Sáng 16/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối từ Trụ sở Chính phủ đến 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Cùng dự ở đầu cầu Trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia, các tổ chức tài chính, ngân hàng, Hiệp hội bất động sản.
Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, địa phương và chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Nhà ở là một trong 3 trụ cột của an sinh xã hội, có “an cư mới lạc nghiệp”. Việc phát triển nhà ở xã hội là phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, phù hợp với đạo đức, truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Đặc biệt, ngày 3/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 388/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất, triển khai gói tín dụng ưu đãi 120 nghìn tỷ đồng cho vay hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội.
Thời gian qua, việc phát triển nhà ở xã hội đã có chuyển biến tích cực nhưng đến nay vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra.
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, chỉ rõ những việc đã làm được và chưa làm được; nguyên nhân khách quan, chủ quan, bài học kinh nghiệm; những vấn đề trọng tâm cần giải quyết và đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, địa phương.
Báo cáo tóm tắt của Bộ Xây dựng về việc phát triển nhà ở xã hội cho biết, trong giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2023 cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô 411.250 căn. Về quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, cả nước hiện đã quy hoạch 1.316 khu đất với quy mô 8.611 ha làm nhà ở xã hội, tăng 5.252 ha so với năm 2020.
Báo cáo cũng chỉ rõ, thời gian qua, một số địa phương đã có cách làm tốt, đẩy nhanh tiến độ các dự án trên địa bàn và bước đầu cho thấy kết quả tích cực của chính sách này. Tuy nhiên, một số địa phương trọng điểm dù có nhu cầu lớn về nhà ở xã hội nhưng việc đầu tư xây dựng còn hạn chế so với mục tiêu của Đề án.
Đối với tỉnh Ninh Bình, thực hiện phát triển nhà ở xã hội theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” và “Chương trình phát triển nhà ở của tỉnh Ninh Bình đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045” đã được UBND tỉnh phê duyệt, hiện tại Ninh Bình đã quy hoạch, bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội là 61,86 ha; đang khẩn trương triển khai thực hiện 5 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 3 dự án đã có chủ đầu tư, 2 dự án trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư. Mục tiêu đến năm 2030 sẽ cung cấp 5.573 căn nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, năm 2024 là 500 căn, năm 2025 là 1.800 căn.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư, thủ tục về đất đai, công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng… ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thời gian qua. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị các giải pháp đẩy nhanh việc triển khai thực hiện Đề án.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tế của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Đồng thời nhấn mạnh: Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là nội dung quan trọng của các chính sách phát triển kinh tế – xã hội. Phát triển nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân.
Để thực hiện mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành cần nghiên cứu, tham mưu các chính sách phù hợp hơn, quy trình tiếp nhận hồ sơ cần được tinh gọn, rút ngắn, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Các Bộ, ngành cần nghiên cứu ban hành chính sách ưu đãi về lãi suất cho người dân có nhu cầu về nhà ở xã hội.
Về phía các địa phương, trong quá trình thực hiện dự án nhà ở xã hội cần mạnh dạn thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách của Nhà nước nhằm triển khai hiệu quả dự án nhà ở xã hội tại địa phương…
Minh Hải – Anh Tuấn