Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành (CCHC), trong đó thống nhất quan điểm: Đẩy mạnh CCHC phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, đầu tư cho CCHC là đầu tư cho phát triển để tạo khí thế mới, động lực mới, giá trị mới, thành công mới.
Chiều 2/2, Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ tổ chức phiên họp thứ 7 để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Hội nghị được triển khai bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ chủ trì phiên họp.
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình. Cùng dự có các đồng chí thành viên Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố.
Năm 2023, với phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, bản lĩnh, linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời, hiệu quả”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt, tạo động lực, chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính của cả hệ thống hành chính và đạt được nhiều kết quả quan trọng, trên tất cả các nội dung.
Nổi bật là, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật tiếp tục có những chuyển biến tích cực; nhiều điểm nghẽn về cơ chế, chính sách đã được tháo gỡ, thông thoáng, kịp thời hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Cải cách thủ tục hành chính được chú trọng, quan tâm. Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và hoàn thiện quy định về vị trí việc làm tại cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị tiếp tục có chuyển biến rõ nét.
Các địa phương đã tập trung triển khai việc rà soát, sắp xếp tổ chức hành chính bên trong, theo đó giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc UBND tỉnh; giảm 2.572 tổ chức phòng và tương đương thuộc cơ quan chuyên môn UBND tỉnh, huyện trong cả nước. Việc hoàn thiện thể chế về quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính có nhiều chuyển biến tích cực. Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có nhiều kết quả.
Năm 2023, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của bộ, ngành đạt 30,4% (tăng 1,4 lần so với năm 2022); địa phương đạt 37,4% (tăng 3,7 lần so với năm 2022). Công tác thông tin, tuyên truyền và kiểm tra cải cách hành chính được triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục, nhiều đổi mới, sáng tạo, góp phần lan tỏa tinh thần cải cách hành chính đến người dân, xã hội và tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ, nhiệm vụ của đội ngũ công chức, viên chức…
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã thảo luận, làm rõ những kết quả đạt được, nhận diện những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy công tác CCHC trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao những kết quả trong công tác CCHC thời gian qua.
Chỉ ra những hạn chế, bài học kinh nghiệm và nguyên nhân, lưu ý về những yêu cầu CCHC trong giai đoạn mới, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh cần tiếp tục thống nhất quan điểm: đẩy mạnh CCHC phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, đầu tư cho CCHC là đầu tư cho phát triển để tạo khí thế mới, động lực mới, giá trị mới, thành công mới.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh CCHC trên cả 6 lĩnh vực, phải xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Trong đó tập trung tháo gỡ về mặt thể chế (pháp lý cho sản xuất, kinh doanh); đơn giản hóa thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền hơn nữa, giảm chi phí đầu vào, chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp; tập trung tinh giản biên chế nhưng phải cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; xây dựng bộ máy hiệu lực, hiệu quả, nâng cao năng lực thực thi của các bộ, công chức, viên chức; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở, đạo đức công vụ; đẩy mạnh cải cách tài chính công, tập trung tăng thu, giảm chi thường xuyên, chống tiêu cực, tham nhũng trong sử dụng tài sản công, tăng chi cho đầu tư phát triển; xây dựng Chính phủ số phải tập đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số, chính quyền số, công dân số, đặc biệt tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, từ đó góp phần tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Mai Lan – Đức Lam