Truyền thuyết dân gian xưa có câu “Đại Hữu sinh Vương, Điềm Dương sinh Thánh” để nói về huyện Gia Viễn – Vùng đất địa linh đã sinh ra vua Đinh Tiên Hoàng. Tháng 3 này, nhân kỷ niệm 1100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế, người dân trong huyện và du khách thập phương lại có dịp về thăm Khu di tích lịch sử Quốc gia Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng để tưởng nhớ, tri ân công đức của vị anh hùng dân tộc đã có công thống nhất giang sơn, mở nền chính thống.
Tham gia đoàn rước kiệu từ đình Mỹ Hạ (xã Gia Thủy, huyện Nho Quan) về Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, ông Trần Văn Tảo cho biết: Được về dự lễ rước kiệu và dâng hương nhân kỷ niệm 1100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế là niềm vinh dự đối với bản thân tôi. Theo sử sách ghi lại, Gia Thủy là quê hương của thái hậu Dương Vân Nga và cũng là quê ngoại gắn với tuổi thơ của Đinh Bộ Lĩnh. Khi cha mất sớm, Đinh Bộ Lĩnh theo mẹ về ở cạnh đền Sơn Thần trong động, đó chính là đền Long Viên ngày nay và chăn trâu ở khu vực Gia Thủy cũng như Gia Hưng phía bên kia sông Bôi. Đình thờ Đinh Tiên Hoàng và thái hậu Dương Vân Nga được dựng từ thời Tiền Lê, là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Trong đình còn giữ 14 sắc phong của các triều đại phong kiến…
Do đó, về Gia Phương dịp này, người dân Gia Thủy chúng tôi được trở về nơi sinh thành của Đức Vua, cảm nhận được rõ nét truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc đang được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Gia Viễn khắc ghi, trân trọng thông qua nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức nhân dịp này. Trong không khí hướng về kỷ niệm 1100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế, mỗi người dân Gia Thủy chúng tôi luôn tâm niệm sẽ giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu và đóng góp tích cực vào việc gìn giữ giá trị lịch sử, truyền thống của quê hương, dân tộc…
Cùng tham gia lễ rước kiệu nhân kỷ niệm 1100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế với đội rước kiệu đến từ đình Mỹ Hạ, các đội kiệu đến từ các di tích thờ vua Đinh trên địa bàn tỉnh, các đội tế lễ cổ truyền, đội lân, rồng, tham gia đồng diễn “Vũ điệu cờ lau”… đều cùng chung tâm trạng tự hào về truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc, tri ân công lao to lớn của Đinh Tiên Hoàng Đế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Em Hoàng Trâm Anh, học sinh lớp 4D, Trường Tiểu học Gia Phương chia sẻ: Em vinh dự được tham gia đồng diễn “Vũ điệu cờ lau”. Vì đã được học lịch sử địa phương nên em hiểu ý nghĩa của màn đồng diễn chính là diễn lại trò chơi tập trận, lấy bông lau làm cờ của Đinh Bộ Lĩnh thời niên thiếu… Đây là một cách học tập thiết thực, ý nghĩa nhất về lịch sử địa phương mà em được tham gia để thêm hiểu, thêm trân trọng truyền thống lịch sử của cha ông.
Trong ngày diễn ra các nghi thức truyền thống của lễ kỷ niệm 1100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế, những gương mặt mà chúng tôi đã gặp đều ánh lên niềm tự hào trước sự kiện có ý nghĩa trọng đại của quê hương.
Dù tất bật với các công việc chuẩn bị cho lễ dâng hương, ông Đàm Văn Duy, thủ từ Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng vẫn dành cho chúng tôi những giây phút trò chuyện về thân thế, sự nghiệp của vị Vua-người con quê hương Gia Phương.
Thuở nhỏ, Đinh Bộ Lĩnh thường cùng lũ trẻ chăn trâu chơi trò tập trận, lấy bông lau làm cờ. Nhờ có tài chỉ huy lại có chí lớn nên được bạn bè kính phục, suy tôn. Vào năm 968, Đinh Bộ Lĩnh đã thống nhất 12 sứ quân, sáng lập triều Đinh, lên ngôi Hoàng đế, chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc kéo dài, đặt nền thống nhất Quốc gia.
Để tưởng nhớ công ơn to lớn của người anh hùng dân tộc, nhân dân đã xây dựng Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng ở quê hương ông. Ngôi đền được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1993.
Trải qua gần 500 năm thăng trầm, biến thiên của lịch sử, ngôi đền vẫn được nhân dân trân trọng, gìn giữ, tôn tạo. Nhiều hiện vật cổ, quý giá được bảo tồn nguyên vẹn như bức tượng vua Đinh, cỗ kiệu rồng cùng kiến trúc độc đáo, những câu đối phản ánh rõ nét lịch sử làng Đại Hữu và Kinh đô Hoa Lư.
Là thủ từ ngôi đền, ông Đàm Văn Duy rất vui khi thường xuyên được đón học sinh các nhà trường trên địa bàn huyện về tham quan, học tập ngoại khóa, tìm hiểu về truyền thống, lịch sử địa phương. Ngoài ra, du khách từ khắp mọi miền Tổ quốc tìm về dâng hương, chiêm bái tại đền đều một lòng thành kính dâng lên Đức Vua những tình cảm, sự tri ân, biết ơn sâu sắc về vị anh hùng dân tộc đã có công thống nhất giang sơn, mở nền chính thống.
Tròn 1100 năm ngày sinh Đinh Tiên Hoàng Đế, tại chính ngôi đền thờ vị anh hùng dân tộc, huyện Gia Viễn đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, mang tính kết nối và lan tỏa văn hóa như: Hội thi Lễ phẩm dâng vua, hội diễn nghệ thuật quần chúng, chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư năm 2024; các trò chơi dân gian…
Các hoạt động đã diễn ra đảm bảo trang trọng, nội dung phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và có tính giáo dục cao, xứng đáng với vai trò của bậc tiên đế, tiền nhân trong tiến trình lịch sử dân tộc.
Chuỗi các hoạt động được tổ chức nhân dịp này có ý nghĩa nhằm tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của Đinh Tiên Hoàng Đế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc. Đồng thời quảng bá tiềm năng, thế mạnh về kinh tế – xã hội, những nét văn hóa đặc sắc, những danh lam thắng cảnh nổi tiếng về đất và người Gia Viễn.
Thông qua đó cổ vũ, động viên các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tích cực học tập, lao động sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2024, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Phan Hiếu-Minh Quang