Ngành sản xuất vật liệu xây dựng đang gặp nhiều khó khăn, sản lượng tiêu thụ và doanh thu giảm sút, dẫn đến nguy cơ tác động tới tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp cũng như tăng trưởng kinh tế trong năm 2024.
Tiêu thụ giảm sút
Theo ông Trần Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Xi măng Vicem Tam Điệp: Với tình hình biến động chung của nền kinh tế thế giới cũng như trong nước, từ đầu năm đến nay, Công ty Xi măng Vicem Tam Điệp gặp rất nhiều khó khăn về tiêu thụ sản phẩm. Kết quả sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024: Sản xuất clinker đạt 501.557 tấn, bằng 84,3% so với cùng kỳ năm 2023; sản xuất xi măng đạt 564.775 tấn, bằng 94% so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng tiêu thụ xi măng bằng 93,8% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm của Công ty ước tính lỗ 109 tỷ đồng và dự kiến năm 2024 lỗ 229 tỷ đồng.
Điều này dẫn đến nộp ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm chỉ đạt 8,4 tỷ đồng, bằng 87,9% so với cùng kỳ năm 2023. Khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cũng dẫn đến tiền lương của người lao động năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 giảm 15% so với thực hiện năm 2022.
Nguyên nhân được xác định là do thị trường trong và ngoài nước đều đang thu hẹp. Bên cạnh đó, xu hướng dịch chuyển mạnh sản lượng xi măng bao sang xi măng rời, trong khi đó xi măng bao là dòng sản phẩm đem lại hiệu quả, vì vậy hiệu quả sản xuất, kinh doanh của Công ty suy giảm mạnh.
Đánh giá của Ban Quản lý các KCN tỉnh cũng cho thấy, các sản phẩm kính, xi măng gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ do lượng cung trên thị trường lớn; nhu cầu trong nước thấp; giá điện, than và các nguyên nhiên liệu đầu vào cho sản xuất đều tăng; thị trường bất động sản chững lại, nhiều công trình xây dựng dừng hoạt động.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp xi măng chịu bất lợi khi thuế xuất khẩu clinker tăng từ 5% lên 10%, từ ngày 1/1/2023, không được áp dụng luật thuế giá trị gia tăng. Do đó, trong 6 tháng đầu năm, các nhà máy đều sản xuất cầm chừng, chỉ có 2 nhà máy hoạt động với 100% công suất máy móc thiết bị là Nhà máy xi măng Duyên Hà và Nhà máy Vicem Tam Điệp; còn 3 nhà máy chỉ sử dụng 50% công suất máy móc, thiết bị.
Đồng chí Ngô Minh Kim, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Không chỉ khó khăn ở thị trường trong nước mà thị trường xuất khẩu, ngành sản xuất xi măng nói chung và vật liệu xây dựng nói riêng cũng đang cạnh tranh khốc liệt dẫn đến giá xuất khấu giảm sâu. Với thực trạng cung vượt cầu lớn, giá xi măng, clinker, kính xây dựng… nhiều thời điểm không bù đắp được chi phí, dẫn đến tình trạng hàng tồn kho tăng cao.
Trên thực tế, thị trường bất động sản Trung Quốc chưa có dấu hiệu phục hồi, xi măng Trung Quốc cũng bị dư thừa và dự báo sẽ cạnh tranh với xi măng Việt Nam ở các thị trường như Philippines, Trung Mỹ, Nam Phi…, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam nói chung và của tỉnh Ninh Bình nói riêng.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu xi măng – clinker của tỉnh đạt 193,3 triệu USD, giảm 16,7% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu xi măng – cinker đa phần giảm sút so với năm 2023, như: Công ty cổ phần Vissai chỉ đạt 95 triệu USD, giảm 12,8%, Công ty TNHH Đầu tư và thương mại Nam Phương chỉ đạt 15,4 triệu USD, giảm 42,1%. Thậm chí, có những công ty từ cuối năm 2023 đến hiện tại chưa có đơn hàng xuất khẩu như: Công ty xi măng Hướng Dương, Công ty TNHH MTV Khoáng sản Vôi Việt…
Đẩy mạnh đầu tư công
Phân tích về tình trạng ngành sản xuất vật liệu xây dựng gặp nhiều khó khăn, đồng chí Đinh Đức Hữu, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng: Do tác động của nền kinh tế thế giới nên nhu cầu vật liệu xây dựng trong tỉnh có chiều hướng suy giảm; nhiều công trình, dự án hạ tầng và nhà ở chậm triển khai, phải giãn, hoãn tiến độ. Chi phí cước vận tải tăng làm tăng giá bán vật liệu xây dựng, cộng thêm thị trường nhập ngoại tăng đã tác động đến thị trường vật liệu xây dựng của tỉnh.
Để tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng, ông Trần Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Xi măng Vicem Tam Điệp đã kiến nghị, đề xuất một số biện pháp đế tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhà ở nhằm tăng nhu cầu xi măng trong nước. Đồng thời mong muốn Chính phủ có giải pháp để doanh nghiệp được thụ hưởng các chính sách về thuế, xuất khẩu, hỗ trợ giảm lãi suất vay.
Ông Trần Anh Tuấn cũng cho rằng, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần xem xét, điều hành việc cấp xây mới, mở rộng các dây chuyền tại khu vực, vùng miền đã có mật độ dây chuyền sản xuất xi măng lớn hoặc nằm xa vùng nguyên liệu; có các giải pháp ổn định giá cả, nguồn cung vật liệu xây dựng nhằm kích cầu thị trường xi măng trong nước; tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận các nguồn nguyên liệu sản xuất hợp lý…
Một trong những giải pháp quan trọng không chỉ tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội đó là tỉnh Ninh Bình đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành nghiên cứu, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cũng đang triển khai thực hiện 4 dự án nhà ở xã hội, các dự án này khi hoàn thành dự kiến cung cấp cho thị trường 4.652 căn nhà ở xã hội. Vừa qua, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm; Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Như vậy, giải pháp của tỉnh Ninh Bình đang thực thi là hoàn toàn phù hợp với giải pháp chung mà Bộ Xây dựng đang kiến nghị là đẩy mạnh đầu tư công, kết cấu hạ tầng, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhà ở, tăng sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép với dự án đường bộ cao tốc, sử dụng công nghệ gia cố đất bằng xi măng, tăng cường sử dụng đường bê tông xi măng cho xây dựng nông thôn mới, miền núi, tăng cường tiêu thụ vật liệu xây dựng trong nước…
Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, ông Đỗ Tuấn Việt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kính nổi Hạ Long – CFG cũng mong muốn: Chính phủ, các bộ, ngành sớm có điều chỉnh chính sách thuế để đảm bảo tính cạnh tranh với các nước cùng xuất khẩu, cụ thể điều chỉnh thuế xuất khẩu mặt hàng clinker-xi măng đang ở mức 10% về 0% vì đây là sản phẩm chế biến sâu; sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng theo hướng sản phẩm clinker không thuộc đối tượng khoản 2 Điều 5; để clinker được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% khi xuất khẩu như tiêu thụ trong nước và được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào tương tự như sản phẩm xi măng.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/thao-go-kho-khan-cho-nganh-san-xuat-vat-lieu-xay-dung/d20240626171813877.htm