Gia đình bà Nguyễn Thị Thơm ở xã Hùng Tiến (huyện Kim Sơn) thuộc diện hộ nghèo. Bà Thơm nghèo bởi cả hai vợ chồng bà mang nhiều bệnh tật, ốm đau quanh năm. Ở tuổi ngoài 60, lại phải đối diện với quá nhiều thử thách trong cuộc sống, bà Thơm không dám nghĩ tới ngày gia đình thoát nghèo. Cả hai vợ chồng bị biến chứng của bệnh tiểu đường, chồng bà bị nặng hơn, hiện đã bị cắt mất một chân do hoại tử. Người đàn ông vốn là trụ cột trong nhà ấy giờ là một người khuyết tật đặc biệt, không còn khả năng lao động. Bà Thơm trở thành chỗ dựa của chồng, nhưng vì bản thân mang nhiều bệnh, bà cũng không thể làm các công việc nặng nhọc để mưu sinh. Nguồn sống của gia đình trông vào khoản tiền trợ cấp gần 800 nghìn đồng của ông và khoản tiền nhỏ từ việc đan lát của bà. Tuổi cao, sức khỏe càng kém đi, hai vợ chồng bà lại không có con cái, đành nương tựa vào nhau.
Theo chân một nhà tài trợ tới thăm, tặng quà gia đình bà Thơm vào những ngày giáp Tết mới thấy hết được những nhọc nhằn mà vợ chồng bà phải trải qua. Bà Thơm vừa phục vụ chồng, vừa tất bật chăm bẵm đàn gà được địa phương hỗ trợ trong năm nhằm giúp vợ chồng bà cải thiện chất lượng cuộc sống. Bà Thơm chia sẻ: Những năm qua, trong hành trình vươn lên, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm thiết thực của Nhà nước, của tỉnh, chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm, nhất là khi năm mới cận kề. Chúng tôi rất trân trọng những món quà tết này, không chỉ giúp vợ chồng tôi có điều kiện sắm sửa, chuẩn bị đón Tết đầy đủ hơn, mà qua đó còn thể hiện sự quan tâm, đùm bọc của cộng đồng.
Ông Vũ Công Trí, Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Tiến chia sẻ: Những năm qua, địa phương có nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho Nhân dân. Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tăng cả về chất lượng và số lượng, tạo chuyển biến tích cực về cơ cấu kinh tế địa phương. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 2,6%. Trong đó, phần nhiều là đối tượng neo đơn, ốm đau, gặp rủi ro…
Tết Nguyên đán Giáp Thìn, với phương châm mọi người, mọi nhà đều được vui xuân, đón Tết đầm ấm, đủ đầy, cùng với các nguồn lực hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, địa phương cũng trích từ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa và An sinh xã hội” để hỗ trợ trên 100 hộ là người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với tổng kinh phí trên 100 triệu đồng. Về lâu dài, địa phương sẽ quyết tâm thực hiện có hiệu quả. Trong đó, xác định phải làm thật tốt công tác rà soát để nắm vững nguyên nhân nghèo, hoàn cảnh của từng hộ nghèo, từ đó đề xuất các giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Trong năm 2024, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, của huyện, xã Hùng Tiến cũng sẽ nắm bắt và thực hiện có hiệu quả các Dự án giảm nghèo theo Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tạo đà để người nghèo vươn lên. Những ngày giáp Tết, các cán bộ, tình nguyện viên chữ thập đỏ của huyện Yên Khánh cũng rất tất bật với việc vận động, kết nối các tấm lòng hảo tâm, tạo nguồn lực để tặng quà cho người nghèo đón Tết.
Ông Đỗ Quang An, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Yên Khánh cho biết: năm nào cũng vậy, mỗi độ Tết đến, Xuân về là dịp để nhiều tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm thể hiện tình cảm, sự yêu thương và chia sẻ đối với người nghèo. Với vai trò là “cầu nối” giữa những tấm lòng hảo tâm đến với người nghèo, Hội Chữ thập đỏ các cấp đã tiến hành khảo sát nhu cầu đối tượng cần giúp đỡ trong dịp Tết, từ đó xây dựng kế hoạch hỗ trợ phù hợp. Bên cạnh đó, Hội cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, người tình nguyện, các nhà hảo tâm, công ty, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội ủng hộ gạo, bánh kẹo, quần áo, thực phẩm thiết yếu… để thăm hỏi và trao tặng cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Hội Chữ thập đỏ các cấp trên địa bàn huyện phấn đấu vận động 1 nghìn suất quà cho hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn… Hiện nay, đã có nhiều tổ chức, cá nhân đăng ký đồng hành cùng chương trình Tết Nhân ái trên địa bàn huyện Yên Khánh. Các hoạt động trao quà bắt đầu được triển khai từ đầu tháng Chạp và đang diễn ra sôi động ở thời điểm hiện tại. Mới đây, Hội Chữ thập đỏ huyện đã kết nối để Công ty TNHH Một thành viên xổ số kiến thiết Ninh Bình thăm và tặng quà cho 50 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn.
