Do những tác động từ tình hình suy thoái kinh tế thế giới, các doanh nghiệp trong tỉnh cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn gặp nhiều khó khăn dẫn đến số thu ngân sách không đạt cao so với kế hoạch đề ra. Do vậy, để tăng thu, Chi cục Hải quan Ninh Bình đã phối hợp với các sở, ngành liên quan đã và đang nỗ lực triển khai linh hoạt các giải pháp.
Tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp
Theo báo cáo của Chi cục Hải quan Ninh Bình, số lượng doanh nghiệp làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan Ninh Bình đến thời điểm này là 173 doanh nghiệp, lũy kế 224 doanh nghiệp. Bao gồm, Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Doanh nghiệp chế xuất, Công ty TNHH, Doanh nghiệp tư nhân…với các mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu chủ yếu là xuất khẩu: sản phẩm mây tre, cói, hàng dệt may, sản phẩm gỗ, khoáng sản qua chế biến, linh kiện điện tử, hàng may mặc, giày dép… Nhập khẩu: máy móc thiết bị nhập khẩu theo loại hình đầu tư, kinh doanh, nguyên phụ liệu may, hạt nhựa, gỗ nguyên liệu, hóa chất, máy móc thiết bị, linh kiện ô tô…
Do những tác động từ tình hình suy thoái kinh tế thế giới, trong tháng 7, tình hình hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn Chi cục quản lý giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước với lượng tờ khai xuất khẩu giảm 9,9%, nhưng lượng tờ khai nhập khẩu tăng 4,5%. Kim ngạch xuất nhập khẩu trong kỳ giảm so với cùng kỳ năm trước 17.9% tập trung vào xuất khẩu giảm 12.9%, kim ngạch nhập khẩu giảm 22.4%.
Đồng Nguyễn Thị Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Ninh Bình cho biết: Trước những khó khăn của doanh nghiệp, Chi cục đã tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Bộ, ngành nói riêng và các quy định pháp luật của Nhà nước nói chung trong lĩnh vực hải quan; triển khai thực hiện tích cực các giải pháp chung của Chính phủ, địa phương về tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, Chi cục đã làm tốt công tác cải cách hành chính trong thủ tục hải quan nhằm giảm thời gian thông quan hàng hóa và giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thông qua Tổ giải quyết vướng mắc của Chi cục; chú trọng áp dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc, đồng hành cùng doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan và các quy định của pháp luật trong tình hình mới. Đồng thời, triển khai thực hiện và tuyên truyền đến cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn về các quy định pháp luật về thuế, pháp luật về hải quan, chính sách quản lý của các Bộ, ngành nhằm tạo các điều kiện thuận lợi cho hoạt động thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, tạo đà phục hồi, phát triển, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp trên địa bàn quản lý.
Chi cục đã chủ động làm việc với các doanh nghiệp có kim ngạch nhập khẩu, có số thu NSNN lớn trên địa bàn quản lý, để nắm bắt khó khăn, trao đổi thông tin, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; nắm bắt, dự báo được số thuế sẽ nộp trong năm của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đơn vị cũng triển khai thực hiện kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo danh mục hàng hóa rủi ro về phân loại hàng hóa và áp dụng mức thuế; rà soát, kiểm tra hồ sơ đề nghị áp dụng chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện sản xuất lắp ráp xe ô tô và chương trình công nghệ hỗ trợ sản xuất lắp ráp xe ô tô.
Nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ thu
Số liệu thống kê của Chi cục Hải quan Ninh Bình cho thấy, tổng số thu nộp NSNN của Chi cục Hải quan Ninh Bình từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/7/2023 là 1.289 tỷ đồng. Số tiền thuế đã hoàn từ đầu năm là 1.467.858.478.422 đồng (trong đó 1.458.179.333.581 đồng, hoàn thuế nộp thừa do doanh nghiệp đủ điều kiện áp dụng chương trình ưu đãi thuế đối với linh kiện nhập khẩu để sản xuất lắp ráp ô tô trong nước; các khoản hoàn khác theo quy định). Như vậy, số tiền thuế thực thu lũy kế đến 31/7/2023 là 2.755 tỷ đồng, giảm 17,7% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, để đạt được dự toán đề ra trong năm 2023 trong điều kiện hiện nay là rất khó khăn. Đồng chí Nguyễn Thị Nga khẳng định: Để hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn, Chi cục Hải quan Ninh Bình luôn chú trọng tổ chức tuyên truyền và thực hiện nghiêm tuyên ngôn phục vụ khách hàng và phương châm của ngành: “Chuyên nghiệp – Minh bạch – Hiệu quả”. Công khai, minh bạch trong thủ tục hải quan: niêm yết công khai tổng đài đường dây nóng của TCHQ và các quy trình, thủ tục hải quan. Do vậy, đến nay Chi cục không để xảy ra các hành vi sách nhiễu, phiền hà, lợi dụng chức vụ thực hiện vụ lợi cá nhân, tham nhũng; thực hiện thông quan hàng hóa đúng quy định về thời gian. Tiếp tục duy trì, phát huy các giải pháp bảo vệ, phát triển nguồn thu. Đánh giá kết quả thu theo sự phục hồi sản xuất của các doanh nghiệp sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Tăng cường kiểm soát nợ thuế, thu hồi nợ thuế, phân loại nhóm nợ thực hiện xóa nợ theo quy định.
Bên cạnh đó, Chi cục triển khai tổng thể các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp và kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, tăng cường kiểm tra, rà soát tình hình khai báo hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định về nhãn mác, xuất xứ; kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại và lợi dụng tình hình dịch bệnh để vi phạm pháp luật.
Trên tinh thần tuân thủ nguyên tắc, căn cứ phân loại, các chú giải tổng quát, chú giải chương, chú giải chi tiết, Chi cục sẽ phân loại, áp mã số, thuế suất chính xác theo đúng thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và hàng hóa được nêu trong Biểu Thuế xuất khẩu, biếu thuế nhập khẩu. Đồng thời, cập nhật kịp thời, đầy đủ thông tin về hàng hóa và mức giá xác định trị giá vào hệ thống tránh thất thu qua giá, rà soát các trường hợp có giá nghi ngờ trên hệ thống để thực hiện xác định trị giá, tham vấn, chuyển kiểm tra sau thông quan theo quy định.
Tổ chức công tác tự kiểm tra định kỳ nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp khai sai tên hàng, mã số, thuế suất để gian lận; thu thập tổng hợp thông tin doanh nghiệp, mặt hàng để bổ sung các tiêu chí quản lý rủi ro, phân luồng kiểm tra thực tế hàng hóa của các lô hàng có khả năng khai sai số lượng, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra sau thông quan tại Chi cục.
Tăng cường thu thập thông tin đối với các doanh nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu có rủi ro cao để phân tích, đánh giá phục vụ công tác xây dựng hồ sơ rủi ro và thiết lập, áp dụng tiêu chí lựa chọn đối với doanh nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu. Thực hiện nghiêm các quy định về thu, nộp thuế, miễn giảm, hoàn thuế; rà soát các trường hợp sử dụng hàng hóa không đúng mục đích, không chịu thuế, miễn thuế, hoàn thuế để kịp thời ấn định thuế.