Đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng 2 Ban Chỉ đạo tỉnh chủ trì hội nghị.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Đỗ Việt Anh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Thường trực 2 Ban Chỉ đạo tỉnh; Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng 2 Ban Chỉ đạo tỉnh; Bùi Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh và các đồng chí thành viên 2 Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện.
Năm 2023, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo (BCĐ) tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.
Trong thực hiện QCDC ở cơ sở, vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, địa phương được phát huy; có nhiều đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tập trung vào những việc mới, việc khó của địa phương, cơ quan, đơn vị; lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Việc thực hiện QCDC ở các loại hình cơ sở: xã, phường, thị trấn; các cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp đạt nhiều kết quả quan trọng.
Thực hiện QCDC ở cơ sở đã góp phần tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, tạo sự đồng thuận của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Cũng trong năm 2023, Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện phong trào thi đua gắn với quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của tỉnh và thực hiện Chủ đề công tác năm 2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Giữ vững kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả thực chất”. Đồng thời tập trung chỉ đạo triển khai xây mới, nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” hiệu quả, rà soát đưa ra khỏi danh sách những mô hình kém hiệu quả.
Các cơ quan, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã xây dựng mới 421 mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, nâng tổng số mô hình “Dân vận khéo” toàn tỉnh lên 1.635 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực. Các mô hình “Dân vận khéo” đã và đang có sức lan tỏa, góp phần khơi dậy sức dân, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã phát biểu làm rõ hơn kết quả đạt được trong thực hiện QCDC ở cơ sở và phong trào thi đua “Dân vận khéo” năm 2023, những thuận lợi, khó khăn, nguyên nhân của những hạn chế; đề xuất nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả QCDC ở cơ sở và phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong năm 2024.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng 2 Ban Chỉ đạo tỉnh ghi nhận, đánh giá cao kết quả đạt được của các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện QCDC ở cơ sở và phong trào thi đua “Dân vận khéo” thời gian qua.
Thẳng thắn chỉ ra những hạn chế và yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương nghiêm túc khẩn trương khắc phục, đồng chí đề nghị trong thời gian tới tập trung tuyên truyền, triển khai có hiệu quả Luật Thực hiện QCDC ở cơ sở năm 2022. Tiếp tục chỉ đạo và thực hiện tốt việc xây dựng và thực hiện QCDC ở xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị. Rà soát, bổ sung sửa đổi Quy chế làm việc của các cơ quan, đơn vị để góp phần thực hiện tốt hơn QCDC ở cơ sở.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng lưu ý, việc thực hiện QCDC ở cơ sở phải góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế-xã hội, tạo sự đồng thuận cao trong sắp xếp đơn vị hành chính, đảm bảo quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới cần kịp thời kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở, nhất là ở cấp xã.
Đối với phong trào thi đua “Dân vận khéo” năm 2024, đồng chí đề nghị tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quy chế công tác dân vận của cả hệ thống chính trị; Kế hoạch số 26 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2021-2025. Tổ chức khảo sát, đánh giá mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu trên các lĩnh vực; đẩy nhanh tiến độ chỉ đạo biên soạn Cuốn sách 100 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu giai đoạn 2021-2025.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng đặc biệt lưu ý phong trào thi đua “Dân vận khéo” cần đi vào những vấn đề khó khăn, phức tạp, nhạy cảm như: công tác giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện các công trình trọng điểm; công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã… Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” phải góp phần vào phong trào thi đua yêu nước và thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh, qua đó góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và phát triển tỉnh Ninh Bình đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Đồng chí cũng trao đổi làm rõ những kiến nghị, đề xuất của các đại biểu nêu tại hội nghị.
Mai Lan – Trường Giang