Hội thảo khoa học quốc tế “Giải quyết mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế-xã hội: Nhìn từ quản trị vùng và địa phương” do tỉnh Ninh Bình phối hợp với Tạp chí Cộng sản, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức là cơ hội để Ninh Bình tiếp thu các ý kiến chuyên sâu, khách quan, đa chiều từ các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước, quốc tế về giải quyết mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế-xã hội, đóng góp thêm những luận cứ khách quan, khoa học, những bài học kinh nghiệm cho việc hoạch định chính sách để tỉnh Ninh Bình thực hiện thành công các mục tiêu lớn đã đề ra; đồng thời, góp phần tổng kết thực tiễn, những kinh nghiệm từ thực tiễn đề xuất với Trung ương ban hành các chủ trương, chính sách phù hợp.
Sự quan tâm của Ninh Bình
Trải qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, Ninh Bình đã đạt được những thành tựu to lớn, trở thành một tỉnh phát triển khá ở đồng bằng Sông Hồng. Những kết quả phát triển kinh tế-xã hội có tác động lớn đến công tác phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa của tỉnh. Xác định bảo tồn di sản văn hóa để phát triển kinh tế-xã hội là nhiệm vụ quan trọng, công tác trùng tu, tôn tạo di tích, triển khai các đề án bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể được triển khai cẩn trọng, thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật di sản văn hóa và các quy định pháp luật liên quan.
Hàng năm, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí tu bổ chống xuống cấp di tích bằng nguồn ngân sách Nhà nước. Từ năm 2017-2023, đã có 150 lượt di tích được thực hiện tu bổ chống xuống cấp bằng nguồn ngân sách của tỉnh, với tổng kinh phí gần 40 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, từ năm 2018- 2022, đã có 50 lượt di tích được hỗ trợ nguồn vốn đầu tư công để thực hiện tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp, với tổng số vốn đầu tư hơn 189 tỷ đồng. Các dự án về tu bổ, tôn tạo, bảo tồn, phát huy giá trị di tích đã tuân thủ chặt chẽ các quy trình, thủ tục được quy định. Việc trùng tu, tôn tạo được thực hiện nghiêm túc, dưới sự quản lý của các cơ quan chuyên môn, đảm bảo tính nguyên gốc của di tích. Các di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo cơ bản đã khắc phục được tình trạng xuống cấp, đảm bảo an toàn lâu dài cho công trình, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của Nhân dân. Nhiều di tích sau khi được tu bổ đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan trong và ngoài tỉnh, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Ông Nguyễn Đức Hạnh, Thủ từ đền thờ Trương Hán Siêu (thành phố Ninh Bình) cho biết: Đền được xây dựng từ năm 1998, là nơi thờ danh nhân văn hóa Trương Hán Siêumột người con của quê hương Ninh Bình. Trải qua bao mưa nắng, đền thờ đã có nhiều hạng mục xuống cấp. Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền thành phố, trong năm 2018 và năm 2022, đền thờ được tu bổ, nâng cấp nhiều hạng mục nên đã trang khang, sạch đẹp hơn, được nhiều người dân và du khách đến tham quan, chiêm bái.
Điều đáng chú ý là trong những năm gần đây, phong trào xã hội hóa các hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích đã được xã hội tham gia hưởng ứng nhiệt tình. Bình quân mỗi năm, trên địa bàn tỉnh có từ 20-25 di tích thực hiện tu bổ, tôn tạo bằng nguồn xã hội hóa. Nhiều di tích đã nhận được sự ủng hộ, công đức của Nhân dân, có nơi kinh phí ủng hộ lên tới hàng chục tỷ đồng.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường cho biết: Khi bắt tay vào việc thực hiện xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An với diện tích rộng 12.000 ha, Doanh nghiệp rất quan tâm công tác tôn tạo, bảo tồn các di tích lịch sử trong khu vực. Thời gian qua, đã có nhiều di tích xuống cấp trầm trọng được phục dựng, tu bổ, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu thực hành tín ngưỡng, tôn giáo của người dân địa phương cũng như việc tham quan, chiêm bái của du khách…
Trong thực hiện phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa, việc xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị ghi danh các di sản tiêu biểu cũng được tỉnh quan tâm. Tỉnh Ninh Bình đã ban hành và đầu tư triển khai thực hiện một loạt đề án bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể như: Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Hoa Lư (2017-2019); Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2019-2022”; Đề án “Khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật hát Xẩm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2022″… Có thể thấy, đến thời điểm hiện tại, với nguồn lực được tích lũy từ thành quả phát triển kinh tế-xã hội, công tác phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa ở Ninh Bình được quan tâm thực hiện và đạt được nhiều kết quả.
