Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo quốc gia chủ trì phiên họp. Phiên họp được kết nối trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố có biển. Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương có liên quan.
Để Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, tại Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, các bộ, ngành và địa phương đã nỗ lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao, bước đầu đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật các vùng ven biển được cải thiện rõ rệt. Các tuyến đường ven biển hình thành giúp kết nối các khu du lịch, dịch vụ, đô thị dọc bờ biển, tạo điều kiện khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên biển. Các công trình điện lưới quốc gia nối với các đảo lớn, các cảng biển, trung tâm nghề cá phục vụ đánh bắt xa bờ, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, ứng phó với biến đổi khí hậu được quan tâm xây dựng, tu bổ,…
Công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển; các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn, phát triển bền vững, đa dạng sinh học biển được chú trọng. Đến nay, cả nước có 12 khu bảo tồn biển đã được thành lập với tổng diện tích trên 206 nghìn ha.
Một số ngành, lĩnh vực kinh tế biển có bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là du lịch, với sự hình thành những trung tâm du lịch biển hiện đại có tầm vóc quốc tế. Lượng khách du lịch đến các địa phương ven biển giai đoạn 2018-2023 có mức tăng trưởng bình quân trên 13%/năm. Hoạt động nuôi trồng và khai thác hải sản cũng có tốc độ tăng trưởng cao, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng từ 8,8 tỷ USD năm 2018 lên hơn 10,9 tỷ USD năm 2022. Cả nước đang có 18/19 khu kinh tế ven biển nằm trong quy hoạch đã được thành lập, thu hút hơn 2.000 dự án đầu tư. Song song với đó là chuỗi gần 600 đô thị ven biển, chiếm khoảng 8% số lượng đô thị cả nước với dân số khoảng 19 triệu người.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, một số mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Cụ thể: Tỷ trọng GRDP của 28 tỉnh, thành phố ven biển đóng góp vào tổng GRDP cả nước chỉ đạt khoảng 50%, trong khi mục tiêu đề ra là 65-70%. Tăng trưởng bình quân các tỉnh, thành phố ven biển giai đoạn 2011-2022 thấp hơn so với cả nước (7,15%); chỉ số phát triển con người (HDI) chưa đạt mục tiêu; thu nhập bình quân đầu người ở một số tỉnh, thành phố ven biển thấp hơn so với bình quân chung cả nước. Quy mô kinh tế biển còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; cơ cấu ngành, nghề chưa hợp lý. Công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch chưa đồng bộ, thiếu bền vững…
Đối với tỉnh Ninh Bình, thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân vùng ven biển để đẩy mạnh phát triển vùng kinh tế biển của tỉnh. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được quan tâm đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, khu, cụm công nghiệp, trong đó một số dự án lớn đã hoàn thành hoặc đang triển khai góp phần cải thiện vị thế kinh tế, tạo diện mạo mới cho ven vùng biển; đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng biển được cải thiện rõ rệt. Công tác quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu được chú trọng; quốc phòng, an ninh được đảm bảo. Đến nay, kinh tế biển, các vùng ven biển đang dần trở thành động lực phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Ninh Bình là một trong số ít địa phương ven biển có mức tăng trưởng cao hơn trung bình chung cả nước.
Tại cuộc họp, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận, đề xuất các nội dung: Phát triển tiềm năng, lợi thế của biển trong định hướng phát triển kinh tế biển địa phương; tăng cường năng lực quản trị biển, hải đảo; đẩy mạnh công tác tham gia bảo vệ môi trường biển; phát triển du lịch biển; logistics; thu hút đầu tư vào phát triển ngành nghề kinh tế biển; quy hoạch không gian biển…
Phát biểu kết luận phiên họp lần thứ nhất, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, giải pháp tại Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gợi mở một số định hướng thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển như: Hoàn thiện thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về phát triển bền vững kinh tế biển; hiện đại hóa hệ thống đô thị biển; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; khuyến khích đầu tư, hình thành các trung tâm năng lượng tái tạo…
Trước mắt, Phó Thủ tướng yêu cầu cơ quan thường trực phối hợp với Văn phòng Chính phủ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để kiện toàn lại thành viên Ủy ban chỉ đạo; dự thảo quy chế làm việc, tổ chức hoạt động một cách khoa học hơn. Trong đó, thành lập các nhóm nhiệm vụ chuyên ngành, do các bộ, ngành chủ trì để tham mưu đề xuất với Ủy ban chỉ đạo quốc gia các giải pháp để tạo ra những đột phá mạnh mẽ hơn trong thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan hoàn thành việc xây dựng bộ tiêu chí về quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển và tích hợp vào các thể chế, chính sách có liên quan; xác định các nhiệm vụ sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, nhiệm vụ thu hút các nguồn vốn trong và ngoài nước khác.
Bộ Ngoại giao tăng cường các hoạt động đối ngoại, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế để thúc đẩy, sớm hoàn thành phân định ranh giới trên biển; Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương thực hiện Quy hoạch không gian biển quốc gia.
Các địa phương có biển kiện toàn ban chỉ đạo tại địa phương, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án, nhiệm vụ phát triển bền vững kinh tế biển…
Nguyễn Lựu-Anh Tuấn