Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình. Cùng dự có lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị có liên quan và đại diện doanh nhân tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị gặp mặt, lãnh đạo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI đã ôn lại truyền thống Ngày Doanh nhân Việt Nam. Theo đó, những năm qua, cùng với việc tăng nhanh về quy mô số lượng, năng lực quản trị, trình độ kiến thức, kỹ năng kinh doanh và chuyên môn của doanh nhân Việt Nam ngày càng nâng cao; trở thành nguồn nhân lực đặc biệt của đất nước, có vai trò quan trọng trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập. Cộng đồng doanh nghiệp trân trọng ghi nhận nỗ lực của Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, các địa phương đã luôn ủng hộ, kiến tạo và hỗ trợ cho sự phát triển của các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước hiện có 165.000 doanh nghiệp, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2018-2022. Trong 9 tháng đầu năm, kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ và duy trì đóng góp tốt cho ngân sách; các khoản nộp ngân sách qua thuế giá trị gia tăng đạt hơn 97 nghìn tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp đạt gần 248 nghìn tỷ đồng. Tăng trưởng kinh tế và công nghiệp từng bước được phục hồi, GDP tăng 4,24%; chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,16%.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị gặp mặt, cùng với việc nhấn mạnh những kết quả đạt được, đại diện các tập đoàn, tổng công ty, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, vướng mắc. Đồng thời kiến nghị, đề xuất với Chính phủ nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị gặp mặt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp trên cả nước nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam; đồng thời biểu dương, ghi nhận những nỗ lực, đóng góp quan trọng của đội ngũ doanh nhân trong quá trình thực hiện khát vọng xây dựng đất nước hùng cường và thịnh vượng. Bên cạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, đội ngũ doanh nhân luôn thể hiện trách nhiệm xã hội, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đặc biệt là trong thời điểm đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Thủ tướng cho biết, thời gian tới, Chính phủ sẽ tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, tập trung vào một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp:
Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định được các cân đối lớn của nền kinh tế. Giữ vững độc lập, chủ quyền, an ninh, trật tự xã hội để cộng đồng doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường; tạo việc làm cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thông thoáng, bình đẳng và minh bạch; bãi bỏ các rào cản, quy định về điều kiện kinh doanh không cần thiết, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng nền kinh tế số, Chính phủ số, xã hội số, công dân số. Tiếp tục tháo gỡ những điểm nghẽn trong huy động nguồn lực, sản xuất, kinh doanh; tạo thuận lợi, tăng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp.
Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các loại thị trường, an toàn, lành mạnh, minh bạch như: thị trường vốn, bất động sản, lao động, đặc biệt là thị trường lao động chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng dựa trên chất lượng, hiệu quả, dựa vào đổi mới sáng tạo.
Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương rà soát lại các vướng mắc, khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp; có kế hoạch xử lý kịp thời, hiệu quả, giải quyết dứt điểm các vướng mắc đã tồn tại từ lâu gây cản trở cho hoạt động của doanh nghiệp.
Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để nguồn vốn này thực sự trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, không chỉ trong ngắn hạn, mà cả trong trung và dài hạn. Đẩy mạnh triển khai có hiệu quả và thực chất Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tăng cường kết nối cung – cầu lao động, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia.
Tăng cường triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sớm phục hồi và hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới mô hình kinh doanh dựa trên xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, các mô hình kinh doanh bao trùm, tuần hoàn…
Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp cần không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, vươn tầm khu vực và quốc tế. Phát huy hơn nữa tính chủ động, năng động, sáng tạo để không những phát triển doanh nghiệp do mình làm chủ mà còn tăng cường liên kết hợp tác với nhau để tạo nên sức mạnh tổng hợp, nâng tầm vị thế của doanh nghiệp Việt Nam.
Đối với Hiệp hội doanh nghiệp cần phát huy hiệu quả vai trò hỗ trợ doanh nghiệp và làm tốt công tác tư vấn, phản biện hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp; là cầu nối, tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp nhằm xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp đoàn kết, hùng mạnh vì một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới các nữ doanh nhân nhân dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.
Hồng Nhung-Minh Đường