Từ những chỉ đạo, định hướng của Tổng Bí thư
Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành tình cảm và sự quan tâm sâu sắc đến Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình. Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Ninh Bình cũng vinh dự được nhiều lần đón đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm, làm việc. Mỗi lần về thăm, làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều để lại tình cảm, ấn tượng sâu sắc về người lãnh đạo giản dị, sâu sắc, gần gũi với cán bộ, đảng viên, Nhân dân Cố đô Hoa Lư-Ninh Bình. Theo đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình: Với tư duy đổi mới, trí tuệ và tầm nhìn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những chỉ đạo, định hướng quan trọng để tỉnh Ninh Bình khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh riêng có, bứt phá vươn lên. Đó cũng là “kim chỉ nam” để nhiều nhiệm kỳ qua, Ninh Bình nỗ lực triển khai và hành động.
Năm 2010, trên cương vị là Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã về dâng hương tại Đền thờ Vua Đinh và Vua Lê; thăm, chúc Tết Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình; thăm và chúc Tết Tòa Giám mục Phát Diệm. Năm 2014, trên cương vị là Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã về thăm, làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình; thăm, làm việc tại xã Gia Sinh (Gia Viễn)… Vui mừng trước những đổi thay của tỉnh Ninh Bình, đồng chí Nguyễn Phú Trọng lưu ý, trong quá trình phát triển, kinh tế tăng trưởng, nhưng xã hội phải ổn định, bảo đảm được sự phát triển bền vững. Muốn vậy, Đảng phải mạnh, tổ chức đảng phải thực sự trong sạch, vững mạnh; cán bộ, đảng viên phải thực sự tiên phong, gương mẫu.
Tổng Bí thư mong muốn Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Ninh Bình phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống của vùng đất địa linh nhân kiệt, phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng đất Cố đô Hoa Lư, triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết của Trung ương và địa phương để bứt phá hơn nữa. Trong phát triển kinh tế, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Ninh Bình phải phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm. Nông nghiệp và công nghiệp phải sử dụng công nghệ sạch, công nghệ cao thân thiện với môi trường, đồng thời coi trọng phát triển nông nghiệp một cách toàn diện và vững chắc.
Ghi nhận, biểu dương những kết quả Ninh Bình đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, Tổng Bí thư cũng lưu ý phải đặc biệt coi trọng xây dựng và phát triển văn hóa, con người Cố đô Hoa Lư nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa phong phú, đa dạng và hết sức có giá trị của đất nước mà Ninh Bình đang vinh dự lãnh trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ. Tổng Bí thư căn dặn, phải phát huy sức mạnh đại đoàn kết, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong Nhân dân, chăm lo cuộc sống đồng bào tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số với phương châm “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”.
Những đánh giá, ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, cố gắng và thành quả mà tỉnh Ninh Bình đã đạt được, cùng những định hướng trí tuệ, tầm nhìn của đồng chí Tổng Bí thư đã trở thành nguồn sức mạnh lớn lao cổ vũ Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Ninh Bình vượt qua khó khăn, thách thức, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh, bền vững.
Đến những thành quả hiện hữu
Với tinh thần đoàn kết, thống nhất, quyết tâm đổi mới, dám nghĩ, dám làm, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, qua nhiều nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã từng bước cụ thể hóa thành các chương trình, hành động cụ thể, quyết tâm thực hiện nhiều quyết sách đúng đắn như: Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ, lấy công nghiệp làm chủ đạo; phát triển các ngành dịch vụ, trọng tâm là phát triển du lịch; chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang phát triển kinh tế nông nghiệp.
Đến nay, tỉnh đã định hình rõ quan điểm phát triển kinh tế theo hướng nhanh, mạnh và bền vững, tập trung vào 3 trụ cột động lực để tăng trưởng kinh tế: Công nghiệp phụ trợ công nghệ cao, công nghệ sạch; nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, tiên tiến; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Quy mô nền kinh tế không ngừng được mở rộng. Cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch tích cực, tăng nhanh tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Sản xuất công nghiệp có bước phát triển mạnh mẽ. Sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị trên diện tích canh tác. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao đời sống của người dân, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua các năm. Quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Đặc biệt, thực hiện lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Phải phát huy sức mạnh đại đoàn kết, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong Nhân dân, chăm lo cuộc sống đồng bào tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số, Ninh Bình luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, sáng tạo, quyết tâm đổi mới, dám nghĩ, dám làm với phương châm “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”. Với gần 3% đồng bào dân tộc thiểu số và 23,65% đồng bào theo tôn giáo (Công giáo và Phật giáo) sinh sống trên địa bàn, tỉnh Ninh Bình đã coi trọng và thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo. Đặc biệt, đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, điển hình nhằm tăng cường đoàn kết tôn giáo như: Vận động đồng bào các dân tộc, đồng bào có đạo tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; “vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo chung tay xây dựng những ngôi nhà ấm tình đoàn kết lương-giáo” là mô hình tiêu biểu trong toàn quốc, thể hiện sinh động tình đoàn kết lương-giáo.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm chỉ đạo toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và đạt kết quả tốt; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng được nâng cao, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; hệ thống chính trị và khối đoàn kết toàn dân được củng cố vững mạnh. Công tác đối ngoại được quan tâm; công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo có chuyển biến tích cực. Đời sống Nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 5,33 triệu đồng/tháng, đứng thứ 11/63 tỉnh, thành phố của cả nước và thứ 6 khu vực đồng bằng Sông Hồng.
Những ngày này, cùng với người dân trên cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, Nhân dân Ninh Bình hướng về Thủ đô Hà Nội để tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với lòng tôn kính và tri ân những cống hiến to lớn của Tổng Bí thư với đất nước, với dân tộc, với Nhân dân. Những tình cảm, những gợi mở, định hướng mang tầm vĩ mô, chiến lược của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mãi là lời “hiệu triệu” để Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững, góp sức cùng với cả nước hiện thực hóa khát vọng xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Mai Lan
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-song-mai-trong-long-nhan-dan/d2024072608124323.htm