Cùng dự có các đồng chí Phó Trưởng Ban Chỉ đạo: Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Các đồng chí: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Bí thư các Ban cán sự đảng, Đảng đoàn; thủ trưởng các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội cấp tỉnh; các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh; Thường trực các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc; Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Trưởng Ban Tổ chức các huyện ủy, thành ủy; Trưởng phòng Nội vụ các huyện, thành phố; cán bộ, chuyên viên trực tiếp tham mưu triển khai công tác sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã dự hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh quán triệt các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị và của Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030.
Theo đó, quán triệt, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, ngày 23/8/2023, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023-2030. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 138 về thực hiện việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023-2030; ban hành Quyết định số 1013 về thành lập Ban chỉ đạo thực hiện việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023-2030.
Việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhằm tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, tạo không gian phát triển mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt là những giá trị tốt đẹp của con người và vùng đất Cố đô, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh, bền vững của tỉnh trong thời kỳ mới.
Cấp ủy, chính quyền các cấp căn cứ các quy định về tiêu chuẩn của ĐVHC, đặc thù vùng miền, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, hoàn thành việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã. Lộ trình việc sắp xếp được chia thành 2 giai đoạn (giai đoạn 2023-2025, giai đoạn 2025-2030) và có 10 nhiệm vụ cụ thể phải thực hiện theo lộ trình.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh dự kiến hoàn thành sắp xếp đối với ĐVHC cấp huyện, cấp xã có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định; ĐVHC cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% quy định; ĐVHC cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định.
Đặc biệt, sẽ tiến hành hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư với định hướng là đô thị cố đô – di sản, dựa trên nền tảng giá trị văn hóa – lịch sử của cố đô Hoa Lư và các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản Tràng An. Ngoài ra, thành phố Tam Điệp cũng sẽ được mở rộng địa giới hành chính, phát triển thành phố Tam Điệp theo định hướng trở thành đô thị công nghiệp – dịch vụ, kết nối và chuyển tiếp hài hòa, phù hợp với vùng di sản Tràng An…
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã Quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023-2030, gồm 50 thành viên.
Tiếp đó, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh quán triệt các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và của UBND tỉnh liên quan đến việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030: Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15, ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết số 117/NQ-CP, ngày 30/7/2023 của Chính phủ; Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh và Kế hoạch của UBND tỉnh.
Theo kế hoạch thực hiện của UBND tỉnh nêu rõ mục đích, yêu cầu; nhiệm vụ, lộ trình, thời gian thực hiện và phân công nhiệm vụ cụ thể, tổ chức thực hiện cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Trong đó, về lộ trình: Năm 2023, cấp tỉnh, cấp huyện, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2030; ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện giai đoạn 2023-2025 và tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai công tác. Tiến hành xây dựng, trình phê duyệt Phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC. Trước ngày 31/10/2023, hoàn thành xây dựng Phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025 báo cáo Bộ Nội vụ thẩm định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Trong năm 2024: căn cứ Phương án tổng thể đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các xã, các huyện góp ý để UBND tỉnh bổ sung hồ sơ, thủ tục, Đề án chi tiết sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 trình Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành Trung ương liên quan thẩm định xong trước ngày 30/6/2024.
Sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (dự kiến xong trước 31/12/2024), tỉnh triển khai thực hiện Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã với các nhiệm vụ như: tổ chức bộ máy; bố trí cán bộ, công chức, viên chức; giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động dôi dư; xử lý trụ sở, tài sản công.
Đến năm 2025, UBND tỉnh sẽ tổ chức sơ kết việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023-2025 và báo cáo Bộ Nội vụ, dự kiến thời gian trước 31/8/2025.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn nhấn mạnh mục đích, yêu cầu của việc tổ chức hội nghị, đồng thời khẳng định: Việc sắp xếp ĐVHC là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, là nhu cầu khách quan, thực tiễn, xuất phát từ quy luật vận động; nhằm góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước, mở rộng không gian phát triển và phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Song, đây là việc lớn, khó, phức tạp, nhạy cảm, tác động lớn đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; tác động đến tư tưởng, tâm lý của nhân dân, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Vì vậy cần có phương pháp, lộ trình phù hợp.
