Vị Thánh trong tâm thức người dân
Ông Nguyễn Văn Thịnh, người dân thôn Vân La, xã Gia Thắng có mặt từ sớm tại đền Đức Thánh Nguyễn để đón tiếp chúng tôi. Khi được biết mục đích của buổi gặp gỡ, ông Thịnh vui vẻ và hết sức phấn khởi khi được chia sẻ về vị Thiền sư mà cuộc đời đã trở thành huyền thoại, được nhân dân tôn thờ như một vị Thánh: Đức Thánh Nguyễn-Thiền sư Nguyễn Minh Không.
Sinh ra, lớn lên và trưởng thành tại làng quê Gia Thắng, với ông Nguyễn Văn Thịnh, những ký ức tuổi thơ gắn liền với truyền thuyết, câu chuyện về vị thiền sư, pháp sư, dược sư, quốc sư lỗi lạc bởi trong gia đình ông, từ thời các cụ đã gắn bó với ngôi đền linh thiêng.
Trong câu chuyện của mình khi kể về vị Thiền sư, ông Thịnh đều có những câu thơ để minh họa cho lời kể. Ông thuộc nhiều bài thơ, câu chuyện, nhớ rõ từng hiện vật quý hiện còn lưu giữ trong đền như: tam quan, gác chuông, di ảnh của Đức Thánh Nguyễn… Ông bảo, đối với ông và nhiều người dân địa phương, những hiện vật được lưu giữ đến ngày nay được xem như bảo vật quý luôn được nâng niu, gìn giữ, trân trọng để ghi nhớ công ơn của vị Thánh trong lòng người dân.
Từ hàng chục năm trước, đã có các nhà khoa học khi về địa phương, tìm đến gặp ông Thịnh để có thêm thông tin, tư liệu cho các tác phẩm nghiên cứu. Không coi mình là một người có nhiều hiểu biết về Thiền sư Nguyễn Minh Không, ông Thịnh chia sẻ, ông chỉ là một trong những người dân sinh sống ở quê hương của Đức Thánh Nguyễn, với niềm tự hào và trân trọng công trạng vẻ vang của Thiền sư, ông luôn có ý thức giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, ý nghĩa về Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia và mong muốn được giới thiệu với người dân, du khách về người có công lao to lớn trong lịch sử dân tộc, được dân gian truyền tụng, xếp ông là một vị thánh trong tứ bất tử.
Cùng với người dân địa phương tham gia trồng và chăm sóc vườn cây thuốc Nam ở đền Đức Thánh Nguyễn, ông Vũ Văn Chú, Chủ tịch Hội Đông y huyện Gia Viễn cho biết: Trong truyền thuyết dân gian, Nguyễn Minh Không là một nhân vật huyền thoại, xuất hiện với nhiều tình tiết kỳ bí… Nhưng việc sử sách ghi nhận ông là một danh y nổi tiếng chữa bệnh bằng thuốc Nam luôn được lưu truyền cho đến ngày nay.
Theo sử sách ghi lại, Thiền sư Nguyễn Minh Không đã tự tay trồng cả một rừng thuốc Nam với muôn vàn cây thuốc quý. Ông vừa tu hành vừa bốc thuốc cứu người, vừa là Thiền sư, vừa là Danh y. Ông còn dạy dân cách trồng cấy vùng bán sơn địa, dạy dân đánh cá, nhất là truyền nghề trồng nhiều cây thuốc quý và cách sao thuốc, bốc thuốc, khám bệnh…
Những năm qua, Hội Đông y huyện Gia Viễn đã phối hợp với Trạm y tế các xã, thị trấn trong huyện triển khai xây dựng và duy trì hiệu quả vườn cây thuốc nam với 9 nhóm cây thuốc thiết yếu, trong đó đã đưa được một số cây dược liệu quý, cây dược liệu bản địa vào trồng. Vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, tích cực trồng các cây thuốc nam quen thuộc để chữa các bệnh cảm mạo thông thường… Để tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của Thiền sư Nguyễn Minh Không, từ đầu năm 2024, huyện Gia Viễn đã triển khai cải tạo khu vực đền Đức Thánh Nguyễn và xây dựng “Vườn thảo dược Nguyễn Minh Không” nhằm bảo tồn, phát triển thảo dược bản địa gắn với du lịch trải nghiệm trên địa bàn huyện.
Tại quê hương Thiền sư Nguyễn Minh Không (xưa là làng Đàm Xá, huyện Đại Hoàng, nay thuộc xã Gia Tiến và Gia Thắng, huyện Gia Viễn), trải qua bao thăng trầm lịch sử nhưng tình cảm và sự tri ân sâu sắc của người dân địa phương đối với công lao của vị Thiền sư vẫn luôn được các thế hệ trân trọng, khắc ghi. Ngôi đền Đức Thánh Nguyễn được xây dựng trên nền ngôi chùa cổ có tên là Viên Quang Tự do Nguyễn Minh Không lập vào năm 1121 để tu tập và hành đạo cứu người. Khi Nguyễn Minh Không mất, nhân dân Đàm Xá biến ngôi chùa đó thành đền thờ Ngài. Trải qua hơn 900 năm, ngôi đền luôn được quan tâm tu bổ, tôn tạo, bảo vệ. Đặc biệt, lễ hội đền Đức Thánh Nguyễn diễn ra từ ngày 8-10/3 âm lịch hàng năm là dịp để nhân dân địa phương tri ân Đức Thánh Nguyễn.
