Vụ Mùa năm nay, toàn tỉnh gieo cấy hơn 31 nghìn ha lúa. Hiện, trà Mùa sớm đang ở giai đoạn đòng đến trỗ bông, trà Mùa muộn giai đoạn đẻ nhánh đến đẻ nhánh rộ và đã xuất hiện một số loại sâu bệnh, có khả năng gây hại rộng.
Thời điểm này, HTX Liên Phương (xã Yên Nhân, huyện Yên Mô) đang là “điểm nóng” của rầy, ngoài ra sâu đục thân hai chấm, khô vằn cũng đã xuất hiện rải rác. Do vậy, bà con nông dân đang tập trung ra đồng phun thuốc phòng trừ sâu bệnh bảo vệ lúa.
Gieo cấy 2 mẫu lúa, hai ngày nay ông Tống Văn Tụng (xóm Trung) liên tục có mặt ngoài đồng để khẩn trương phun trừ sâu bệnh cho ruộng lúa của gia đình. Ông chia sẻ: “Lúa mùa năm nay rất đẹp và đồng đều nhưng sâu bệnh khá nhiều. Ngay sau khi HTX thông báo tình hình sâu bệnh và lịch phun, tôi đã sắp xếp công việc, mua thuốc về phun ngay từ ngày đầu tiên HTX phát động chiến dịch. Đây là giai đoạn quan trọng trong sinh trưởng của lúa nên không thể lơ là”.
Ông Trần Ngọc Tú, Giám đốc HTX Liên Phương cho biết thêm, do toàn bộ 235 ha lúa của HTX giữ được nguyên vẹn an toàn qua đợt mưa lớn cuối tháng 7 nên đến thời điểm này lúa đã chuẩn bị trỗ, sớm hơn các địa phương khác khoảng 10 ngày, chính vì thế, sâu bệnh cũng phát sinh sớm hơn. HTX đã thông báo cho nhân dân đồng loạt ra quân phun thuốc phòng trừ từ ngày 26 đến ngày 28/8, tập trung đối tượng chính là rầy và khô vằn, kết hợp phun thuốc trừ sâu cuốn lá nhỏ ở những ruộng có mật độ sâu trên 20 con/m2.
Đồng thời cử cán bộ phụ trách bám đồng, bám ruộng, kiểm tra hướng dẫn bà con nông dân phun thuốc đảm bảo nguyên tắc “4 đúng” là: đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng-nồng độ và đúng cách. Cùng với đó, HTX nông nghiệp cũng chú trọng diệt chuột, điều tiết nước hợp lý, đảm bảo đủ nước cho cây lúa làm đòng, trỗ bông và phục vụ công tác phòng trừ sâu bệnh.
Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, qua điều tra tình hình sinh vật gây hại trên đồng ruộng cho thấy một số đối tượng đang phát sinh và có khả năng gây hại rộng trên các trà lúa. Cụ thể: Sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 gây hại rải rác, mật độ trung bình 6 con/m2, nơi cao 10-15 con/m2, cá biệt trên 50 con/m2, tập trung nhiều ở các huyện Yên Mô, Yên Khánh, Hoa Lư, thành phố Ninh Bình.
Rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 5 cũng đang gây hại rải rác trên các trà lúa, mật độ rầy phổ biến từ 100-150 con/m2; nơi cao 300-500 con/m2, cá biệt có những ổ 700-1.000 con/m2, tập trung ở các huyện Nho Quan, Yên Mô, Yên Khánh. Hiện tại trứng rầy lứa 6 đã xuất hiện, mật độ nơi cao 300-500 quả/m2; cá biệt trên 1.000 quả/m2.
Ngoài ra, còn có đối tượng sâu đục thân lúa hai chấm: Bướm sâu đục thân 2 chấm lứa 5 bắt đầu ra rộ, mật độ nơi cao: 0,03-0,05 con/m2; cá biệt: 0,1-0,2 con/m2 ở các huyện Yên Mô, Nho Quan, Hoa Lư.
Đáng lưu ý hơn là hiện nay bệnh lùn sọc đen, qua kết quả giám định mẫu rầy lưng trắng, mẫu lúa ở các huyện: Kim sơn, Yên Khánh, Yên Mô, Nho Quan đã phát hiện 90 mẫu dương tính với virus lùn sọc đen. Ngoài ra, bệnh đốm sọc vi khuẩn xuất hiện và gây hại trên trà mùa sớm; chuột hại, bệnh khô vằn tiếp tục hại tăng trên các trà lúa; lúa cỏ xâm hại cục bộ.
