Hội nghị được kết nối trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Dự và chủ trì tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh.
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, hơn 3 năm thực hiện Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40, trước bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước có nhiều khó khăn, thách thức; NHCSXH Trung ương luôn bám sát các chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành; cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác quyết liệt chỉ đạo chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố trong việc thực hiện tín dụng CSXH; nhờ đó, hoạt động tín dụng CSXH trong giai đoạn 2014-2024 đạt được nhiều thành tựu, kết quả quan trọng.
Nguồn vốn có sự tăng trưởng vượt bậc, đến hết tháng 7/2024 đạt 373.010 tỷ đồng, tăng 238.338 tỷ đồng (gấp gần 2,8 lần) so với khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị. Từ khi có Chỉ thị 40, các địa phương trong cả nước đã chú trọng, quan tâm ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay. Đến ngày 31/7/2024, nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương các cấp đạt 47.350 tỷ đồng, chiếm 12,7%/tổng nguồn vốn.
Trong 10 năm qua, hơn 12,9 triệu lượt khách hàng đã được vay vốn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm với doanh số cho vay là 536.269 tỷ đồng (chiếm 73,1% tổng doanh số cho vay).
Ngoài ra, tín dụng chính sách còn giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu trong đời sống của các hộ nghèo, đối tượng chính sách như nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, học tập… với hơn 167 nghìn lượt khách hàng vay xây dựng nhà ở; 6,8 triệu lượt khách hàng vay xây dựng công trình nước sạchvà vệ sinh môi trường nông thôn; hơn 610 triệu lượt học sinh, sinh viên vay vốn phục vụ nhu cầu học tập.
Tín dụng chính sáchcũng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; tiếp cận triển khai một số dự án vay vốn ngước ngoài cho mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, đến nay dự nợ là 200 tỷ đồng.
Cùng với việc triển khai nhanh chóng các chính sách tín dụng đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác, NHCSXH đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp, tổ chức CT-XH nhận ủy thác, Tổ Tiết kiệm&Vay vốn kiên trì, quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng.
Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh giảm từ 0,93%/tổng dư nợ xuống còn 0,56%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm 0,22%/tổng dư nợ, qua đó góp phần bảo toàn, phát triển vốn cho Nhà nước.
Ngoài ra, NHCSXH còn xây dựng, duy trì và thường xuyên củng cố, hoàn thiện phương thức quản lý tín dụng đặc thù, cách thức hoạt động nghiệp vụ sáng tạo, đó là: Triển khai phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay thông qua 4 tổ chức chính trị-xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh); tổ chức giao dịch tại các Điểm giao dịch xã; phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị-xã hội thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn, ấp, bản, làng.
Qua đó, đưa vốn tín dụng đến các đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng, công khai, dân chủ, giảm chi phí quản lý và lực lượng lao động cho ngân hàng.
Tín dụng CSXH góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong từng giai đoạn, giai đoạn 2011 – 2015 từ 14,2% xuống 4,25%, giai đoạn 2016 – 2021 từ 9,88% xuống 2,23%, đến cuối năm 2023 còn 2,93% (theo chuẩn nghèo đa chiều); góp phần ngăn chặn, từng bước đẩy lùi “tín dụng đen”, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn, đồng thời đóng góp tích cực xây dựng các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong cả nước.
Về phía tỉnh Ninh Bình, trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40, vốn tín dụng chính sách đã giải ngân cho gần 591 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, với doanh số cho vay đạt gần 12.054 tỷ đồng. Nguồn vốn góp phần giúp gần 81 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho 78.630 lao động, 83 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn hòa nhập cộng đồng; 70.277 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ gần 1.600 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mua thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; xây dựng 348.571 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; 1.700 căn nhà cho hộ nghèo và các gia đình chính sách, đóng góp tích cực vào việc giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.
Tại hội nghị, các đại biểu đã phát biểu làm rõ hơn những kết quả, kinh nghiệm triển khai Chỉ thị 40. Đồng thời, các ý kiến đều khẳng định Chỉ thị đã làm thay đổi một cách sâu sắc về nhận thức và hành động của cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị-xã hội đối với tín dụng CSXH.
Từ đó, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động của NHCSXH thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện tín dụng CSXH; góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế đất nước.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao sự chủ động, tích cực của các bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là sự đóng góp quan trọng của Ngân hàng Nhà nước, NHCSXH trong tham mưu, tổ chức thực hiện Chỉ thị 40, Kết luận 06 của Ban Bí thư và các kế hoạch triển khai do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Nhấn mạnh, tín dụng CSXH là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện công bằng, tiến bộ xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Trong đó, cần quán triệt sâu sắc, thực hiện hiệu quả hơn các chủ trương, quan điểm của Đảng về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội theo Nghị quyết 42 -NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH theo Nghị quyết 40 của Ban Bí thư; chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030 theo Quyết định số 05/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Cần sớm hoàn thiện nghị định về tổ chức và hoạt động của NHCSXH nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của NHCSXH. Thực hiện hiệu quả công tác điều hành, nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác giữa NHCSXH và các tổ chức chính trị-xã hội; nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn tại các điểm giao dịch cấp xã.
Các bộ, ngành Trung ương tiếp tục rà soát hoàn thiện các quy định nhằm tập trung nguồn lực, cải thiện cơ cấu nguồn vốn cho NHCSXH theo hướng ổn định, bền vững. Nghiên cứu bổ sung chính sách hỗ trợ tín dụng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh kế cho người dân đối với hộ có mức sống trung bình, hộ làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tín dụng tài chính, lao động, tiền lương và các chính sách khác nhằm tạo điều kiện cho NHCSXH phát triển, đủ năng lực thực hiện ngày một hiệu quả hơn tín dụng CSXH.
NHCSXH cũng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hiện đại hóa ngân hàng, nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp xây dựng đội ngũ cán bộ có uy tín, tận tâm, tận tụy, phục vụ người dân.
Các địa phương tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn vốn ủy thác sang NHCSXH, quán triệt thực hiện hiệu quả Chỉ thị 34-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới. Giao Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu xây dựng gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng cho vay để mua, thuê, xây dựng, sửa chữa nhà ở xã hội, giao cho NHCSXH thực hiện…
Nguyễn Lựu – Hoàng Hiệp
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/tong-ket-10-nam-thuc-hien-chi-thi-40-ct-tw/d20240814181827202.htm