Dự hội nghị về phía tỉnh Hòa Bình có các đồng chí: Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Võ Ngọc Kiên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Hội Nhà báo 25 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; 20 liên chi hội và 100 chi hội nhà báo trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam. Các đồng chí: Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Mạnh Tuấn, Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Hòa Bình, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hòa Bình; Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam chủ tọa hội nghị.
Trải qua 17 năm tổ chức, Giải Báo chí Quốc gia đã thu hút khoảng hơn 20.000 tác phẩm trong cả nước tham dự cho thấy sức hút của giải ngày càng lớn, thu hút được sự quan tâm, tham gia của đông đảo giới báo chí và công chúng. Các tác phẩm đoạt giải cao là những tác phẩm có sự đầu tư nghiêm túc, công phu, cách thể hiện sáng tạo, sinh động, hấp dẫn, thể hiện rõ năng lực chuyển đổi số và đổi mới báo chí. Trung bình mỗi năm, Giải Báo chí Quốc gia thu hút sự tham gia của gần 2.000 tác phẩm báo chí, được sàng lọc, tuyển chọn trong hàng vạn tác phẩm báo chí đã phát hành, phát sóng. Mỗi năm có trên 100 tác phẩm báo chí xuất sắc nhất thuộc các loại hình báo chí được trao các giải A, B, C, khuyến khích. Những tác phẩm được chọn trao giải thực sự đạt chất lượng về chính trị, tư tưởng, có nội dung phong phú, phản ánh trung thực bức tranh đời sống đất nước và có hình thức thể hiện sáng tạo, đạt hiệu quả xã hội cao.
Đánh giá cao vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Hội Nhà báo Việt Nam trong đời sống KT-XH, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện cho Hội phát triển. Năm 2022, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức thành công hội nghị Tổng kết công tác hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao giai đoạn 2016 – 2020; triển khai hướng dẫn thực hiện Quyết định số 558/QĐ-TTg và Hướng dẫn số 3824/HD-BVHTTDL, ngày 15/10/2021 của Bộ VH-TT&DL; thực hiện Quyết định số 558/QĐ-TTg, ngày 08/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ đối với 3 khu vực (miền Bắc, miền Trung – Tây Nguyên, miền Nam). Hội nghị đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đánh giá những kết quả, chỉ ra những vướng mắc, hạn chế, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để quán triệt, triển khai hiệu quả chương trình hỗ trợ trong 5 năm tiếp theo.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Việc tổ chức hội nghị nhằm phân tích, đánh giá kết quả qua 17 năm tổ chức Giải Báo chí Quốc gia, cũng như những khó khăn, vướng mắc, bất cập hiện nay trong quá trình tổ chức giải để từ đó đề xuất các giải pháp nhằm đổi mới hoạt động của giải phù hợp với xu thế chuyển đổi số, nâng cao hơn nữa vị thế của giải chuyên ngành lớn nhất cả nước. Hội nghị cũng nhằm đánh giá kết quả 1 năm thực hiện Chương trình hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao giai đoạn mới để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm thực hiện hiệu quả hơn trong các năm 2023, 2024.
Đồng chí Chủ tịch Hội Nhà Báo Việt Nam đề nghị: Các đại biểu, Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố phát huy tinh thần xây dựng, tích cực tham luận và đóng góp ý kiến, làm rõ một số vấn đề đánh giá kết quả của Giải Báo chí Quốc gia qua 17 năm triển khai, những vấn đề vướng mắc và bất cập hiện nay cùng các giải pháp, kiến nghị nhằm đổi mới chất lượng giải.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, phát biểu chào mừng tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí và các hoạt động thiết thực của Hội Nhà báo Việt Nam, các cấp hội, cơ quan báo chí góp phần nâng cao hiệu quả định hướng, tuyên truyền thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH, xây dựng “Nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, giàu tính chiến đấu, nhân văn, vì lợi ích của đất nước và Nhân dân, vì đất nước hùng cường, thịnh vượng”. Xây dựng đội ngũ người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, đáp ứng về trình độ nghiệp vụ, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Giới thiệu một số nét nổi bật về vùng đất, con người và tình hình phát triển KT-XH của tỉnh Hòa Bình, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn các nhà báo, cơ quan báo chí tiếp tục đồng hành tuyên truyền phản ánh tiềm năng, lợi thế, mảnh đất con người Hòa Bình để góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn.
