Dự buổi giám sát có lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, huyện Gia Viễn, huyện Hoa Lư, thành phố Tam Điệp, thành phố Ninh Bình.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.821 di tích được kiểm kê, trong đó có 405 di tích đã được xếp hạng, gồm: 324 di tích cấp tỉnh, 78 di tích cấp Quốc gia, 3 di tích cấp Quốc gia đặc biệt;1 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Thời gian qua, công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn đã được cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tầng lớp Nhân dân quan tâm thực hiện, tham gia tích cực.
Năm 2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 34 về Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh. Các di tích được xếp hạng hiện nay đều có Ban quản lý; tùy từng di tích còn có Ban khánh tiết, Ban hộ tự, sư trụ trì hoặc thủ từ, doanh nghiệp trực tiếp quản lý, trông coi.
Công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích được quan tâm. Các di tích được khoanh vùng bảo vệ và điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ theo quy định. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã có 110 di tích được hỗ trợ tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp với tổng kinh phí hơn 133,6 tỷ đồng.
Việc tu bổ, tôn tạo di tích cơ bản tuân thủ quy định của pháp luật về di sản văn hóa và xây dựng. Đa số các di tích sau khi được đầu tư, tu bổ cơ bản đảm bảo tính nguyên gốc, yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật, tính bền vững lâu dài, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân.
Việc số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích được quan tâm thực hiện. Công tác thanh tra, kiểm tra được các cấp, các ngành tăng cường. Từ năm 2021-2023, Sở Văn hóa và Thể thao đã kiểm tra 66 lượt di tích, lập biên bản nhắc nhở chấp hành quy định về quản lý di tích; Sở Du lịch duy trì thường xuyên tuần tra-giám sát tại khu vực Quần thể danh thắng Tràng An và các di tích.
Việc phát huy giá trị di tích được quan tâm, nhiều di tích đã phát huy giá trị, trở thành điểm thu hút khách du lịch, điểm tham quan, nghiên cứu, học tập, giáo dục truyền thống, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng.
Tại buổi giám sát, thành viên Đoàn giám sát đã đề nghị các sở, ngành, địa phương giải trình, làm rõ một số vấn đề: Phân cấp công tác quản lý, tu bổ di tích; công tác nghiên cứu, khảo cổ học; quản lý tiền công đức; quản lý đất đai; công tác bảo tồn kết hợp với phát huy giá trị của các di tích; làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, vướng mắc và trách nhiệm của các ngành, địa phương liên quan; giải pháp khắc phục trong thời gian tới…
Đại diện các sở, địa phương được giám sát đã giải trình, làm rõ những nội dung nêu trên, đồng thời đề nghị tỉnh nghiên cứu, ban hành quy định về chế độ hỗ trợ cho người trực tiếp quản lý, bảo vệ các di tích đã được xếp hạng; có chế tài mạnh hơn để ngăn chặn xây dựng trái phép trong vùng lõi di sản; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hỗ trợ địa phương trong công tác quản lý, bảo tồn, tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị di tích và tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn cấp huyện, cấp xã; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong đầu tư và quản lý di tích…
Kết luận buổi giám sát, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bùi Hoàng Hà, Trưởng Đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá cao những kết quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện quản lý, bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử-văn hóa.
Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung khắc phục ngay những vấn đề còn hạn chế, vướng mắc mà Đoàn giám sát đã nêu; quan tâm bố trí ngân sách thực hiện tu bổ, chống xuống cấp di tích; nghiên cứu, đề xuất các chính sách cho Nhân dân trong vùng lõi di sản; phân cấp sửa chữa, tu bổ di tích.
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực di tích và thực hiện rà soát, lập danh mục di tích xuống cấp cần tu bổ, tôn tạo hàng năm theo thứ tự ưu tiên, phân kỳ đầu tư. Có giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ, triển khai thực hiện nghiêm túc các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư. Tiếp tục làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, đào tạo, tập huấn, phổ biến, hướng dẫn cho các đơn vị trong lĩnh vực quản lý, bảo tồn, tu bổ, phục hồi các di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn tỉnh, nhất là tuyên truyền, phổ biến về xuất xứ, giá trị của các di tích.
Đề nghị Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với các ngành, các địa phương đầu tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả các tour, tuyến du lịch gắn với hệ thống di tích hiện có, phát huy giá trị các di tích.
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp tham mưu bố trí nguồn kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư thực hiện tu bổ, tôn tạo các di tích, nhất là trong tham mưu xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tiếp theo.
Đối với UBND các huyện, thành phố, đồng chí đề nghị tiếp tục thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn; chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá, phát huy các giá trị di tích lịch sử-văn hóa; công tác an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ tại các di tích. Rà soát việc quản lý đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụngđất di tích. Quan tâm bố trí nguồn kinh phí của địa phương; làm tốt công tác xã hội hóa đầu tư bảo tồn, tu bổ, phục hồi các di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn. Phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các ngành chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm kê, rà soát, đề nghị xếp hạng, bảo tồn, chống xuống cấp di tích.
Hồng Giang – Đức Lam
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/thuong-truc-hdnd-tinh-giam-sat-viec-quan-ly-bao-ton-phat-huy/d2024081610371791.htm