Thạc sỹ Nguyễn Thị Nhung, Trưởng phòng Nghiệp vụ Kỹ thuật, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cảnh báo: Thời gian tới, bướm sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 sẽ ra rộ từ ngày 22/8-2/9. Sâu non sẽ nở rộ từ ngày 28/8-8/9, gây hại rộng trên các trà lúa. Đặc biệt, hại nặng trên trà lúa Mùa sớm và Mùa trung. Nếu không phát hiện và phun trừ kịp thời, nhiều diện tích sẽ bị hại nặng làm sơ trắng lá, ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa. Bướm sâu đục thân lúa hai chấm lứa 5 tiếp tục ra rộ đến ngày 10/9, sâu non nở rộ từ 25/8-17/9, gây hại trên các trà lúa, nhất là những diện tích trỗ sau ngày 5/9. Quy mô, mức độ hại cao hơn so với vụ Mùa 2023.
Ngoài ra, mật độ rầy nâu, rầy lưng trắng cũng sẽ tăng nhanh nếu không phun trừ kịp thời rầy sẽ làm đỏ lúa hoặc gây cháy ổ trên trà lúa Mùa sớm ở giai đoạn chắc xanh. Bên cạnh đó, nguy cơ lây lan gây hại của bệnh lùn sọc đen cũng rất cao.
Để đảm bảo sản xuất vụ Mùa 2024 giành thắng lợi, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh đề nghị các địa phương, HTX tổ chức điều tiết nước hợp lý, bón thúc sớm phân kali cho trà lúa đang ở giai đoạn phân hóa đòng, tạo điều kiện cho cây lúa khỏe, tăng khả năng chống chịu với các đối tượng sinh vật gây hại, đặc biệt là bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phân rõ các trà lúa, diện tích nhiễm, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, diễn biến các đối tượng sinh vật gây hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời khi tới ngưỡng.
Hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh trên lúa Mùa của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh * Đối với sâu cuốn lá nhỏ lứa 6: phun trừ trên những diện tích có mật độ sâu từ 20 con/m2 trở lên đối với lúa giai đoạn đòng già đến trỗ bông và từ 50 con/m2 trở lên đối với lúa giai đoạn đẻ nhánh. Phun khi sâu non tuổi 1-2 rộ, thời gian phun trừ từ ngày 30/8-10/9 bằng các loại thuốc đặc hiệu như: Incipio 200SC; Clever 150SC; Director 70EC, Virtako 40WG; Voliam Targo 063SC; Silsau 3.5EC; Dylan 2EC… Lưu ý, những ruộng có mật độ sâu cao trên 200 con/m2 phải tiến hành phun trừ 2 lần, lần 2 cách lần 1 từ 4-5 ngày. * Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 6: phun trừ trên những ruộng có mật độ từ 2.000 con/m2 trở lên đối với những diện tích lúa trước khi trỗ bông và từ 1.000 con/m2 trở lên đối với diện tích sau trỗ bông, phun trừ khi rầy tuổi 2 rộ, thời gian phun trừ từ 25/8-5/9 bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu như: Penaltyl 40WP, Sutin 5EC; 50WP, Chess 50WG, Titan 600WG, Applaud-bas 27WP,… * Đối với sâu đục thân lúa 2 chấm: phun trừ trên những ruộng có mật độ ổ trứng từ 0,3 ổ/m2 trở lên khi sâu non tuổi 1 nở rộ. Thời gian phun trừ từ ngày 1/9 trở đi đối với các huyện phía Bắc tỉnh, và từ ngày 5/9 trở đi đối với các huyện phía Nam tỉnh. Phun theo tiến độ lúa bắt đầu trỗ bông. Những ruộng có mật độ ổ trứng từ 1 ổ/m2 trở lên phải phun kép 2 lần, lần 2 sau lần 1 từ 5-7 ngày bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu: Prevathon 5SC; Voliam Targo 063SC, Virtako 40WG… * Đối với bệnh lùn sọc đen: tổ chức phun trừ rầy tập trung tại các vùng có mẫu rầy lưng trắng dương tính. Kiểm tra, nhổ bỏ, vùi sâu các dảnh, khóm lúa bị bệnh trên đồng ruộng. Các địa phương có mẫu dương tính với virus lùn sọc đen là: xã Chất Bình, Kim Tân, Định Hóa, Kim Chính, Kim Định, Như Hòa, Văn Hải, Kim Mỹ, Lai Thành, Lưu Phương, Thượng Kiệm (huyện Kim Sơn), xã Yên Nhân (huyện Yên Mô), xã Văn Phong (huyện Nho Quan). Ngoài ra kết hợp phòng trừ bệnh khô vằn, bệnh lem lép hạt, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh đạo ôn cổ bông trên các giống nhiễm, tiếp tục diệt trừ chuột hại. (Chú ý: Tùy tình hình cụ thể ở các địa phương cần xác định đối tượng sinh vật gây hại chính để xác định thời gian, thời điểm cụ thể, biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả; có thể kết hợp phun trừ các đối tượng trên nhưng phải đảm bảo đủ nồng độ liều lượng, lượng nước pha thuốc từ 25-30 lít/sào). |
Bài,ảnh: Nguyễn Lựu
Nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/tang-cuong-theo-doi-dong-ruong-phong-tru-sau-benh-cho-lua/d20240827103639514.htm