Sau nội dung khai mạc, các đại biểu đã nghe các báo cáo: Tổng kết 17 năm Giải Báo chí Quốc gia và những vấn đề đặt ra cùng giải pháp nâng cao chất lượng giải; Tổng kết hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở Trung ương và các tỉnh phía Bắc năm 2022; hướng dẫn, giải đáp thắc mắc về tài chính trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao giai đoạn 2021 – 2025. Tọa đàm “Đổi mới chất lượng Giải Báo chí Quốc gia trong bối cảnh chuyển đổi số và nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí, sự tham gia của báo chí Trung ương và khu vực phía Bắc đối với Giải Báo chí Quốc gia”.
Các đại biểu, Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố đã tập trung đánh giá kết quả Giải Báo chí Quốc gia qua 17 năm triển khai, những vấn đề vướng mắc, bất cập và đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng giải. Thảo luận về phạm vi đề tài được khuyến khích và sự phù hợp với môi trường tác nghiệp, tạo không gian sáng tạo thoải mái cho báo chí, phục vụ tốt công tác tuyên truyền của Đảng bộ, chính quyền địa phương; đóng góp của chương trình hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao đối với việc củng cố chuyên môn, nâng cao nghiệp vụ cho các nhà báo trong quá trình tác nghiệp, tăng cường chất lượng sản phẩm của cơ quan báo chí, phục vụ hiệu quả các kế hoạch công tác của đơn vị và nhiệm vụ chính trị của địa phương…
Các tham luận của Hội Nhà báo các địa phương cho rằng: Các tác phẩm báo chí chất lượng cao được hỗ trợ hầu hết đều đã tham dự Giải Báo chí Quốc gia, trong đó nhiều tác phẩm đoạt giải cao. Hiệu quả từ việc hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao khá rõ rệt. Nhiều lĩnh vực khó, đề tài mới đã được đầu tư khai thác, phản ánh khá toàn diện và sâu sắc, góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền của các cơ quan báo chí, đồng thời tăng chất lượng, số lượng các tác phẩm xuất sắc của tỉnh tham dự các giải báo của Trung ương.
Hội Nhà báo các địa phương mong muốn bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí cần chú ý công tác đào tạo, bồi dưỡng cho các phóng viên, biên tập viên về chuyên môn nghiệp vụ và tổ chức đi thực tế sáng tác kết hợp học tập, trao đổi kinh nghiệm. Cần sớm ban hành sớm hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí…
Sau 1 buổi sáng làm việc khẩn trương với tinh thần trách nhiệm cao, hội nghị đã hoàn thành các nội dung chương trình đề ra. Các đại biểu đã nghe các tham luận trong tổng số gần 30 tham luận gửi đến hội nghị và nhiều ý kiến thảo luận tâm huyết của các nhà báo, nhà quản lý về nâng cao hơn nữa chất lượng Giải Báo chí Quốc gia, công tác hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Qua hai phiên làm việc, với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu tham dự hội nghị đã đưa ra nhiều giải pháp và kiến nghị bổ ích. Chương trình hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao đã và đang giúp hội viên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; đồng thời nhấn mạnh vai trò của Hội Nhà báo các địa phương, các liên chi hội và chi hội nhà báo trực thuộc, nhiều tác phẩm báo chí rất xuất sắc đã đoạt Giải Báo chí Quốc gia và các giải báo chí chuyên ngành. Qua đó, tiếp tục khẳng định chương trình hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao được triển khai thành công. Hội Nhà báo Việt Nam ghi nhận các ý kiến và sẽ ban hành các quy định một cách khoa học, hiệu quả đến các cấp hội. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước đầu tư mạnh mẽ hơn cho công tác hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao trong giai đoạn tiếp theo.
Trong khuôn khổ chương trình, Ban tổ chức trưng bày chuyên đề Báo chí khu vực phía Bắc – tác phẩm chất lượng cao với chủ đề dân tộc và miền núi.
(Theo Báo Hòa Bình)