Với Ninh Bình, đây không chỉ là việc sắp xếp ĐVHC một cách thuần túy mà còn tái cơ cấu lại nông thôn và thành thị, vừa thúc đẩy đô thị hóa nhưng vẫn giữ được những nét đặc sắc riêng có của vùng Cố đô -mô hình sinh thái, đô thị di sản mà không một địa phương nào trong toàn quốc cũng có được. Đây còn là cơ hội để thực hiện quy hoạch Ninh Bình đã được các thế hệ lãnh đạo tiền bối xây dựng từ nhiều nhiệm kỳ trước với tầm nhìn chiến lược, hướng đến năm 2030, cơ bản đạt tiêu chí đô thị trực thuộc trung ương.
Nhấn mạnh việc sắp xếp ĐVHC dựa trên hai yếu tố: “tĩnh” (lãnh tổ và tổ chức bộ máy) và “động” (con người), đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý: Việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính đối với thành phố Ninh Bình, huyện Hoa Lư gắn với sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc để trở thành thành phố trực thuộc tỉnh phải được đặt trong định hướng là “Đô thị Cố đô – di sản”; đồng thời hoàn thiện các tiêu chí công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, thực sự là trung tâm du lịch của vùng, của quốc gia mang giá trị toàn cầu. Đây là yếu tố rất quan trọng, quyết định đến việc đến năm 2023 Ninh Bình có thể trở thành đô thị trung ương hay không.
Đối với việc điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính thành phố Tam Điệp cần gắn với sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, phát triển thành phố Tam Điệp theo định hướng trở thành đô thị công nghiệp – dịch vụ, xanh, hiện đại, gắn với thế trận an ninh cửa ngõ đồng bằng sông Hồng, kết nối và chuyển tiếp hài hòa, phù hợp với vùng Di sản Quần thể danh thắng Tràng An và tạo động lực phát triển vùng Đông Nam huyện Nho Quan. Phát triển đô thị Tam Điệp phải thực sự là bản sắc của Ninh Bình. Thực hiện thành công việc mở rộng địa giới hành chính Tam Điệp góp phần quan trọng tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng cho Ninh Bình.
Đối với việc sắp xếp các xã, phường, thị trấn không đảm bảo tiêu chuẩn quy định, thuộc diện phải sắp xếp lại cần tiến hành thận trọng, tạo ra không gian phát triển mới, mục tiêu cuối cùng là cải thiện mức sống và chất lượng của người dân theo hướng văn minh, hiện đại; xây dựng nông thôn văn minh, bảo vệ bản sắc, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đặc biệt nhấn mạnh: Việc triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy đảng, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy các cấp đóng vai trò quyết định nhất; chính quyền, người đứng đầu chính quyền các cấp đóng vai trò quyết định trực tiếp việc hoàn thành tốt hay không hoàn thành tốt việc sắp xếp ĐVHC.
Quá trình thực hiện chú trọng công tác dân vận, công tác chính trị tư tưởng, tuyên truyền, vận động, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động, tạo sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân; bảo đảm nguồn lực, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các sở, ban, ngành tập trung phối hợp, tham mưu tổ chức thực hiện, trong đó, Sở Nội vụ là đầu mối…
Cùng với sắp xếp ĐVHC cần chuẩn bị kỹ đề án nâng cấp đô thị, xây dựng đô thị văn minh, xây dựng đô thị “Đô thị Cố đô – di sản”.
Sau hội nghị, đề nghị các huyện, thành phố, các xã, thị trấn chủ động, tích cực xây dựng các phương án sắp xếp ĐVHC của mình; tiếp tục khẳng định tinh thần đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt; định ra các giải pháp bảo đảm khoa học, thận trọng, phù hợp với quy hoạch tổng thể, yêu cầu phát triển và tình hình thực tiễn, bảo đảm việc sắp xếp ĐVHC thành công, tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh.
Đinh Ngọc – Thái Học