Tháng 6 năm 2024, Nhà xuất bản thế giới xuất bản cuốn sách “Tinh hoa kiến trúc đá Ninh Bình” dày 236 trang với khổ sách lớn 19×26,5 cm, bìa cứng, in màu trên giấy cútsê của 2 tác giả: Lã Đăng Bật và Lương Văn Quang là người quê hương Ninh Bình.
Cuốn sách bao gồm 3 phần nội dung chính và một phần (phần 4) là “phụ lục”, ngoài ra chứa đựng nhiều hình ảnh minh họa cho từng bài viết.
Trong “Lời đầu sách”, tác giả Lã Đăng Bật đã viết: “Tập sách này, chúng tôi chỉ đề cập đến kiến trúc nhà đá. Nhà đá ở đây, không chỉ là nhà ở, mà còn là các ngôi đình, ngôi đền, ngôi chùa, nhà thờ bằng đá. Không tỉnh nào ở nước ta có các kiến trúc nhà đá như thế …
Viết về các nhà đá không chỉ giúp cho độc giả hiểu về kiến trúc đá, nghệ thuật chạm khắc đá, mà còn hiểu thêm về lịch sử dân tộc, văn học dân tộc, tín ngưỡng dân tộc, văn hóa dân tộc và trí tuệ con người Việt Nam xưa và nay”.
Cuốn sách là một khảo cứu công phu, tỉ mỉ về 18 công trình kiến trúc đá ở Ninh Bình với số lượng đo đạc cụ thể, miêu tả chân thực và nêu cả cách thức khai thác, chế tác đá thủ công cách ngày nay trên 400 năm rất tinh xảo và độc đáo khiến ngày nay chúng ta phải cảm phục.
Viết về đền đá Duy Sơn, hai tác giả viết: “Hai rồng được chạm khắc mập, khỏe, đủ các bộ phận, có bờm, râu mọc ra từ đá, bằng đá nhỏ nhọn trong rất diệu kỳ. Kỹ thuật chạm khắc thông phong, chạm bong công phu, tỉa tót, tỉ mỉ, tinh vi, đường nét rất tao nhã, uyển chuyển và sống động như chạm khắc gỗ. Đây là sự kết tụ tài nghệ và công đức của người xưa – một sự hóa thân của thiên nhiên trong môi trường sinh hoạt văn hóa của con người”.
Điểm nhấn của cuốn sách là hai bài viết về Nhà thờ đá Phát Diệm và Tòa nhà đá độc đáo và lớn nhất Việt Nam, là hai công trình nghệ thuật tuyệt tác bằng đá làm nổi bật trí tuệ, sự tài hoa, nét tinh tế của con người Việt Nam. Dưới bàn tay tài hoa của họ, đá trở nên sống động lạ thường. Họ đã thổi hồn vào đá. Riêng Tòa nhà đá độc đáo và lớn nhất Việt Nam cao 27 m, có 4 tầng, tầng 2 và tầng 3 có 9 vòm là lịch sử Việt Nam từ thời đại Lạc Long Quân đến thời đại Hồ Chí Minh. Tòa nhà đá không chỉ là kiến trúc đá độc đáo, mà còn là “một cuốn sách” thị giác lịch sử, có thể ví như cuốn “Từ điển lịch sử Việt Nam”.
Trong cuốn sách, hai tác giả còn viết kỹ rất nhiều câu đối Hán Nôm được khắc trên các cột đá với đường nét tinh xảo, ẩn chứa nhiều ý nghĩa cũng là một bộ sưu tầm nghệ thuật chữ Hán Nôm quý giá của dân tộc.
Có thể nói, cuốn sách như bài thuyết minh, một câu chuyện về di sản Văn hóa, trong đó có 7 kiến trúc đá được Nhà nước công nhận là “Di tích cấp Quốc gia”.
18 kiến trúc đá trong sách, được miêu tả kỹ càng thể hiện được quá trình lao động miệt mài sáng tạo của hai tác giả, cũng như những nghệ nhân thời xưa. “Họ không chỉ là nghệ nhân điêu khắc đá mà còn là một họa sĩ, thi sĩ đã thổi hồn vào đá, làm cho đá khô ráp, rắn chắc trở thành những tác phẩm nghệ thuật đá độc đáo “Độc nhất vô nhị” (Lời đầu sách).
Cuốn sách là sự tôn vinh, khẳng định giá trị trí tuệ, tài năng của con người nói chung, nói riêng là các nghệ nhân chế tác, chạm khắc đá ở Ninh Bình. Đọc hết cuốn sách, sẽ thấy ở Ninh Bình, có lẽ chỉ có ở Ninh Bình mới có các kiến trúc đá độc đáo như vậy, từ nhỏ đến lớn, từ cổ đến kim, từ truyền thống đến hiện đại, từ thô sơ đến tinh xảo, chạm khắc tỉa tót, uyển chuyển rất tao nhã về “Tứ linh”, “Tứ quý” như ở đền đá Nội Lâm và Tòa nhà đá độc đáo lớn nhất Việt Nam. Ở các kiến trúc đá khi dựng ghép các tấm đá với nhau, không hề có chất kết dính mà dùng mộng, ngòam nào vào đố đấy nhưng rất vững chãi, bền chặt, khăng khít.
Phải nói là hai tác giả có lối viết dễ hiểu và hành văn giản dị, lưu loát vừa thuyết phục được độc giả, vừa khẳng định được khả năng quan sát có tầm khái quát về vấn đề nghiên cứu đã đáp ứng được xu hướng bảo tồn và phát huy được những giá trị của văn hóa phi vật thể và văn hóa vật thể của dân tộc.
Ngoài ra, cuốn sách còn tham gia vào công tác giáo dục, nhất là thế hệ trẻ hiểu về lịch sử Việt Nam, văn hóa Việt Nam, kiến trúc Việt Nam, đồng thời góp phần quảng bá cho ngành Du lịch Ninh Bình.
Ngày nay, khi xã hội phát triển, có nhiều máy móc hiện đại giúp xây dựng các kiến trúc nhà cao tầng, cao lên mãi, rất có thể con người sẽ quên đi kiến trúc truyền thống đều làm bằng tay với những dụng cụ thô sơ chế tác, chạm khắc đá như búa, vồ gỗ và các loại đục, trét to, nhỏ. Chính vì vậy, cuốn sách đã lưu giữ những giá trị của con người xưa và nay về đá, giúp cho chúng ta có cách nhìn đúng đắn về lịch sử nghề đá của cha ông, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Cuốn sách không chỉ nói về đá, điều quan trọng là khẳng định tài năng, bàn tay vàng của con người xưa và nay.
Tôi tin chắc rằng, bạn đọc sẽ gặt hái được nhiều giá trị ở cuốn sách này và cuốn sách sẽ được phát hành rộng rãi trong nước và in bằng tiếng Anh để người nước ngoài hiểu thêm về kiến trúc đá Việt Nam, văn hóa Việt Nam.
Thái Tuấn
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/-tinh-hoa-kien-truc-da-ninh-binh-cuon-sach-co-nhieu-gia-tri/d2024073011347360.htm