Ngồi nhà có thể tham quan bảo tàng? Điều này nghe có vẻ hết sức phi lý nhưng đó là sự thật. Với việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo sống động nhất hiện nay, Bảo tàng Ninh Bình giúp du khách và người dân tham quan các gian trưng bày cũng như tìm hiểu các hiện vật lịch sử tại Bảo tàng thông qua việc ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quản lý, bảo vệ di sản.
Cùng nhóm du khách đến từ huyện Kim Sơn vào tham quan Bảo tàng Ninh Bình, lần đầu tiên chúng tôi được tìm hiểu các hiện vật lịch sử theo một cách khác biệt. Theo bàn tay nhấp chuột của cán bộ Bảo tàng Ninh Bình, ngồi tại văn phòng nhưng chúng tôi đã được tham quan một vòng các phòng trưng bày hiện vật tại đây. Theo mũi tên chỉ dẫn trên màn hình, công nghệ thực tế ảo đã đưa chúng tôi đi từ gian khánh tiết lên đến tầng 2 là nơi trưng bày đá chủ quyền Quần đảo Trường Sa; Ninh Bình trong kháng chiến chống Mỹ; Ninh Bình trong kháng chiến chống Pháp rồi lên tầng 3- nơi trưng bày điều kiện tự nhiên, thiên nhiên tỉnh Ninh Bình, Kinh đô Hoa Lư thế kỷ X.
Tại mỗi khu vực trưng bày, theo mỗi cú nhấp chuột, người xem có thể dừng lại tại bất kỳ một hiện vật nào để ngắm kỹ, tìm hiểu sâu về hiện vật đó rồi lại tiếp tục di chuyển sang những khu vực khác.. Đồng hành cùng “chuyến” tham quan chính là giọng thuyết minh của thuyết minh viên Bảo tàng đã được ghi âm lại và cài đặt…
Ông Trần Văn Kính (thị trấn Phát Diệm, Kim Sơn) chia sẻ: Biết được ứng dụng công nghệ số hiện đại như này, tôi sẽ về kể chuyện cho bạn bè, con cháu biết để cần tìm hiểu thông tin gì thì ngồi nhà nhấp chuột cũng có thể nắm bắt được…
Trao đổi với đồng chí Lê Thị Minh Trang, Phòng Trưng bày tuyên truyền, Bảo tàng Ninh Bình được biết: Website của Bảo tàng Ninh Bình được triển khai xây dựng từ năm 2022 theo chương trình chuyển đổi số của tỉnh, từ đó đến nay, số lượng truy cập ngày càng tăng, thu hút nhiều người theo dõi. Để Website hoạt động hiệu quả, cán bộ, nhân viên Bảo tàng tích cực tìm kiếm thông tin, cập nhật hình ảnh về hoạt động để bạn đọc cảm thấy có sự đổi mới của Bảo tàng. Đồng thời, có sự phối hợp với các phòng, ban với nhau để đưa thông tin về hiện vật một cách chính xác nhất. Cán bộ Bảo tàng cũng có sự liên kết, tìm tòi về nội dung giữa các ngành khác để đưa ra các thông tin mang tính thời sự nhất.
Không chỉ tìm thấy các hoạt động của Bảo tàng tại trang web, khi truy cập vào tính năng VRTOUR360, mọi người sẽ được trải nghiệm, cập nhật công nghệ thực tế ảo sống động nhất hiện nay để tìm hiểu chi tiết hơn về hiện vật, nhất là hiện vật sử dụng công nghệ 3D.
Đồng chí Nguyễn Xuân Khang, Giám đốc Bảo tàng Ninh Bình cho biết thêm: Trong những năm qua, hoạt động chuyển đổi số tại Bảo tàng Ninh Bình được thực hiện hiệu quả, góp phần vào công tác quản lý và phát huy giá trị các hiện vật đang lưu giữ tại Bảo tàng cũng như phục vụ nhu cầu tham quan của người dân và du khách một cách hiện đại, thuận tiện.
Để phát huy giá trị các di sản, thông qua Website của Bảo tàng, du khách có thể tham quan Bảo tàng thông qua tính năng VRTOUR360 bằng máy tính hoặc điện thoại. Truy cập vào tính năng này, để tìm hiểu những thông tin, hình ảnh, hiện vật của Bảo tàng, du khách có thể dễ dàng tham khảo, nghiên cứu thông qua các hình ảnh được thể hiện sống động, hấp dẫn với đầy đủ các thông tin.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số còn giúp công tác bảo quản, quản lý, sắp đặt, trưng bày đối với các tài liệu, hiện vật được thực hiện khoa học, giúp việc tra cứu giảm tải thời gian, công sức. Thông qua chuyển đổi số, các tài liệu, hiện vật khi được sưu tầm về đã được số hóa, phục vụ đắc lực cho cán bộ nghiên cứu, nhà nghiên cứu của địa phương và Trung ương trong việc tìm hiểu thông tin, hình ảnh của tài liệu, hiện vật một cách nhanh chóng, khoa học.
Ở góc độ quản lý, chuyển đổi số giúp cán bộ Bảo tàng thực hiện hiệu quả 6 khâu công tác: nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị của di sản một cách khoa học, kịp thời, nhanh chóng. Bên cạnh đó, việc bảo lưu những giá trị nguyên gốc ban đầu của hiện vật được thực hiện khoa học, giúp biết được tài liệu, hiện vật ở thời điểm sưu tầm như thế nào.
Đặc biệt, chuyển đổi số cũng tác động lớn đến sự thụ hưởng của cộng đồng khi du khách tham quan trực tiếp tại Bảo tàng, không cần sử dụng hệ thống thuyết minh trực tiếp, chỉ cần quét mã QR đính kèm tại các hiện vật cũng có thể tìm hiểu kỹ về hiện vật. Còn nếu không có điều kiện đến tham quan trực tiếp, du khách có thể tìm hiểu qua tính năng VRTOUR360 tại Website của Bảo tàng Ninh Bình.
Năm 2023, Bảo tàng đã đón tiếp và hướng dẫn 19.703 lượt khách tham quan và học sinh, trong đó có 234 lượt khách quốc tế. Nhiều du khách khi đến Bảo tàng đã được ứng dụng hiệu quả công nghệ số để tham quan, khám phá thông qua mã QR đính kèm tại các khu vực cũng như hiện vật, hay sử dụng màn hình tại các gian trưng bày…
Để phục vụ tốt hơn nhu cầu tham quan, tìm hiểu của người dân và du khách, thời gian tới, Bảo tàng Ninh Bình sẽ đầu tư nhân lực, trí tuệ để củng cố, phát triển hơn trang thông tin điện tử, bổ sung thêm hình ảnh, tài liệu hiện vật mới sưu tầm, làm giàu có hơn các hiện vật đã số hóa, cập nhật thường xuyên các hoạt động của Bảo tàng… nhằm tăng tính hấp dẫn đối với khách tham quan và góp phẩn vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản.
Bài, ảnh: Bùi Diệu