Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, thời điểm này các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết đã được các doanh nghiệp, đại lý bán lẻ chuẩn bị đầy đủ, đảm bảo cung ứng cho thị trường với giá cả ổn định và cam kết bán đúng giá niêm yết. Sức mua trên thị trường bắt đầu tăng, nhất là ở khu vực đô thị.
Dự báo, năm nay sức mua các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán sẽ bằng với mức tăng bình quân các năm trước và tăng khoảng 15% so với bình quân các tháng trong năm.
Đến nay, lượng hàng hóa chuẩn bị phục vụ Tết đã đảm bảo như năm trước. Riêng hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi đã chuẩn bị lượng hàng hóa tăng bình quân trên 15% so với năm ngoái, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu: lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, nước mắm, mì tôm, dầu ăn, bia, nước ngọt.
Đồng chí Nguyễn Khải Hoàn, Trưởng Phòng Thương mại, Sở Công Thương thông tin: Qua kiểm tra, khảo sát, lượng hàng hóa tiêu dùng phục vụ Tết năm nay được các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh chuẩn bị đủ về số lượng và đa dạng về mẫu mã, chủng loại. Cùng với đó, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đưa ra nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá hấp dẫn nhằm thu hút khách hàng làm cho không khí mua sắm cuối năm trở nên sôi động, sức mua bắt đầu tăng, nhất là ở khu vực đô thị. Cùng với việc chuẩn bị nguồn hàng, các doanh nghiệp phân phối, bán buôn cũng quan tâm tới việc tổ chức tốt hệ thống phân phối để đưa hàng Tết đến tay người tiêu dùng, đặc biệt là hàng bình ổn giá thông qua việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức các điểm bán hàng Tết, các hội chợ, phiên chợ Tết.
Thống kê của Sở Công Thương cũng cho thấy, lượng hàng dự trữ của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá ổn định so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, hiện tại các doanh nghiệp và mạng lưới đại lý đang dự trữ lượng hàng hóa bình ổn trị giá khoảng 221 tỷ đồng. Các nhóm hàng hóa trong Đề án bình ổn giá bao gồm: Các nhóm hàng thiết yếu: Lương thực (gạo, mỳ, phở khô…); thịt lợn; thịt gia cầm; thủy hải sản; trứng gia cầm; thực phẩm chế biến; rau củ; đường; dầu ăn; gia vị (nước mắm, nước chấm, muối, mỳ chính…); sữa chế biến (sữa nước, sữa bột…). Các nhóm hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết Nguyên đán: Mứt Tết, bánh kẹo; rượu, bia, nước giải khát. Giá trị hàng hóa dự trữ của các mặt hàng thiết yếu tham gia Đề án từ 400-450 tỷ đồng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp bán lẻ như: Go Ninh Bình, Vinmart, Lan Chi và hệ thống Vinmart+ cũng thực hiện chương trình ổn định giá trong suốt dịp Tết Nguyên đán đối với các mặt hàng thiết yếu: lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, nước mắm, mì tôm, dầu ăn, bia, nước ngọt… ước tính giá trị khoảng trên 600 tỷ đồng.
Bên cạnh kênh phân phối truyền thống, hoạt động cung ứng hàng hóa Tết còn được thực hiện qua nhiều kênh, với những hình thức đa dạng như điện thoại, Internet, giao hàng tận nhà… nên đã đáp ứng khá tốt nhu cầu của người dân.
Để đáp ứng nhu cầu hàng thực phẩm an toàn, cao cấp, các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, trái cây đặc sản, trái cây nhập khẩu ngày càng phát triển trên địa bàn tỉnh đã góp phần cung ứng cho thị trường những mặt hàng chất lượng cao. Hoạt động mua bán hàng hóa tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị và cửa hàng tiện lợi diễn ra sôi động, tuy nhiên giá cả các mặt hàng thiết yếu vẫn khá ổn định. Thời điểm hiện tại thời tiết thuận lợi, nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau củ quả rất dồi dào, không có biến động về giá. Đối với nhóm hàng thực phẩm tươi sống, người dân thường mua hàng tích trữ để tiêu dùng vừa đủ trong những ngày Tết nên sức mua thường tập trung cao vào những ngày cận Tết (từ ngày 28 đến 30 tháng Chạp).
Đồng chí Nguyễn Khải Hoàn, Trưởng Phòng Thương mại, Sở Công Thương cho biết thêm: Trong thời gian từ nay tới Tết Nguyên đán, Sở Công Thương tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu và đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Tiếp tục đôn đốc các doanh nghiệp phân phối tham gia Đề án bình ổn giá thường xuyên giám sát các Điểm bán hàng bình ổn giá, kịp thời chỉnh trang lại và bổ sung một số biển hiệu “Điểm bán hàng bình ổn giá phục vụ Tết” tại các địa bàn. Bảng niêm yết giá phải được treo ở vị trí dễ nhìn, để người tiêu dùng thuận lợi tiếp cận. Những điểm bị mất hoặc hư hỏng biển hiệu, bảng giá của Chương trình phải được bổ sung kịp thời.
Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các huyện, thành phố và cơ quan chức năng nắm sát diễn biến tình hình thị trường hàng hóa, chỉ đạo, đôn đốc các phòng, đơn vị trực thuộc thường xuyên, chủ động theo dõi diễn biến thị trường, giá cả hàng hóa, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm, các đại lý bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị… để kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp điều tiết nhằm bình ổn thị trường, giá cả hàng hóa. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai các kế hoạch phục vụ Tết.
Nguyễn Thơm