Nhiều gợi mở để văn hóa Ninh Bình phát triển bền vững
Quá trình phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện CNH-HĐH cũng đặt ra nhiều thách thức đối với công tác bảo tồn di sản ở Ninh Bình, như: Các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội chưa quan tâm đúng mức đến việc gắn kết giữa bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; việc phát triển nóng các hoạt động du lịch đã ảnh hưởng đến các khu vực cảnh quan tự nhiên, làm sai lệch các giá trị của di sản; công tác quản lý đất đai, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng tài nguyên trong các khu vực di sản chưa nghiêm, có vi phạm kéo dài chưa xử lý triệt để; công tác nghiên cứu khoa học, nhất là nghiên cứu chuyên sâu về di sản văn hóa còn ít… Bên cạnh đó, với thu nhập xã hội ngày càng cao, việc xã hội hóa công tác bảo quản, tu bổ di tích được đẩy mạnh dẫn đến thách thức không nhỏ cho công tác quản lý, bảo tồn di sản. Sự mai một của các loại hình nghệ thuật truyền thống, các di sản văn hóa phi vật thể đang diễn ra do tác động của quá trình CNH-HĐH…
Trước những khó khăn, thách thức của tỉnh Ninh Bình trong việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế-xã hội, GS.TS Trần Trí Dõi, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm về cách thức phục dựng hiện trạng những di tích có liên quan đến địa danh ở Cố đô Hoa Lư cũng như đề xuất cách thức khai thác giá trị văn hóa truyền thống của những địa danh đó, phục vụ cho hoạt động du lịch của tỉnh Ninh Bình; GS.TS Phạm Hồng Tung, Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra một số khuyến nghị chính sách đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Ninh Bình. Đó là tiếp tục nghiên cứu, làm sáng tỏ vấn đề chủ nhân tác tạo và chủ nhân sở hữu của từng di sản văn hóa; phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản trị di sản…
Đề xuất giải pháp cụ thể để giải quyết mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế-xã hội tại Ninh Bình, GS.TS Lê Hồng Lý, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đưa ra kinh nghiệm “bảo tàng hóa” văn hóa dân gian trong cộng đồng. Giải pháp được đưa ra vì soi vào văn hóa dân gian của tỉnh Ninh Bình, có thể thấy các “bảo tàng sống” như Quần thể danh thắng Tràng An, ngoài giá trị danh thắng và cảnh quan tự nhiên, còn là một bảo tàng văn hóa dân gian với các lễ hội, làng nghề, ẩm thực, tín ngưỡng, phong tục tập quán và tất cả các loại hình văn hóa phi vật thể. Trong không gian tương tự, Ninh Bình với 1.821 di tích đã được kiểm kê sẽ là những “bảo tàng” văn hóa dân gian trong cộng đồng dân cư…
Nhận diện rõ những thế mạnh của Ninh Bình, TS. Phùng Quốc Hiển, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khẳng định những điểm tốt của Ninh Bình là mô hình trong quản trị vùng và địa phương, Ninh Bình hôm nay là bảo tàng về thiên nhiên, lịch sử, văn hóa và xã hội. Do đó, ông đề xuất 4 vấn đề cần quan tâm, đó là: Các di sản văn hóa cần được quy hoạch tổng thể; phải bố trí nguồn lực của Nhà nước, Nhân dân và doanh nghiệp, thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”; làm tốt công tác quản trị vùng, huy động sự vào cuộc của người dân; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần hoàn thiện, sửa đổi Luật Di sản Văn hóa phù hợp với thực tiễn.
Vấn đề liên kết vùng cũng được đặt ra cho phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế-xã hội, PGS. TS Hà Đình Thành, Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng cho rằng: Liên kết vùng cho phục dựng di sản văn hóa là nguồn lực sức mạnh cho sự phát triển kinh tếxã hội của Ninh Bình cũng như Việt Nam. Tỉnh Ninh Bình đã có những hoạt động liên kết vùng hiệu quả như: Chính quyền địa phương đã liên kết, phối hợp với doanh nghiệp để phục dựng, tái dựng không gian chùa Bái Đính; huyện Nho Quan đã tổ chức phục dựng đám cưới truyền thống của đồng bào dân tộc Mường… Đó là cơ sở bước đầu để tỉnh Ninh Bình đẩy mạnh liên kết vùng, nhất là các tỉnh trong vùng đồng bằng Sông Hồng trong phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế-xã hội…
73 bài tham luận gửi về Hội thảo khoa học quốc tế “Giải quyết mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tếxã hội: Nhìn từ quản trị vùng và địa phương” và 22 bài tham luận trực tuyến và trực tiếp trình bày tại Hội thảo đã tiếp cận những khía cạnh khác nhau trong việc giải quyết mối quan hệ giữa phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế-xã hội. GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: Qua Hội thảo đã làm rõ hơn, sâu sắc hơn những giá trị văn hóa hết sức quý báu của tỉnh Ninh Bình và quá trình Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Ninh Bình phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế-xã hội.
Nhìn từ góc nhìn quản trị địa phương, Ninh Bình đã thành công lớn trong việc kết hợp và phát huy sức mạnh của các chủ thể (vai trò của cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp, các đoàn thể và Nhân dân), thành công trong việc phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa, khai thác thành công những tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của phát triển. Qua đó tạo ra những giá trị mới đó là bản sắc Ninh Bình, bản sắc Cố đô, trong đó có những giá trị mang tầm vóc quốc tế.
Để phấn đấu trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ, Ninh Bình còn nhiều việc phải làm. Trong đó, cần cách tiếp cận mới là tiếp cận từ quản trị vùng, làm sao lấy sức mạnh, lấy giá trị văn hóa Ninh Bình hòa vào giá trị văn hóa vùng đồng bằng Sông Hồng để tạo ra giá trị văn hóa mới, nâng tầm văn hóa Ninh Bình. Ninh Bình đang đứng trước một vận hội mới khi có đầy đủ về mặt cơ sở pháp lý, chính trị cũng như tiềm năng về văn hóa vùng đồng bằng Sông Hồng. Nếu làm được việc gắn các di sản văn hóa, gắn quá trình phục dựng, bảo tồn với toàn bộ mạng lưới văn hóa thì văn hóa Ninh Bình còn cất cánh bay xa hơn…
Phan Hiếu