Để phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn và vui Xuân an toàn, bảo đảm sức khỏe, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh Ninh Bình đã và đang chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt công tác bảo đảm ATTP .
Thị trường thành phố Ninh Bình những ngày này ghi nhận lượng hàng hóa được bày bán nhiều, đa dạng, phong phú về chủng loại, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, chế biến, sản xuất thực phẩm trên địa bàn thành phố không chỉ có những cửa hàng bán lẻ mà còn là địa chỉ cung ứng hàng hóa, thực phẩm số lượng lớn cho các đại lý, cửa hàng trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, theo nhiều chủ cơ sở, lượng tiêu thụ chưa tăng đột biến, sức mua thậm chí giảm hơn so với các năm trước.
Tại Công ty TNHH Nam Cường (phường Phúc Thành, thành phố Ninh Bình), lượng hàng hóa được bày bán khá nhiều, đủ các mặt hàng từ: bia rượu, nước giải khát cho đến bánh kẹo, các loại hạt, mứt, dầu ăn, mì chính… Bà Lê Thị Lan, đại diện Công ty cho biết: So với mọi năm, năm nay lượng hàng hóa bán ra vẫn chậm hơn do kinh tế khó khăn, người dân cắt giảm chi tiêu. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị lượng hàng hóa lớn, trị giá hơn 30 tỷ đồng để cung ứng ra thị trường phục vụ người dân mua sắm dịp Tết Nguyên đán. Tại đây, có hàng trăm sản phẩm đến từ các thương hiệu trong nước như: Bibica, Habico, Trung Nguyên, Kinh Đô, Tràng An, Hữu Nghị, Orion, Acecook Việt Nam, Vissan…
Theo kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP số 1 tại Công ty TNHH Nam Cường, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, các điều kiện về đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận bảo đảm ATTP, nhân lực… của Công ty đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Đây cũng là doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá của Sở Công Thương.
Ông Hạnh Hồng, khách đến nhập hàng tại Công ty TNHH Nam Cường cho biết: Tôi là chủ một đại lý tại xã Khánh An (Yên Khánh) đã nhiều năm nhập hàng hóa từ Công ty về kinh doanh tại địa phương. Tôi cảm thấy yên tâm với sản phẩm do Công ty cung ứng vì luôn đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, giá cả ổn định…
Đồng chí Phùng Văn Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP số 1 của tỉnh đã xây dựng kế hoạch và tiến hành kiểm tra công tác ATTP tại địa bàn thành phố Ninh Bình và huyện Yên Mô từ ngày 10/1.
Xác định dịp Tết Nguyên đán, thực phẩm giả, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ rất dễ trà trộn, lưu thông trên thị trường, do đó Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 đã tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, dịch vụ ăn uống như: bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, thịt, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm… Trong quá trình kiểm tra, Đoàn đã phối hợp tuyên truyền, phổ biến quy định về ATTP nhằm góp phần nâng cao kiến thức, ý thức chấp hành của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Theo Kế hoạch số 121/KH-BCĐ ngày 19/12/2023 của Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh Ninh Bình về việc triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa lễ hội Xuân 2024 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, từ ngày 20/12/2023 đến hết ngày 20/3/2024, tại tuyến tỉnh tổ chức 3 đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP tiến hành kiểm tra tại 8 huyện, thành phố. Trong đó: Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm chủ trì tiến hành kiểm tra tại thành phố Ninh Bình, huyện Yên Mô; Đoàn kiểm tra liên ngành số 2 do Thanh tra Sở Công Thương chủ trì tiến hành kiểm tra tại huyện Yên Khánh, huyện Kim Sơn và thành phố Tam Điệp; Đoàn kiểm tra liên ngành số 3 do Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản chủ trì kiểm tra tại huyện Nho Quan, huyện Gia Viễn và huyện Hoa Lư. Tại các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn đều tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành tuyến huyện, tuyến xã. Công tác kiểm tra liên ngành về ATTP tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết có yếu tố nguy cơ cao nhằm hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán.
Thông qua công tác kiểm tra nhằm đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân 2024. Đồng thời, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về ATTP, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về ATTP.
Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện cơ sở có vi phạm về ATTP, Đoàn kiểm tra sẽ lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, hoàn thiện hồ sơ, chuyển hồ sơ vụ việc tới cơ quan có thẩm quyền tiến hành xử lý theo quy định hoặc cơ quan cảnh sát điều tra (nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự); không để các sản phẩm không bảo đảm an toàn, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về ghi nhãn hoặc có các vi phạm khác về ATTP lưu thông trên thị trường.
Phan Hiếu-Minh Quang