Các đồng chí: Nguyễn Cao Sơn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; GS. TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Lê Văn Chiến, Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công đồng chủ trì tọa đàm. Cùng dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan, các huyện, thành phố, một số doanh nghiệp.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Ninh Bình xác định việc “tăng cường hiệu lực, tạo sự chuyển biến rõ nét trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu” là một trong những nội dung trọng tâm về phát triển kinh tế giai đoạn 2020-2025, trong đó tập trung vào nhiệm vụ: Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường, sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuẩn hóa hệ thống thông tin về tài nguyên và môi trường, nhất là lĩnh vực đất đai. Nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Cao Sơn khẳng định: Buổi tọa đàm có ý nghĩa rất quan trọng, mang lại nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là khi Quy hoạch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với quan điểm, mục tiêu là: “Xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, cực tăng trưởng các tỉnh phía Nam đồng bằng sông Hồng, hình mẫu kết hợp hài hòa giữa phục dựng, bảo tồn di sản và tăng trưởng xanh, hướng vào chất lượng phát triển, giữ vững địa bàn vững chắc về quốc phòng và an ninh”.
Đặc biệt, buổi tọa đàm có sự tham dự của các đồng chí trong Đoàn công tác Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, với những kinh nghiệm lãnh đạo thực tiễn tham gia góp ý với tỉnh về công tác bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Đây sẽ là cơ hội giúp Ninh Bình phát huy tốt các mặt đã đạt được, đồng thời khắc phục, điều chỉnh các nội dung còn tồn tại, hạn chế; góp phần đưa Ninh Bình phát triển toàn diện, bền vững, phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Phát biểu đề dẫn tại tọa đàm, GS. TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ: Ngày nay, môi trường và biến đổi khí hậu là vấn đề mang tính toàn cầu, là mối quan tâm chung của tất cả các quốc gia trên thế giới. Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu hướng tới phát triển bền vững đã trở thành mục tiêu của tất cả các quốc gia trên thế giới và luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong các chương trình nghị sự; chiến lược, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái.
Với vai trò, vị trí quan trọng của tỉnh Ninh Bình trong khu vực Đồng bằng sông Hồng nói riêng và Việt Nam nói chung, những năm qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, tạo được sự chuyển biến tích cực, phát huy được hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường; làm thay đổi nhận thức của cấp ủy Đảng và nhân dân về trách nhiệm bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ môi trường cũng còn một số tồn tại, hạn chế và nhiều thách thức.
Để đạt được mục tiêu ở cả ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường, hướng tới thực hiện thành công phát triển kinh tế nhanh và bền vững, với mô hình phát triển “xanh” theo quy hoạch mới nhất Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, tại hội thảo, GS. TS Lê Văn Lợi đề nghị các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá kết quả của công tác tổ chức triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về lĩnh vực bảo vệ môi trường, đánh giá vai trò và sự tham gia của các bên liên quan, phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến sự tham gia của chính quyền cấp cơ sở và người dân, doanh nghiệp trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách bảo vệ môi trường… Trên cơ sở đó đề xuất hệ thống các kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của chính quyền cấp cơ sở và người dân, doanh nghiệp trong hoạch định và thực thi chính sách bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý kiến tập trung vào các nội dung chính như: Du lịch xanh gắn với bảo vệ môi trường; định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế ít các-bon thấp trong lĩnh vực nông nghiệp; thu hút đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; định hướng phát triển các mô hình khu công nghiệp sinh thái – chính sách về khuyến khích đầu tư áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, những thuận lợi và khó khăn trong triển khai trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; vai trò của các đoàn thể, doanh nghiệp trong hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; các giải pháp bảo vệ môi trường và nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu khi thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố Ninh Bình là đô thị “Văn hóa, sinh thái, thân thiện với môi trường”…
Sau một buổi làm việc khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm, tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp quan trọng của các nhà khoa học, các đại biểu về thực trạng công tác bảo vệ môi trường, đưa ra các giải pháp giúp tỉnh Ninh Bình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về bảo vệ môi trường và nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh. Những ý kiến, đề xuất tại buổi tọa đàm sẽ là các bài học kinh nghiệm, các luận cứ khoa học quan trọng để các cấp, các ngành trong tỉnh có những định hướng dài hạn, từng bước thực hiện thành công mục tiêu đã được đề ra tại Quy hoạch tỉnh Ninh Bình đó là “Xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, cực tăng trưởng các tỉnh phía Nam đồng bằng sông Hồng, hình mẫu kết hợp hài hòa giữa phục dựng, bảo tồn di sản và tăng trưởng xanh, hướng vào chất lượng phát triển, giữ vững địa bàn vững chắc về quốc phòng và an ninh”.
Nguyễn Thơm-Anh Tuấn
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/toa-dam-ve-thuc-hien-nghi-quyet-dai-hoi-xiii-cua-dang-ve-bao/d2024071017506344.htm