Quy hoạch chợ phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội
Chợ Rồng Ninh Bình là chợ hạng II, hiện có hơn 700 hộ kinh doanh, buôn bán với đầy đủ các mặt hàng từ lương thực, thực phẩm tươi sống, hoa quả đến đồ gia dụng, quần áo, các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân trên địa bàn thành phố và trong tỉnh.
Cơ sở hạ tầng của chợ được xây dựng đã lâu, từ những năm 90 của thế kỷ trước; việc đầu tư xây dựng chợ và áp dụng các tiêu chuẩn thiết kế để bố trí, sắp xếp các ngành hàng chưa thực sự khoa học. Công tác phòng, chống cháy nổ, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường… còn hạn chế nên vẫn còn tình trạng ô nhiễm môi trường, nguy cơ xảy ra cháy nổ cao…
Những năm qua, do tốc độ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và thành phố tương đối nhanh dẫn đến quy hoạch giao thông, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị có nhiều sự thay đổi. Thành phố đang triển khai thực hiện các dự án theo Quy hoạch đô thị, xây dựng thành phố theo tiêu chí đô thị loại I như: dự án Cụm công trình thủy lợi Nam sông Vân, dự án xây dựng cầu Chà Là… Do đó, việc thực hiện quy hoạch chợ đồng bộ với quy hoạch đô thị là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố trong thời gian tới, trong đó có chợ Rồng Ninh Bình. Đồng thời, tại một số khu vực trong chợ Rồng cũng đang chịu ảnh hưởng bởi 2 dự án, cần sớm giải phóng mặt bằng để bàn giao cho đơn vị thi công.
Xuất phát từ thực tiễn, thành phố Ninh Bình đã xây dựng và triển khai Đề án số 01/ĐA-UBND ngày 25/01/2024 về “Hỗ trợ các hộ kinh doanh tại chợ Rồng Ninh Bình di chuyển đến địa điểm kinh doanh mới trên địa bàn thành phố Ninh Bình”.
Mục tiêu của Đề án là di chuyển các hộ đang kinh doanh tại chợ Rồng đến kinh doanh tại các chợ được quy hoạch, để từng bước thực hiện quy hoạch cảnh quan hai bờ sông Vân. Đồng thời, bảo đảm hoạt động chợ theo quy định hiện hành của pháp luật; bảo đảm công tác phòng cháy, chữa cháy; an toàn giao thông, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, văn minh thương mại… Để từ đó từng bước xóa bỏ các chợ không phù hợp với quy hoạch, không đạt tiêu chuẩn thiết kế. Hướng tới thực hiện việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị, từng bước xây dựng nếp sống văn minh, nét đẹp văn hóa trong mua bán tại các chợ, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của quần chúng nhân dân.
Theo nội dung Đề án, việc hỗ trợ được áp dụng đối với các hộ kinh doanh hợp pháp, cố định, có thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước tại chợ Rồng Ninh Bình, chủ động di chuyển địa điểm kinh doanh mới. Mức hỗ trợ: *Di chuyển địa điểm kinh doanh đến các chợ được quy hoạch (hợp pháp) trên địa bàn thành phố (chợ Đầu mối tổng hợp xã Ninh Tiến; chợ Quang Trung, chợ Ngọc Hà, phường Nam Bình…), mức hỗ trợ là 30.000.000 đồng/hộ kinh doanh và hỗ trợ 1 năm giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ mới di chuyển đến. *Di chuyển địa điểm kinh doanh về kinh doanh tại nhà, mức hỗ trợ là 30.000.000 đồng/hộ kinh doanh. |
Trao đổi với đồng chí Hoàng Hoa Thắng, Phó Chủ tịch UBND thành phố được biết: Đề án đã được HĐND thành phố thông qua, UBND thành phố đã xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện, phân công cụ thể nhiệm vụ cho các ban, ngành, đoàn thể. Trong đó, tập trung công tác tuyên truyền một cách sâu rộng để các hộ tiểu thương hiểu rõ chủ trương, đồng thuận với thành phố trong thực hiện các dự án của tỉnh và thành phố có liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó có dự án xây dựng cầu Chà Là và dự án Cụm công trình thủy lợi Nam sông Vân ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của một số tiểu thương thuộc chợ Rồng.
Để triển khai Đề án, thành phố Ninh Bình đã giao cho Ban quản lý chợ Rồng, các phòng, ban chuyên môn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên trong thực hiện Đề án. Thành lập tổ thẩm định, trên cơ sở các tiêu chí, điều kiện để tiến hành tiếp nhận, hướng dẫn hồ sơ của các hộ kinh doanh có nhu cầu di chuyển. Các tổ công tác của thành phố đang tập trung cao cho công tác này, phấn đấu sớm thực hiện chi trả tiền hỗ trợ đối với các hộ đủ điều kiện.
Bên cạnh đó, thành phố cũng chỉ đạo các phường, xã bố trí, sắp xếp để đón tiểu thương di chuyển về kinh doanh. Yêu cầu Ban Quản lý chợ nơi các hộ kinh doanh chuyển đến có phương án sắp xếp theo vị trí ngành hàng, bảo đảm khoa học, phù hợp thực tế. Thông tin rộng rãi khi tiếp nhận các hộ kinh doanh chuyển đến kinh doanh tại địa phương.
