Nằm trong vùng lõi Quần thể danh thắng Tràng An, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, thời gian qua, cán bộ và Nhân dân thôn Trường An (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư) luôn giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử và cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, độc đáo của địa phương, gắn với phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của thôn.
Trên địa bàn thôn Trường An có nhiều di tích lịch sử, văn hóa được nhiều người biết đến, như: Động Liên Hoa (hay còn gọi là động Thạch Bàn); nhiều đền, miếu, phủ như Ngòi Gai, đền Áng Mương; nhiều địa danh như núi Ông Trạng, núi Hòm Sách, thung lũng Ngô Ngã, thung Vụng Chão, thung Nắc Nẻ, Reo lớn, Reo con… Đây là niềm tự hào của Nhân dân trong thôn không chỉ bởi nét đẹp của di tích, danh thắng mà còn chứa đựng những tích truyện khá kỳ thú gắn liền với tên gọi của di tích.
Ông Đỗ Văn Thẩm, Trưởng thôn Trường An cho biết: Núi Hòm Sách, núi Ông Trạng gắn liền với tinh thần hiếu học và khí phách vươn lên của người Cố đô. Núi Hòm Sách có nhiều tảng đá hình chữ nhật chồng lên nhau như những cái rương đựng sách, nên người dân đặt tên là Hòm Sách. Tên gọi núi Ông Trạng vì dáng núi giống như hình người đội mũ cánh chuồn Trạng Nguyên. Hai ngọn núi này nằm so le đối nhau trên dòng sông Sào Khê. Bên cạnh đó là thung Ngô Ngã, tiếp đến là thung Nắc Nẻ, Reo lớn, Reo con…
Những tên gọi trên được người dân địa phương lưu giữ, gắn với những câu chuyện mang màu sắc huyền thoại khá lôgic được truyền từ bao đời nay, tạo sự hấp dẫn khi khám phá các địa danh nơi đây. Với nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nằm trong các thung lũng đan xen giữa những ngọn núi, tạo nên phong cảnh sơn thủy, hữu tình. Những danh lam thắng cảnh đã và đang được người dân thôn Trường An bảo vệ, khai thác để phát triển du lịch.
Bà Ngô Thị Lan, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Trường An cho biết: Cấp ủy, Ban công tác Mặt trận và các đoàn thể luôn quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu được ý nghĩa, giá trị các di tích lịch sử, danh thắng và trách nhiệm giữ gìn, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn. Tổ chức các buổi truyền thông, tập huấn, các hội nghị tổng kết, hội nghị chuyên đề của các đoàn thể để tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về ý nghĩa lịch sử của các di tích.
Trong những năm qua, thôn chú trọng việc giữ nguyên trạng, không xâm lấn di tích, danh thắng, gắn với việc phát triển kinh tế của người dân. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa (lễ hội, tế lễ) nhân các ngày lễ, kỷ niệm của địa phương, của đất nước. Bên cạnh đó, công tác giữ gìn vệ sinh môi trường tại các điểm di tích, danh thắng, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp được người dân trong thôn duy trì hiệu quả. Người dân nâng cao ý thức, văn hóa ứng xử trong giao tiếp với khách du lịch khi đến thôn tham quan và nghỉ dưỡng, xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa trong phát triển du lịch.
Hiệu quả từ việc phát huy giá trị các di tích lịch sử-văn hóa, danh thắng gắn với phát triển du lịch đã tạo bứt phá, làm thay đổi diện mạo của thôn Trường An cũng như đời sống Nhân dân.
Hiện, thôn Trường An có gần 300 hộ dân với trên 900 nhân khẩu. Tỷ lệ người dân làm dịch vụ, du lịch chiếm trên 90%, trong đó có khoảng 30 nhà hàng và homestay. Trường An cũng là thôn tiêu biểu của xã nông thôn mới kiểu mẫu Trường Yên.
Tự hào về giá trị các di tích, danh thắng của thôn, ông Bùi Văn Thông, thôn Trường An cho biết: Nhận thức được trách nhiệm của mình là một người dân sống trong vùng lõi Di sản Tràng An, tôi đã tích cực tham gia công tác bảo vệ, giữ gìn cảnh quan tự nhiên và văn hóa của thôn, để các giá trị lịch sử-văn hóa truyền thống được phát huy, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, phát triển bền vững.
Bài, ảnh: Phương Anh