Tại Ninh Bình và nhiều địa phương trong cả nước đã có các di tích thờ cúng Thiền sư Nguyễn Minh Không như một minh chứng về nhân vật văn hóa – lịch sử quê hương Ninh Bình có ảnh hưởng quan trọng trong lịch sử, văn hóa của dân tộc. Điều này cũng thể hiện niềm tự hào với truyền thống của quê hương, nhắc nhớ và giáo dục các thế hệ người dân Ninh Bình về một miền quê văn hiến.
Hướng tới Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia
Từ ngày 8-10/3 âm lịch, huyện Gia Viễn tổ chức Lễ hội đền Đức Thánh Nguyễn năm 2024 với vị thế là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Ngay từ đường vào đền thờ, công tác chỉnh trang đường làng, ngõ xóm đã khang trang, sạch đẹp, cờ hội tung bay… Người dân xã Gia Tiến, Gia Thắng nô nức chuẩn bị cho lễ hội truyền thống.
Ông Nguyễn Thanh Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Tiến, Trưởng ban khánh tiết đền Đức Thánh Nguyễn cho biết: Di tích đền Đức Thánh Nguyễn được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia vào năm 1989. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương 2 xã Gia Tiến, Gia Thắng đã có nhiều hoạt động để bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong phát triển kinh tế – xã hội của mỗi địa phương.
Chính quyền địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về việc quản lý, bảo vệ di tích, bảo vệ môi trường, cảnh quan khu di tích, không xâm phạm vào khu di tích, thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội…
Do đó những năm qua, đền Đức Thánh Nguyễn – Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia luôn thu hút du khách từ các tỉnh, thành phố về tham quan, chiêm bái. Đã có nhiều tuyến, tour du lịch được kết nối, tổ chức. Người dân địa phương từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm với việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.
Chị Phạm Thị Tuyền, Bí thư Đoàn xã Gia Thắng cho biết: Góp phần vào việc gìn giữ và phát huy giá trị di tích, tuổi trẻ xã Gia Thắng đã tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ, giữ vệ sinh môi trường, trồng cây thuốc nam… tại khu di tích. Bên cạnh đó, nhận thức rõ để góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, mỗi đoàn viên thanh niên đều tích cực học tập, tìm hiểu lịch sử, truyền thống, tham gia các lớp tập huấn để hướng đến mỗi người đều có thể là một hướng dẫn viên, giới thiệu với du khách về niềm tự hào là người con của quê hương Đức Thánh Nguyễn.
Theo kế hoạch của huyện Gia Viễn, việc tổ chức lễ hội năm nay được duy trì đúng các nghi lễ truyền thống như: lễ mở cửa đền, lễ mộc dục, tế cáo yết, lễ rước bách thần, dâng hương… nhằm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của Quốc sư Nguyễn Minh Không trong tiến trình lịch sử dân tộc.
Phần hội gồm các hoạt động văn hóa độc đáo, mang đậm dấu ấn gắn liền với những đóng góp to lớn của Thiền sư Nguyễn Minh Không trong sự nghiệp y học của dân tộc nhằm bảo tồn các loại gen cây thuốc quý hiếm, các giống cây dược liệu bản địa, kết hợp với các hoạt động trải nghiệm sức khỏe để đưa vào khai thác, phát triển du lịch địa phương.
Các nội dung hoạt động tại lễ hội phong phú, đa dạng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và có tính giáo dục cao, xứng đáng với vai trò, vị thế của Quốc sư Nguyễn Minh Không. Trong đó, tổ chức lễ hội gắn với khai thác tuyến tour du lịch “Tìm về cội nguồn Đức Thánh Nguyễn” nhằm quảng bá du lịch và giá trị lịch sử văn hóa địa phương .
Thông qua các hoạt động lễ hội, góp phần khơi dậy truyền thống yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ và nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong việc tham gia bảo tồn, phát huy, khai khác giá trị di sản văn hóa của địa phương; bảo tồn, phục dựng các giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo, phấn đấu đưa Lễ hội đền Đức Thánh Nguyễn trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Với việc tổ chức Lễ hội đền Đức Thánh Nguyễn hàng năm, huyện Gia Viễn kỳ vọng đây là một trong những sự kiện văn hóa quan trọng của địa phương nhằm góp phần giới thiệu, quảng bá các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và các sản phẩm du lịch đặc sắc nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh, quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch, tạo đột phá, thúc đẩy phát triển du lịch của huyện Gia Viễn trong những năm tiếp theo.
Bùi Diệu – Minh Quang