu, đặc sắc và kết quả phong trào sinh vật cảnh của Ninh Bình đến đông đảo người dân và du khách, để công chúng được chiêm ngưỡng các tác phẩm được tạo nên từ đôi bàn tay khéo léo và thẩm mỹ của các nghệ nhân sinh vật cảnh vùng đất Cố đô. Đồng thời giao lưu, tìm hiểu và tiêu thụ sản phẩm sinh vật cảnh từ các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng cũng như trong các huyện, thành phố của tỉnh.
Triển lãm Sinh vật cảnh cũng nhằm khuyến khích phong trào phát triển kinh tế sinh vật cảnh, giúp người dân và hội viên làm giàu bền vững, tham gia tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần cải thiện môi trường, làm đẹp thôn, xóm, phố, hướng tới xây dựng tỉnh Ninh Bình xanh, sạch, đẹp, hiện đại.
Theo kế hoạch, Triển lãm Sinh vật cảnh các tỉnh đồng bằng sông Hồng mở rộng năm 2024 chào mừng kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới sẽ diễn ra từ ngày 14- 24/4/2024 tại khu vực trong sân Nhà thi đấu thể dục thể thao tỉnh Ninh Bình. |
Bài, ảnh: Bùi Diệu