Là một trong số 50 đối tượng được nhận quà từ Công ty TNHH Một thành viên xổ số kiến thiết Ninh Bình, anh Nguyễn Xuân Trường (xã Khánh Lợi) rất phấn khởi. Anh Trường là người khuyết tật, nhưng gánh vác trên vai trách nhiệm của người chồng, người cha của hai đứa con đang tuổi đến trường. Anh Trường tâm sự: Tôi là người khuyết tật, đi lại rất khó khăn. Vì vậy, gánh nặng mưu sinh hoàn toàn do vợ gánh vác. Sinh hoạt của cả gia đình chỉ biết trông chờ vào mấy sào ruộng và việc làm thêm của vợ. Mỗi độ Tết đến, Xuân về là thời điểm bản thân tôi có nhiều nỗi niềm nhất. Bởi lẽ, là người đàn ông của gia đình nhưng tôi lại không thể mang lại một cái Tết đủ đầy cho vợ con. Bao năm qua, những hoàn cảnh như gia đình tôi đều được nhận sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ của các nhà hảo tâm bằng những món quà ý nghĩa, thiết thực. Cuộc sống dẫu còn đó những nhọc nhằn, nhưng tôi tin rằng với sự khích lệ, hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh và sự yêu thương, đùm bọc của cộng đồng, chúng tôi sẽ tích cực vươn lên.
Được nhận quà tặng trong chương trình “Tết Nhân ái” do Hội Chữ thập đỏ huyện và các nhà tài trợ tổ chức còn có 15 hội viên người mù huyện Yên Khánh. Bà Trịnh Thị Mai, Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Yên Khánh cho biết: hiện nay, Hội người mù huyện có 208 hội viên, khoảng 60% trong số đó đã lập gia đình, trở thành trụ cột kinh tế trong nhà. Những năm qua, Huyện hội đã có nhiều nỗ lực nhằm đưa nghề phù hợp về cho hội viên như: xoa bóp, bấm huyệt, làm tăm… để hỗ trợ hội viên có việc làm, cải thiện chất lượng cuộc sống. Đồng thời, quản lý chặt chẽ, hướng dẫn hội viên sử dụng nguồn vốn vay giải quyết việc làm đúng mục đích, với tổng số tiền 596 triệu đồng cho 20 hội viên vay đầu tư vào chăn nuôi trâu, bò sinh sản, gia cầm và làm dịch vụ buôn bán… Tuy vậy, nhìn chung cuộc sống của người khiếm thị vẫn còn nhiều khó khăn.
Hiện nay, toàn Hội vẫn còn trên 10 hộ thuộc diện hộ nghèo. Năm nào cũng vậy, dịp Tết Nguyên đán là thời điểm mà người khiếm thị nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ của các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm, đảm bảo 100% hội viên đều nhận được quà Tết.
Với mục tiêu không để một hộ nghèo nào không có Tết, ngay từ cuối năm 2023, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các địa phương, sở, ban, ngành, đoàn thể tập trung mọi nguồn lực, vận động các doanh nghiệp, các tổ chức cùng chung tay chăm lo Tết cho người nghèo.
Năm nay, tỉnh ta đã trích kinh phí hàng chục tỷ đồng để tặng quà cho người có công; người nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn đón Tết. Trong đó, hỗ trợ 50 hộ nghèo khó khăn đột xuất với mức quà và tiền mặt là 2,5 triệu đồng/hộ; hỗ trợ hộ nghèo với mức 500 nghìn đồng/hộ và 400 nghìn đồng/hộ cận nghèo. Cùng với đó, tỉnh ta còn dành nguồn kinh phí lớn khác để hỗ trợ các đối tượng như: Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội; Trung tâm phục hồi tâm thần huyện Yên Mô; Trường Giáo dưỡng số 2; Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Ninh Bình…
Cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, các địa phương cũng chủ động thực hiện nhiều hoạt động chăm lo cho người có công, người nghèo. Đã thành nét đẹp truyền thống, mỗi độ Tết đến, Xuân về cũng là dịp được chứng kiến nhiều hành động đẹp, ấm áp nghĩa tình của các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Việc chung tay chăm lo Tết cho người nghèo cũng đã thu hút sự hưởng ứng, tham gia của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm… với hàng nghìn suất quà cho hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Có thể thấy, với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, ban, ngành, tổ chức xã hội, những nhà hảo tâm, bằng nhiều hoạt động thiết thực chăm lo Tết cho người nghèo, đối tượng chính sách, tin rằng, mọi người, mọi nhà sẽ đón một cái Tết cổ truyền đầm ấm, an vui. Hơn thế, những tình cảm của cộng đồng còn thể hiện niềm tin, nguồn động viên to lớn để người nghèo bắt đầu năm mới với một khởi đầu mới nhiều lạc quan và kiên cường.
Đào Hằng