Chiều 28/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra tình hình thi công tuyến đường Đông-Tây.
Cùng đi có các đồng chí: Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.
Về phía lãnh đạo tỉnh Ninh Bình có các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành liên quan; lãnh đạo thành phố Tam Điệp và huyện Nho Quan.
Tại buổi kiểm tra, Thủ tướng và Đoàn công tác đã nghe lãnh đạo tỉnh báo cáo tiến độ triển khai thực hiện tuyến đường Đông-Tây (giai đoạn I). Đây là tuyến đường có chiều dài gần 30 km, điểm đầu tại xã Quang Sơn, thành phố Tam Điệp, điểm cuối tại xã Văn Phong, huyện Nho Quan. Quy mô trước mắt là 4 làn xe, riêng đoạn đầu tuyến đến nút giao cao tốc Bắc – Nam được đầu tư với quy mô 8 làn xe theo quy hoạch đô thị; đồng thời thực hiện giải phóng mặt bằng toàn bộ tuyến quy mô 8 làn xe (bề rộng 70 m). Tổng mức đầu tư trên 1.900 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 500 tỷ đồng, còn lại là ngân sách tỉnh. Đây là dự án đường giao thông có quy mô lớn nhất từ trước đến nay do tỉnh phê duyệt.
Theo kế hoạch, ở giai đoạn 2, tuyến đường này sẽ tiếp tục được kéo dài, kết nối cực phía Tây với cực phía Đông của tỉnh Ninh Bình, từ vùng rừng núi huyện Nho Quan đến huyện ven biển Kim Sơn. Đặc biệt, tuyến đường còn kết nối đồng bộ với các trục giao thông quan trọng của Quốc gia như: Đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Quốc lộ 1A, đường bộ ven biển, đường sắt Bắc – Nam. Tuyến đường sau khi hoàn thành sẽ góp phần tạo hành lang kinh tế Đông – Tây phía Nam của tỉnh, tạo cực tăng trưởng mới cho vùng Nho Quan, Tam Điệp, hình thành không gian dư địa mới thu hút nhiều nhà đầu tư, tạo động lực, bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trước mắt và có tầm chiến lược, dài hạn.
Khởi công vào cuối tháng 3/2022 (chỉ sau 10 tháng có chủ trương đầu tư), sau hơn 2 năm triển khai, đến nay, dự án đã bàn giao xong mặt bằng. Các đơn vị thi công đã nỗ lực, tập trung nhân công, xe máy, thiết bị, thi công tăng ca, tăng kíp, làm việc xuyên lễ, xuyên ngày đêm để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đến nay, đơn vị thi công đã thi công thảm mặt đường bê tông nhựa được khoảng 8,5 km; đang thi công hoàn thiện nền đường, cầu, cống các đoạn còn lại (giá trị khối lượng xây lắp hoàn thành ước đạt 42,5%), quyết tâm phấn đấu hoàn thành toàn bộ công trình vào dịp chào mừng Lễ Quốc khánh 2/9 năm 2024.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh đã đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tạo điều kiện để Ninh Bình tiếp tục đầu tư các tuyến đường kết nối với: thành phố Hòa Bình, Quốc lộ 8, đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc Bắc- Nam, Quốc lộ 1, đường bộ ven biển, cảng Thịnh Long và cảng Nghi Sơn, cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng để mở rộng không gian và hành lang phát triển kinh tế-xã hội theo đúng quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng và quy hoạch tổng thể quốc gia. Ninh Bình cũng mong muốn Trung ương hướng dẫn, hỗ trợ, giải quyết các khó khăn của tỉnh trong quá trình thi công liên quan đến nguồn vật liệu đắp nền, công tác giải phóng mặt bằng và một số vấn đề liên quan khác để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Qua nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh, chủ đầu tư và các nhà thầu, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao vai trò quan trọng của tuyến đường Đông-Tây. Không chỉ có ý nghĩa đối với tỉnh Ninh Bình khi đi qua 2 địa phương được xem là “vùng trũng” về giao thông của tỉnh mà tuyến đường còn mở ra cơ hội kết nối với các tỉnh Bắc Trung Bộ và các tỉnh miền núi phía Bắc. Trong quá trình thi công, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, đảm bảo cả về tiến độ và chất lượng.
Đối với những kiến nghị của tỉnh, Thủ tướng giao cho Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với các bộ, ngành liên quan và tỉnh Ninh Bình nghiên cứu, khảo sát để đề xuất với Chính phủ phương án mở rộng, đầu tư các tuyến đường kết nối. Cùng với đó, tỉnh Ninh Bình trong quá trình quy hoạch giao thông cũng cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương lân cận để đầu tư đa phương, nối liền các tuyến giao thông trọng điểm mở rộng liên vùng, liên lãnh thổ, mở rộng cơ hội thu hút đầu tư vào các vùng còn nhiều khó khăn, tạo điều kiện phát triển kinh tế, du lịch, mở rộng giao lưu vùng miền.
Trong chuyến công tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành nhiều thời gian ân cần hỏi thăm, động viên công nhân đang thi công dự án, chia sẻ những khó khăn, vất vả của công nhân thi công trong điều kiện thời tiết mùa hè nắng nóng. Đồng chí mong muốn địa phương cũng như chủ đầu tư, nhà thầu quan tâm đến đời sống, sức khỏe của người lao động để mọi người cùng yên tâm cống hiến vì mục tiêu chung của tỉnh, của quốc gia.
Song Nguyễn, Anh Tuấn, Trường Giang