Các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo hội nghị.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và địa phương liên quan; các nhà thầu và đại diện nhân dân trong khu vực giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án.
Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự tích cực, chủ động của các ngành, các địa phương và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, công tác triển khai thi công xây dựng và bồi thường, hỗ trợ GPMB các dự án đã đạt được kết quả quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đưa các dự án vào khai thác sử dụng đúng tiến độ yêu cầu, phục vụ việc đi lại của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và cả nước.
Đối với dự án thành phần đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn qua tỉnh Ninh Bình (gồm các đoạn Cao Bồ – Mai Sơn và Mai Sơn – Quốc lộ 45) là dự án trọng điểm của quốc gia, có ý nghĩa rất lớn, góp phần quan trọng để tạo thành tuyến cao tốc liên hoàn từ Hà Nội đi các tỉnh miền Trung và phía Nam, đáp ứng nhu cầu vận tải, lưu thông hàng hóa, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1A, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, tạo động lực, sức lan tỏa để tiếp tục thi công hoàn thành các dự án thành phần đầu tư xây dựng cao tốc Bắc – Nam còn lại.
Đối với tỉnh Ninh Bình, Dự án có ý nghĩa rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, góp phần giảm tải, giải quyết lưu lượng giao thông rất lớn từ đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình không đi qua các đô thị quan trọng là thành phố Ninh Bình, thành phố Tam Điệp; đồng thời, kết nối liên thông đồng bộ và nâng cao hiệu quả khai thác các tuyến đường giao thông quan trọng của Quốc gia chạy qua tỉnh và các tuyến đường của tỉnh.
Tỉnh Ninh Bình là địa phương duy nhất được giao làm Chủ đầu tư trong 11 dự án thành phần đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông; với dự án thành phần đoạn Cao Bồ – Mai Sơn có tổng chiều dài đoạn qua địa bàn tỉnh là 24,5km, có yêu cầu cao về kỹ, mỹ thuật, công tác GPMB có khối lượng rất lớn. Riêng đối với địa bàn tỉnh Ninh Bình, diện tích đất phải thu hồi để thực hiện dự án là 100 ha, ảnh hưởng đến trên 2.700 hộ dân, phải di chuyển hàng trăm ngôi mộ; xây dựng 9 khu tái định cư và di chuyển, hoàn trả hàng chục công trình hạ tầng kỹ thuật; tổng kinh phí GPMB trên 800 tỷ đồng. UBND tỉnh đã tập trung triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Chỉ trong 24 tháng sau khi khởi công, dự án thành phần đoạn Cao Bồ – Mai Sơn đã hoàn thành và khánh thành vào đầu xuân mới năm 2023, là dự án thành phần đầu tiên được hoàn thành.
Phát huy kinh nghiệm, kết quả đạt được của việc thực hiện dự án thành phần đoạn Cao Bồ – Mai Sơn, tỉnh Ninh Bình đã tập trung chỉ đạo GPMB đoạn tiếp theo là Mai Sơn – Quốc lộ 45 đi qua địa bàn 3 huyện, thành phố của tỉnh và đã bàn giao mặt bằng toàn tuyến xong trước tháng 6/2021. Ninh Bình cũng là địa phương hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng sớm nhất.
Đối với Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Đông – Tây (giai đoạn I) có chiều dài 22,95km; dự án đi qua thành phố Tam Điệp và huyện Nho Quan; tổng mức đầu tư trên 1.900 tỷ đồng. Đây là dự án giao thông có quy mô lớn nhất từ trước đến nay được đầu tư trên địa bàn tỉnh do địa phương phê duyệt có yêu cầu kỹ thuật cao, khối lượng GPMB lớn nhất. Chỉ sau 10 tháng từ kể từ khi có chủ trương, dự án đã hoàn thành các thủ tục đầu tư và tổ chức khởi công vào đúng dịp chào mừng kỷ niệm 200 năm danh xưng Ninh Bình (1822-2022) và 30 năm tái lập tỉnh (1/4/1992-1/4/2022) tỉnh Ninh Bình; rút ngắn 50% thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với dự án tương đương.
Dự án được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định là dự án trọng tâm, phải hoàn thành sớm nhất để tạo động lực, bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trước mắt và có tầm chiến lược, dài hạn. Khi hoàn thành tuyến đường sẽ mở ra không gian, dư địa và tạo động lực mới thúc đẩy phát triển khu vực phía Nam của tỉnh, góp phần giảm tải sự phát triển nóng trong vùng di sản, nhất là bảo vệ môi trường sinh thái cho Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An. Dần hiện thực hóa tuyến đường kết nối cực phía Tây đến cực phía Đông của tỉnh Ninh Bình, từ vùng rừng núi huyện Nho Quan đến huyện ven biển Kim Sơn, mở ra hướng kết nối liên vùng giữa vùng Tây Bắc với vùng Đồng bằng sông Hồng. Đồng thời, kết nối đồng bộ với các trục giao thông quan trọng của quốc gia, như đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1A, đường bộ ven biển, tạo trục giao thông chiến lược, liên thông đồng bộ với hệ thống giao thông của tỉnh Ninh Bình.
Hiện nay, thành phố Tam Điệp đã bàn giao được 6,6/6,6km, đạt 100%; huyện Nho Quan đã bàn giao 13,7/16,3km (đạt 84,4%), còn lại 2,54km qua khu vực dân cư; khối lượng thi công đạt khoảng 35% giá trị; tỉnh đã bố trí được 1.369/1.913,754 tỷ đồng, đạt gần 71,53%.
