Chiến tranh đã lùi xa nhưng những di chứng của chất độc da cam do quân đội Mỹ để lại nỗi đau cho nhiều người, nhiều gia đình khi bản thân hoặc người thân phải đối mặt với bệnh tật dày vò, đau đớn, dị dạng, dị tật, di truyền sang nhiều thế hệ con, cháu của nạn nhân.
Tỉnh Ninh Bình không thuộc địa bàn trực tiếp bị đế quốc Mỹ rải chất độc da cam, nhưng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tỉnh ta có hàng chục nghìn người hoạt động kháng chiến trong vùng Mỹ sử dụng chất độc da cam. Đã có hàng chục nghìn người bị phơi nhiễm, chịu di chứng của chất độc nguy hiểm này. Toàn tỉnh hiện có gần 5 nghìn nạn nhân đang được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng của Nhà nước, trong đó còn nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh nặng, không tự chăm sóc được cho bản thân. Có những người cha, người mẹ không bao giờ được nuôi nấng đứa con của mình sinh ra do sự sống quá ngắn ngủi. Có những gia đình may mắn sinh được con thì lại phải đau lòng, dứt ruột chứng kiến con mình suốt đời sống trong bệnh tật, bị dị tật, dị dạng. Đa số nạn nhân chất độc da cam phải sống trong nghèo khó, bệnh tật, khó khăn, đau khổ cả về thể xác lẫn tinh thần.
Thấu hiểu những nỗi đau mà nạn nhân chất độc da cam và thân nhân của họ phải gánh chịu, những năm qua, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình đã quan tâm, nỗ lực chăm lo cho gia đình chính sách nói chung, nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam nói riêng, với những việc làm ý nghĩa, thiết thực, đồng hành cùng các nạn nhân để phần nào vơi đi nỗi đau da cam do chiến tranh để lại.
Theo đó, cùng với thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, thực hiện tốt Thông báo kết luận số 292-TB/TW ngày 18/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về giải quyết hậu quả chất độc hóa học và chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin và Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.
Các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội, hội quần chúng đều quan tâm, dành nguồn kinh phí chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và gia đình nạn nhân chất độc da cam. Nghiêm túc tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến nạn nhân chất độc da cam, như chế độ trợ cấp, phụ cấp hàng tháng, trợ cấp đối với người phục vụ, đối với con đẻ người hoạt động kháng chiến; chế độ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí cho bản thân và con đẻ đối tượng. Đồng thời, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp trong tỉnh đã có những hành động, việc làm thiết thực, cụ thể trong việc kêu gọi, huy động sự ủng hộ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam về kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà; tặng quà dịp lễ, Tết; khám chữa bệnh miễn phí; hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, cho con em nạn nhân học nghề, giải quyết việc làm…
Mỗi năm, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/ dioxin trong tỉnh đã kêu gọi, vận động, huy động được hàng chục tỷ đồng và nhiều máy móc, thiết bị như xe lăn, dụng cụ, máy móc điều trị bệnh, phục hồi chức năng, hỗ trợ vận động, được quản lý, sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch, hỗ trợ, ủng hộ nạn nhân bằng nhiều hình thức phù hợp, góp phần chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam, động viên họ vươn lên trong cuộc sống, xoa dịu nỗi đau để hòa nhập cộng đồng.
Tuy nhiên, chất độc da cam/ dioxin là chất độc nguy hiểm, gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả các bộ phận sinh lý của cơ thể. Điều đau lòng hơn là chất độc này có thể di truyền qua nhiều thế hệ. Đã có nhiều gia đình, di chứng chất độc da cam di truyền sang thế hệ thứ 3, thứ 4. Cùng với đó, đời sống vật chất, tinh thần của nạn nhân da cam hầu hết gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, mặc dù nhận được chế độ trợ cấp, quan tâm của Đảng, Nhà nước và xã hội, nhưng nhiều gia đình không có nguồn kinh phí chi nuôi dưỡng, chữa bệnh cho nạn nhân. Nhiều nạn nhân chất độc da cam hàng ngày phải đối mặt với các căn bệnh quái ác do nhiễm chất độc dioxin, chịu nhiều đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần; nhiều nạn nhân sinh con dị tật, dị dạng, thiểu năng trí tuệ, không có khả năng lao động, sản xuất, không có nguồn thu nhập…, do vậy rất cần sự quan tâm, động viên, chia sẻ, giúp đỡ của cộng đồng, xã hội.
Để chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, cần tiếp tục có những văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và quy định về chế độ, chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con cháu của họ, tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi để tổ chức thực hiện.
Cấp ủy, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp tiếp tục quan tâm, có nhiều biện pháp, hành động thiết thực, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương, đơn vị. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề còn vướng mắc, không để xảy ra tiêu cực trong quá trình thực hiện. Thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Thực hiện linh hoạt các hình thức chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân theo hướng cụ thể, thiết thực, phù hợp với hoàn cảnh của từng người, từng gia đình. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, tạo sự đồng tình, hưởng ứng trong các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, đẩy mạnh công tác vận động, kêu gọi, thu hút sự quan tâm, ủng hộ, hỗ trợ của người Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức nước ngoài và bạn bè quốc tế. Quản lý chặt chẽ, sử dụng công khai, minh bạch và phát huy hiệu quả các nguồn lực vận động được…
Những việc làm đó đối với nạn nhân chất độc da cam thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” với những người có công với đất nước, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
Bài, ảnh: Hạnh Chi
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/thuc-hien-tot-viec-cham-soc-giup-do-nan-nhan-chat-doc-da-cam/d2024080908436743.htm