Sáng 7/8, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu Quốc gia của tỉnh chủ trì hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm. Cùng dự có các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của tỉnh.
Năm 2023 là năm thực hiện sơ kết giữa giai đoạn cũng là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2021-2025, là tiền đề để tỉnh Ninh Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM vào năm 2024 theo đúng mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng như vậy, ngay từ đầu năm 2023 Ninh Bình đã đặt mục tiêu có thêm 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; huyện Kim Sơn được công nhận đạt chuẩn NTM; 2 huyện (Hoa Lư, Yên Khánh) được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; hết năm 2023 tỉnh Ninh Bình đủ các điều kiện hoàn thiện hồ sơ xét công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Toàn tỉnh đã quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2023 đã đề ra, sau 6 tháng triển khai thực hiện, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã đạt được một số kết quả nổi bật.
Hội đồng thẩm định Trung ương đã họp xét và nhất trí sẽ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện Kim Sơn đạt chuẩn NTM; 2 huyện Yên Khánh, Hoa Lư đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ tự đánh giá, thẩm tra xét công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; có 3 xã đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Theo đánh giá, hiện nay các xã cơ bản đáp ứng được tiến độ xét công nhận đạt chuẩn theo kế hoạch năm 2023. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 5/6 huyện đạt chuẩn NTM, 2/2 thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 119/119 xã đạt chuẩn NTM; có 30/119 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 14/119 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Lũy kế đến nay toàn tỉnh Ninh Bình có 101 sản phẩm xếp hạng OCOP, gồm 68 sản phẩm hạng 4 sao và 33 sản phẩm hạng 3 sao.
Tổng nguồn vốn huy động cho Chương trình trong 6 tháng đầu năm đạt 1.729,8 tỷ đồng, trong đó: Nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình là 255 tỷ đồng; ngân sách huyện, xã là 610,8 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác là 101,7 tỷ đồng; vốn tín dụng 90,8 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp 69 tỷ đồng; vốn huy động từ cộng đồng dân cư đóng góp và tự đầu tư là 602,4 tỷ đồng.
Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm được đề ra là: huyện Yên Khánh và huyện Hoa Lư được công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; hoàn thiện hồ sơ, xét công nhận 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; hoàn thiện các điều kiện, quy định đối với tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Chương trình OCOP, phân hạng 49 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên.
Sau khi nghe báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm và phát biểu tham luận của các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng NTM của tỉnh, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu Quốc gia của tỉnh khẳng định: Với ý chí chính trị, quyết tâm rất cao, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đã xác định xây dựng Ninh Bình đạt chuẩn tỉnh NTM vào năm 2024 là 1 mục tiêu của nhiệm kỳ. Do vậy trong quá trình triển khai, thực hiện, tỉnh đã có lộ trình, bước đi bài bản, cụ thể, đáp ứng được mục tiêu nhiệm vụ đặt ra. Việc công nhận các xã NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu cơ bản đảm bảo yêu cầu, tiến độ, chất lượng đề ra.
Đối với 2 huyện Yên Khánh, Hoa Lư cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng huyện NTM nhanh hơn nữa, trong đó riêng huyện Hoa Lư cần phối hợp với các ngành có liên quan báo cáo giải trình cụ thể về 2 tiêu chí chưa đạt, trên cơ sở đó tỉnh sẽ trao đổi, làm việc, đề xuất báo cáo với Bộ Nội vụ, quyết tâm trình hồ sơ trong năm nay. Các huyện còn lại tiếp tục nghiên cứu xây dựng lộ trình, đề xuất cụ thể với tỉnh để đạt chuẩn NTM nâng cao với quan điểm trong giai đoạn này là không tập trung nhiều kinh phí, nguồn lực cho xây dựng kết cấu hạ tầng mà tập trung cho sản xuất, văn hóa, lao động, việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân.
Tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới, trong đó Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần theo dõi sát các tiêu chí, hướng dẫn các xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao và kiểu mẫu trong năm nay hoàn thiện điều kiện, thủ tục hồ sơ.
Đối với việc tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị nâng cao chất lượng và đảm bảo các tiêu chuẩn được đặt lên hàng đầu; quan tâm hỗ trợ sau đầu tư đối với các sản phẩm để đảm bảo công bằng, hiệu quả và thực chất.
Nguyễn Thơm-Anh Tuấn