Tham gia đoàn công tác của tỉnh Hà Tĩnh có các đồng chí: Trần Thế Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Võ Trọng Hải, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương; đại diện một số doanh nghiệp.
Tiếp và làm việc với đoàn về phía tỉnh Ninh Bình có các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương, đơn vị; đại diện một số doanh nghiệp.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo hai địa phương đã thông tin về tình hình phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị từ đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025 đến nay; mục tiêu, nhiệm vụ thời gian tới.
Theo đó, đối với tỉnh Ninh Bình: Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng trọng tâm, trọng điểm, giải quyết các việc theo chuyên đề, ban hành các nghị quyết, chỉ thị, cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập và một số vấn đề mới nảy sinh, những điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển của tỉnh. Trong tổ chức thực hiện đã nỗ lực, quyết liệt, sáng tạo nhất là đối với các việc mới và khó.
Trong mỗi giai đoạn, tỉnh Ninh Bình luôn có những điều chỉnh chiến lược quan trọng các chính sách phát triển nhằm phù hợp với điều kiện thực tế và nguồn lực sẵn có; không ngừng nỗ lực, chủ động, sáng tạo và quyết tâm phát triển đi lên. Do vậy đạt được nhiều kết quả nổi bật, toàn diện trên các lĩnh vực: Từ một tỉnh kinh tế thuần nông, quy mô nhỏ, tốc độ tăng trưởng chậm và không vững chắc, đến nay, kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng tương đối cao.
6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,56%, đứng thứ 12 toàn quốc và đứng thứ 6 vùng đồng bằng sông Hồng. Năm 2022 là năm đầu tiên tỉnh Ninh Bình thực hiện tự chủ về ngân sách, có số thu ngân sách đứng thứ 15 trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước. Sản xuất công nghiệp có bước phát triển mạnh với nhiều sản phẩm chủ lực, trong đó Ninh Bình cùng với tỉnh Quảng Nam và thành phố Hải Phòng là ba trung tâm sản xuất ô tô lớn nhất cả nước. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông chiến lược kết nối vùng, liên vùng.
Du lịch Ninh Bình trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam, trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu thế giới; nhóm 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước. Văn hóa – xã hội được quan tâm, phát triển toàn diện. Quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,36% (năm 2022). Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được coi trọng, niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền ngày càng được củng cố…
Đối với tỉnh Hà Tĩnh: Từ đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025 đến nay, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức nhưng bám sát chủ trương, nghị quyết của Trung ương và thực tiễn của tỉnh, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã đoàn kết, thống nhất, tập trung thực hiện các nhiệm vụ chính trị đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 – 2023 đạt khoảng 5%. Tổng sản phẩm trên địa bàn toàn tỉnh (GRDP) năm 2022 đạt gần 93.000 tỷ đồng, xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; thu ngân sách năm 2022 đạt hơn 18.000 tỷ đồng, vượt 2,5% dự toán Trung ương giao. Công nghiệp phát triển với các sản phẩm chủ lực như điện, thép, đóng góp đáng kể cho ngành công nghiệp trong nước. Nông nghiệp đạt kết quả khá toàn diện. Toàn tỉnh có 217 sản phẩm OCOP, 98% xã đạt chuẩn NTM, 9/13 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh cũng đã kêu gọi nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu, đầu tư tại Hà Tĩnh. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 85 dự án, trong đó có 83 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 16.500 tỷ đồng và 2 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 277 triệu USD. Văn hóa – xã hội đạt nhiều kết quả tích cực; các hoạt động an sinh xã hội được đảm bảo. Thu nhập bình quân đầu người đạt 45,08 triệu đồng/năm, tăng 5,6 triệu đồng/năm so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,79% theo chuẩn đa chiều mới. Quốc phòng – an ninh đảm bảo; các hoạt động đối ngoại được tăng cường…
Với phương châm cầu thị, đồng hành cùng phát triển, tại hội nghị, các đại biểu tập trung chia sẻ những cách làm hay, mô hình riêng có của hai địa phương nhất là về phát triển kinh tế-xã hội. Trọng tâm là những kinh nghiệm của Ninh Bình trong khai thác tiềm năng phát triển du lịch; vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước trong thúc đẩy phát triển du lịch.
Việc ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Ninh Bình. Vấn đề thu hút đầu tư, đổi mới mô hình tăng trưởng; việc khai thác tài nguyên thiên nhiên gắn với công tác bảo vệ môi trường. Các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp của Ninh Bình; công tác quy hoạch. Những kinh nghiệm phát triển đảng viên là người có đạo; thành lập các tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn nhiệt liệt chào mừng, hoan nghênh đoàn công tác của Hà Tĩnh đến thăm, làm việc tại Ninh Bình. Đồng chí nhấn mạnh: Ninh Bình là cực nam của đồng bằng sông Hồng, là tỉnh có quy mô nhỏ nhưng lại hội tụ đầy đủ tiềm năng, lợi thế: là trung tâm du lịch của quốc gia, của vùng; là nơi kết nối giữa thủ đô Hà Nội với miền Trung, với Tây Bắc… Trong khi đó, Hà Tĩnh có nhiều tiềm năng, lợi thế và có nhiều mô hình mới, cách làm hay trong phát triển kinh tế. Việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sẽ mở ra cơ hội hợp tác giữa hai bên, tăng cường hợp tác, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Đây cũng là hướng đi cần thiết trong bối cảnh hội nhập ngày càng phát triển sâu rộng.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng trân trọng cảm ơn những tình cảm chân thành, nồng ấm mà tỉnh Ninh Bình đã dành cho Đoàn. Bày tỏ ấn tượng, chúc mừng về những kết quả trên các lĩnh vực, nhất là về kinh tế – xã hội mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Bình đạt được thời gian qua, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho rằng Ninh Bình đã và đang khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh để tạo được những bứt phá, xây dựng Ninh Bình trở thành vùng quê đáng sống.
Thông tin thêm về tình hình phát triển kinh tế- xã hội, các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Hà Tĩnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng cho rằng Hà Tĩnh và Ninh Bình có nhiều điểm tương đồng, là điểm thuận lợi để tăng cường hợp tác giữa hai tỉnh. Trong thời gian tới, đồng chí mong muốn tỉnh Ninh Bình tiếp tục chia sẻ với tỉnh Hà Tĩnh những kinh nghiệm quý trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, thiên nhiên để phát triển du lịch, đẩy mạnh kết nối tour, tuyến du lịch Ninh Bình – Hà Tĩnh.
Mong muốn các doanh nghiệp của tỉnh Ninh Bình sẽ tăng cường tìm hiểu, hỗ trợ Hà Tĩnh trong việc khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế của vùng đất giàu giá trị lịch sử, văn hóa, thiên nhiên, phục vụ phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch văn hóa, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Nhân dịp này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh trân trọng mời đoàn công tác của tỉnh Ninh Bình vào Hà Tĩnh để thúc đẩy, tăng cường hơn nữa mối quan hệ giao lưu, hợp tác giữa hai tỉnh trên các lĩnh vực, góp phần xây dựng Ninh Bình – Hà Tĩnh ngày càng phát triển nhanh, bền vững.
Mai Lan – Đức Lam – Hoàng Hiệp