Vinh dự 5 lần được đón Bác Hồ về thăm
Những ngày tháng 5 lịch sử, cả nước hướng về kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi tìm về các địa danh ở Ninh Bình nơi Bác Hồ từng về thăm, động viên và nhận thấy rằng, dù Bác đã đi xa, nhưng hình ảnh, những tình cảm của Bác vẫn còn in dấu mãi, bởi với mỗi người dân Ninh Bình: “Bác là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại”…
Trong khoảng 15 năm (1946- 1960), Ninh Bình được vinh dự đón Bác về thăm 5 lần. Lần đầu tiên vào ngày 13/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Giám mục Lê Hữu Từ và đồng bào Phát Diệm, huyện Kim Sơn. Khi nói chuyện với đồng bào, Người căn dặn: “Mọi người Việt Nam dù là Công giáo hay không Công giáo, Phật giáo hay không Phật giáo, phải đấu tranh cho nền độc lập của nước nhà”. Người nói với đồng bào Công giáo rằng: “Đức Chúa đã hy sinh vì nhân loại, người vì loài người mà hy sinh phấn đấu, còn chúng ta thì hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc. Kính Chúa nhưng phải yêu nước. Nước không được độc lập thì tôn giáo không được tự do, nên chúng ta phải làm cho nước độc lập đã”.
Lần thứ hai vào ngày 10/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về dự và chủ trì Hội nghị Điền chủ toàn tỉnh Ninh Bình tại xã Lạng Phong, huyện Nho Quan do Bộ Canh Nông tổ chức, giữa lúc cuộc kháng chiến, kiến quốc chống thực dân Pháp diễn ra cam go, quyết liệt. Hội nghị được tổ chức tại nhà ông Quách Đình Hy (Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính xã Lạng Phong).
Lần thứ ba vào ngày 15/3/1959, Bác đã về thăm hỏi, động viên Nhân dân xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh hăng hái lao động, chống hạn cứu lúa. Cũng trong năm 1959, vào tháng 10, Chủ tịch Hồ Chí Minh về dự Hội nghị sản xuất vụ Đông-Xuân (1959-1960) tỉnh Ninh Bình.
Lần cuối cùng Bác về thăm Ninh Bình là ngày 20/7/1960, sau khi thăm một số nông trường quốc doanh ở Nghệ An, Thanh Hóa, trên đường về Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ đã tới thăm nông trường Đồng Giao, thị xã Tam Điệp (nay là thành phố Tam Điệp).
Mỗi lần Bác về thăm Ninh Bình là một vinh dự to lớn, là niềm vui chung đối với người dân tỉnh Ninh Bình. Đó không chỉ thể hiện tình cảm, sự quan tâm ân cần, sâu sắc của Bác mà còn là những nhiệm vụ cách mạng quan trọng mà Bác mong muốn, hi vọng Đảng bộ và Nhân dân Ninh Bình tập trung thực hiện. Trong đó, quan điểm chung mà Người luôn nhấn mạnh, nhắc nhở cán bộ, đảng viên và Nhân dân Ninh Bình, đó là phải đoàn kết toàn dân, đoàn kết trong Đảng và ngoài Đảng, đoàn kết lương giáo; đoàn kết chặt chẽ để thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.
Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi
Chúng tôi về xã Lạng Phong (Nho Quan)-nơi vinh dự được chọn là địa điểm đón Bác Hồ về thăm và chỉ đạo Hội nghị điền chủ (ngày 10/2/1947). Dẫn chúng tôi đi thăm Nhà bia tưởng niệm Bác Hồ được xây dựng ngay trên mảnh đất trước kia là khu đất của gia đình ông Quách Đình Hy, ông Quách Đình Phượng tự hào nói: Gia đình tôi luôn tự hào vì có bác ruột là ông Quách Đình Hy-một trong những người được trực tiếp tham gia hội nghị điền chủ năm đó.