Tại hội nghị, đại diện các chủ đầu tư, nhà thầu thi công, các địa phương và nhân dân đã phát biểu tham luận về kinh nghiệm triển khai dự án của chủ đầu tư, kinh nghiệm công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện GPMB của các địa phương và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân trong công tác GPMB, ổn định cuộc sống của nhân dân khi Nhà nước triển khai các dự án trọng điểm của quốc gia, của tỉnh.
Nhân dịp này, UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đầu tư xây dựng, triển khai thực hiện tuyến đường cao tốc Bắc- Nam phía Đông đoạn qua tỉnh Ninh Bình.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Việc tổ chức tổng kết thực hiện công tác đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn qua tỉnh Ninh Bình và sơ kết bước đầu việc triển khai xây dựng tuyến đường Đông – Tây (giai đoạn I) là sự kiện quan trọng, UBND tỉnh tổ chức ngay đầu năm mới nhằm đánh giá kết quả đã thực hiện, rút ra những bài học kinh nghiệm, cách làm hay, động viên, khuyến khích gương người tốt, việc tốt, tạo sức lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân tiếp tục đồng thuận, hưởng ứng tích cực trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nói chung và trong việc triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh nói riêng; đồng thời, tạo sự quyết tâm nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị – xã hội thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 đã đề ra.
Đây cũng là lần đầu tiên UBND tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy về việc tổng kết, rút kinh nghiệm công tác triển khai thực hiện các công trình lớn có sức ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó có mục tiêu “Từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, xây dựng hệ thống đô thị hiện đại”.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của Dự án thành phần đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn qua tỉnh Ninh Bình, đồng chí Chủ tịch nêu rõ: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ghi nhận Ninh Bình là một trong những địa phương tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, tập trung đúng các quy định, tạo được sự đồng thuận của nhân dân. Công trình được hoàn thành trước tiến độ so với cả nước, đảm bảo cả 3 yếu tố kỹ, mỹ thuật và chất lượng. Điều này khẳng định Ninh Bình đủ năng lực để tổ chức triển khai thực hiện các dự án giao thông lớn. Từ kết quả này đã góp phần tổng kết từ thực tiễn để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề nghị với Quốc hội xây dựng một số chính sách đặc thù giao cho địa phương làm chủ đầu tư các dự án xây dựng các tuyến đường giao thông và cho phép các địa phương tham gia đầu tư để thực hiện các công trình quốc gia. Đồng thời khẳng định với Trung ương chúng ta đã và đang làm tốt những nhiệm vụ Trung ương giao.
Đối với tuyến đường Đông-Tây, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định đây là một tư duy, tầm nhìn vượt trước, một sự quyết tâm cao nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh về tạo ra không gian dư địa mới cho phát triển tỉnh Ninh Bình. Từ Nghị quyết, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tập trung nghiên cứu, khảo sát, phân tích, đánh giá nhiều mặt và đi đến quyết định đầu tư tuyến đường Đông-Tây. Sau 2 năm triển khai thực hiện đã chứng minh những quyết sách đúng đắn của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Tuyến đường này cũng cụ thể hóa một chủ trương lớn của Chính phủ, Quốc hội là các địa phương phải tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông kết nối với hạ tầng giao thông quốc gia để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của Trung ương.
Đánh giá tổng kết lại việc thực hiện các dự án trọng điểm của Quốc gia, của tỉnh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định ba bài học kinh nghiệm:
Thứ nhất, đó là sự chỉ đạo thống nhất của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác đầu tư kết cấu hạ tầng bao hàm cả tập trung nguồn lực, ban hành các chính sách đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Đơn cử như tỉnh đã ban hành các chính sách riêng về việc hỗ trợ đất vườn ao liền kề đất ở góp phần nhanh chóng giải phóng mặt bằng các dự án đúng quy định của pháp luật, nhận được sự đồng thuận của nhân dân, sớm đưa công trình vào khai thác, sử dụng.
Thứ hai, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo có sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, sự chia sẻ của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức chính trị – xã hội cùng vào cuộc vận động nhân dân đồng thuận, ủng hộ Nhà nước thực hiện các dự án.
Thứ ba, trong công tác GPMB cần có sự công khai, minh bạch, công bằng trong tiếp cận chính sách; bố trí tái định cư cho nhân dân tại nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ để nhân dân yên tâm ổn định cuộc sống.
Phát huy kết quả của việc thực hiện hai dự án trên, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: Thời gian tới, các đơn vị được giao Chủ đầu tư dự án mới cần phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tổ chức triển khai thực hiện các Dự án mở rộng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn Cao Bồ – Mai Sơn và dự án cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng; dự án tuyến đường Đông – Tây giai đoạn II… đảm bảo hiệu quả, theo đúng yêu cầu đề ra.
Đồng chí cũng trân trọng đề nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và HĐND tỉnh tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ để cả hệ thống chính trị chung sức, đồng lòng thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu lớn, dài hạn trong nhiều năm tới, nhất là mục tiêu xây dựng tỉnh Ninh Bình đến năm 2030 là tỉnh khá, cực tăng trưởng các tỉnh phía Nam đồng bằng sông Hồng, hình thành hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, thông minh, cơ bản đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương theo tính chất Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.
Nguyễn Thơm-Anh Tuấn