Hiện trên địa bàn thành phố Ninh Bình có 17 chợ trong quy hoạch được phân hạng, trong đó có 1 chợ hạng I, 1 chợ hạng II và 15 chợ hạng III. Trong những năm qua, thành phố luôn quan tâm đến việc xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo các chợ bảo đảm hoạt động kinh doanh, khai thác và quản lý các chợ, góp phần đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa và nhu cầu tiêu dùng của người dân. Từng bước xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa trong hoạt động mua bán, xây dựng các chợ theo hướng văn minh thương mại, bảo đảm đời sống dân sinh, nâng cao thu nhập cho người dân, đáp ứng việc lưu thông hàng hóa trên địa bàn.
Tạo sự đồng thuận của các tiểu thương
Những ngày này, Đề án 01 là nội dung được nhiều tiểu thương kinh doanh tại chợ Rồng bàn tán sôi nổi. Tại nhiều vị trí trong chợ, các nội dung của Đề án và Kế hoạch của UBND thành phố triển khai thực hiện Đề án được dán công khai để bà con tiểu thương thuận tiện theo dõi. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 của Hội Phụ nữ chợ Rồng, hơn 200 hội viên phụ nữ tại chợ về dự kỷ niệm cũng đã nghe lãnh đạo Hội Phụ nữ thành phố tuyên truyền các nội dung của Đề án.
Ông Phạm Hồng Quân, Phó trưởng Ban quản lý chợ Rồng cho biết: Trên cơ sở Đề án 01 và Kế hoạch thực hiện Đề án của UBND thành phố Ninh Bình, Ban quản lý chợ đã tổ chức họp các hộ kinh doanh để triển khai Đề án; đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai đến các hộ kinh doanh tại chợ làm đơn đăng ký chuyển về địa điểm kinh doanh mới, ký cam kết, hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ để sớm tổ chức chi trả tiền hỗ trợ theo quy định. Đến ngày 12/3, Ban quản lý đã tiếp nhận 79 đơn đăng ký di chuyển, trong đó có 77 đơn đủ điều kiện hỗ trợ. Ban quản lý chợ vẫn tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn và tạo mọi điều kiện thuận lợi để bà con tiểu thương có nhu cầu di chuyển làm đơn đăng ký…
Kinh doanh mặt hàng mây tre, giang, nan tại chợ Rồng đã 34 năm, với bà Phạm Thị Nội (phường Vân Giang), gian hàng cũng giống như ngôi nhà thứ hai, gắn bó với bao kỷ niệm về những ngày mưu sinh tại khu chợ trung tâm của tỉnh. Khi biết được thông tin Đề án số 01 của UBND thành phố về việc hỗ trợ các hộ kinh doanh tại chợ Rồng di chuyển địa điểm kinh doanh mới trên địa bàn thành phố Ninh Bình, bà Nội thấy đây là thời điểm cần phải thay đổi. Bàn bạc với gia đình, bà Nội quyết định chuyển về nhà buôn bán.
Bà Nội cho biết: Do gian hàng của tôi ở vị trí sát bờ sông nên sẽ ảnh hưởng bởi dự án xây dựng cầu Chà Là và dự án Cụm công trình thủy lợi Nam sông Vân (đoạn qua chợ Rồng). Khi được Ban quản lý chợ Rồng triển khai Đề án, nghiên cứu các điều kiện, mức hỗ trợ, tôi rất đồng tình và ủng hộ chủ trương này. Gia đình tôi là một trong những hộ kinh doanh đầu tiên dỡ bỏ gian hàng, thu xếp hàng hóa để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công…
Chị Vũ Thị Lan, hộ kinh doanh mặt hàng đồ gia dụng tại chợ Rồng cho biết: Bản thân tôi đang kinh doanh ổn định tại chợ nên khi nghe thông tin về Đề án cũng rất băn khoăn, lo lắng vì sợ ảnh hưởng đến hoạt động buôn bán của gia đình. Tuy nhiên, được Ban quản lý chợ tuyên truyền, tôi nhận thấy đây là chủ trương đúng, mỗi hộ kinh doanh cần chấp hành nghiêm, hướng tới mục tiêu xây dựng một thành phố xanh-sạch-đẹp hơn…
Cũng có thâm niên 25 năm kinh doanh tại chợ với các mặt hàng sành sứ, cô Vũ Thị Xim chia sẻ: Nói là không lưu luyến nơi mình đã gắn bó mưu sinh một thời gian dài là không đúng. Nhưng trước chủ trương của thành phố với mức hỗ trợ hợp lý, tôi quyết định chuyển về chợ gần nhà ở xã Ninh Tiến. Về chợ mới sẽ nhiều bỡ ngỡ, nhưng với sự hỗ trợ, tạo mọi điều kiện của thành phố và chính quyền địa phương nơi chuyển đến, tôi tin rằng hoạt động kinh doanh của gia đình mình tiếp tục phát triển…
Đề án “Hỗ trợ các hộ kinh doanh tại chợ Rồng Ninh Bình di chuyển đến địa điểm kinh doanh mới trên địa bàn thành phố Ninh Bình” là một bước trong thực hiện lộ trình quy hoạch chợ đồng bộ với quy hoạch đô thị, phấn đấu xây dựng và phát triển “Thành phố Hoa Lư” trên cơ sở hợp nhất huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình thành đơn vị hành chính thành phố mới (dự kiến lấy tên là thành phố Hoa Lư) với định hướng tính chất là “Đô thị di sản thiên niên kỷ”, đồng thời đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận “Thành phố Hoa Lư” là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Ninh Bình; có vị thế trung tâm du lịch vùng và quốc gia, mang giá trị toàn cầu; là trung tâm chính trị – hành chính, văn hóa, kinh tế, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, dịch vụ chất lượng cao, đầu mối hợp tác quốc tế của tỉnh Ninh Bình…
Bài, ảnh: Bùi Diệu