Năm 2011, Nhà bia tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng, tôi vinh dự được lựa chọn là người trông coi khu tưởng niệm. Hàng ngày, tôi thực hiện chăm sóc cây xanh, dọn vệ sinh môi trường và hương khói, đảm bảo khu tưởng niệm luôn được khang trang, ấm cúng. Tôi luôn tâm niệm, thực hiện nhiệm vụ này vừa là trách nhiệm của những người con, cháu trong gia đình, dòng tộc đối với Bác Hồ kính yêu. Từ đó đóng góp công sức nhỏ bé của mình trong việc bảo tồn, đưa di tích trở thành “địa chỉ đỏ”, tưởng nhớ, tri ân vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, góp phần giáo dục, nhắc nhở các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ không ngừng học tập, phát huy truyền thống cách mạng của quê hương.
Đồng chí Lê Thị Hoa, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Lạng Phong cho biết: Năm 2012, di tích Nhà bia tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được UBND tỉnh công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đây là nơi mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân huyện Nho Quan nói chung, xã Lạng Phong nói riêng tưởng nhớ về Bác, báo công với Bác mỗi dịp lễ, Tết hay sinh nhật Bác, ngày Quốc khánh… Mỗi lần đến đây dâng hương tưởng niệm, chúng tôi đều “tự soi, tự sửa”, học tập và làm theo lời Bác, nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, quyết tâm, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Một trong những minh chứng rõ nét đó là năm 2014, Lạng Phong là xã đầu tiên của huyện Nho Quan về đích xây dựng nông thôn mới. 8 năm sau (năm 2022), xã Lạng Phong được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đến nay, xã đã có 3/9 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu…
Cùng với Lạng Phong, khắp các địa phương trong tỉnh Ninh Bình đã và đang khắc ghi lời dạy của Bác, luôn đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành nhiều thành tựu to lớn. Đặc biệt, sau hơn 30 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình đã đoàn kết, nỗ lực, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thực hiện nhất quán, hiệu quả định hướng phát triển kinh tế “xanh và bền vững”, lấy bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa-lịch sử cùng truyền thống tốt đẹp của con người vùng đất Cố đô làm nguồn lực và động lực phát triển. Nhờ vậy, Ninh Bình đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. Nổi bật là kinh tế liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Năm 2023, GRDP của tỉnh đạt 53.389,8 tỷ đồng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 16.431 tỷ đồng, từ năm 2022 tỉnh Ninh Bình đã tự cân đối ngân sách, có điều tiết về ngân sách Trung ương (9%).
Nền kinh tế của tỉnh đã hình thành được một số ngành, sản phẩm chủ lực, tiêu biểu là: Công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, điện tử, công nghiệp phụ trợ, với đầu tầu là Liên doanh Hyundai-Thành Công sản xuất, lắp ráp ô tô với công suất thiết kế 195.000 xe/năm, đưa Ninh Bình trở thành 1 trong 3 trung tâm sản xuất ô tô lớn của cả nước (cùng với tỉnh Quảng Nam và thành phố Hải Phòng).
Trong năm 2023, toàn tỉnh ước đón 6,5 triệu lượt khách, tăng 1,7 lần so với cùng kỳ năm trước, doanh thu đạt 6.516,2 tỷ đồng. Trong 4 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đón trên 4,9 triệu lượt khách, gấp 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2023; doanh thu đạt trên 4.621,2 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Đời sống Nhân dân không ngừng được cải thiện, tăng cao. Quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng, góp phần quảng bá đất và người Ninh Bình đến bạn bè quốc tế.
Tháng 5 nhớ Bác, mỗi cán bộ, đảng viên, Nhân dân Ninh Bình nguyện tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, đóng góp nhiều hơn, xây dựng đất nước ta đoàng hoàng hơn, to đẹp hơn như di nguyện của Bác.
Bài, ảnh: Mai Lan