Qua 8 ngày trải nghiệm như những người lính thực thụ tại Lữ đoàn Tăng thiết giáp 202 (xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan), 84 “chiến sỹ nhí” tham gia chương trình “Học kỳ trong quân đội” đã có hành trình trưởng thành đầy ý nghĩa.
5 giờ sáng tại Tiểu đoàn Xe tăng 66, khi tiếng kẻng báo thức vang lên, 84 “chiến sỹ nhí” nhanh chóng ra khỏi giường, có mặt tại sân tập thể dục. Sau khi hoàn thành các bài tập thể dục buổi sáng, các em trở về phòng gấp nội vụ, vệ sinh cá nhân. Thời gian đầu còn nhiều bỡ ngỡ, lúng túng nhưng sau 3 ngày rèn luyện, các “tân binh” nhí dần thích nghi với nền nếp sinh hoạt trong quân đội và vô cùng hào hứng với những trải nghiệm mới mẻ này.
Cẩn thận vuốt đi vuốt lại tấm chăn, màn thật vuông vức, em Nguyễn Lê Đức Anh (lớp 8, ở xã Phú Long, Nho Quan) chia sẻ: “Ngày đầu tiên bước chân vào môi trường Quân đội, mọi việc từ dậy sớm, vệ sinh cá nhân, rửa bát, giặt quần áo, hành quân… đều là thử thách với em. Lúc đầu, em gấp chăn không đẹp, màn thì nhăn nhúm. Sau đó với sự chỉ bảo tận tình của các anh, em mới xếp được chăn màn vuông thành, sắc cạnh”.
Đức Anh tham gia “Học kỳ trong quân đội” vì em ngưỡng mộ và ước mơ trở thành chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam. Từ chương trình, em được trải nghiệm các chế độ sinh hoạt, hoạt động huấn luyện như một người lính thực thụ, tìm hiểu các loại vũ khí, thiết bị của quân đội. Những bài học, những chuyến hành quân dã ngoại giúp em hiểu và tự hào hơn về quê hương, Tổ quốc, về lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Với “chiến sĩ nhí” Đào Thị Bích Ngọc (lớp 7, huyện Hoa Lư), “Học kỳ trong quân đội” là một hành trình em vượt qua nhiều giới hạn của bản thân. Bích Ngọc là con một trong gia đình nên luôn được yêu thương, chiều chuộng, mọi việc trong nhà đều do ông bà, bố mẹ hỗ trợ em.
Lần đầu tiên sinh hoạt, tập luyện trong môi trường tập thể, Ngọc khép mình, chưa dám mạnh dạn giao lưu cùng các bạn. Hiểu được tâm lý của Ngọc và một số bạn nữ, buổi tối đầu tiên, Thiếu tá Đỗ Thị Thanh Lụa, cán bộ phụ trách đội nữ dành thời gian để các em giao lưu, trò chuyện. Sự quan tâm, cởi mở từ các anh chị, các bạn giúp Ngọc làm quen, hòa nhập tốt hơn. Khi ấy, cuộc sống của một “chiến sĩ nhí” đã thực sự bắt đầu với Ngọc. Em vui vẻ, tự tin chia sẻ cùng mọi người, tích cực tham gia các hoạt động của học kỳ bằng niềm hăng say, hứng khởi.
“Bây giờ em đã biết rửa bát đũa, tự giặt, phơi quần áo và gấp chăn màn rồi. Những việc trước kia đều được bố mẹ hỗ trợ nhưng giờ em có thể tự làm, em thấy rất vui và tự hào. Chương trình cũng giúp em có thêm nhiều người bạn mới, em không còn rụt rè hay e ngại khi gặp người lạ nữa”, Ngọc hào hứng khoe.
Trong thời gian hơn 1 tuần tham gia “Học kỳ trong quân đội”, 84 “chiến sĩ nhí” được chia thành 5 tiểu đội và phải chấp hành giờ giấc sinh hoạt, tập luyện theo đúng quy định trong môi trường quân ngũ. Các em được tham gia nội dung huấn luyện chiến sĩ mới như: điều lệnh, đội ngũ quân đội, tìm hiểu về súng Tiểu liên AK, các tư thế, động tác cơ bản trong chiến đấu, trải nghiệm hành quân…
Ngoài nội dung huấn luyện, chương trình còn lồng ghép nhiều kỹ năng sống bổ ích cho các thanh, thiếu nhi. Anh Lê Hồng Phúc, Trưởng phòng Kỹ năng, Trung tâm Thanh, thiếu nhi tỉnh thông tin: “Chương trình “Học kỳ trong quân đội” tỉnh Ninh Bình năm 2024 do Tỉnh đoàn phối hợp với Lữ đoàn Tăng thiết giáp 202 triển khai, giao cho Trung tâm Thanh, thiếu nhi tỉnh phụ trách và tổ chức. Thông qua chương trình, các em được giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, rèn tính tự lập, tự tin, mạnh mẽ, bản lĩnh, kỷ luật, trách nhiệm, có ý chí, yêu thương gia đình. Những kỹ năng sống được trang bị trong học kỳ như kỹ năng sinh hoạt tập thể, kỹ năng tự chăm sóc bản thân… sẽ giúp các em phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ”.
Chị Đinh Thị Thùy (thành phố Tam Điệp) đăng ký cho con là Đinh Xuân Đức tham gia “Học kỳ trong quân đội” với mong muốn con tự tin, bản lĩnh, tự lập hơn. Chị Thùy cảm nhận rõ sự thay đổi của con sau khi tham gia chương trình.
“Trở về từ học kỳ, Đức hào hứng chia sẻ với gia đình những kỷ niệm của con trong môi trường quân ngũ. Tôi nhận thấy con hoạt bát, năng động hơn, cháu tự giác phụ bố mẹ làm việc nhà, tự giác trong các sinh hoạt cá nhân. Chương trình rất ý nghĩa và tôi sẽ tiếp tục cho con tham gia vào năm tới”, chị Thùy cho biết.
“Học kỳ trong Quân đội” năm 2024 đã khép lại trong những cái ôm, sự tiếc nuối và cả những giọt nước mắt của 84 “chiến sỹ nhí”. Những ngày học tập, rèn luyện trong môi trường Quân đội là hành trình trưởng thành, khám phá bản thân đầy ý nghĩa, thổi luồng gió mới, tác động tích cực đến suy nghĩ và nhận thức của các em thanh, thiếu nhi.
Hồng Minh-Trường Giang