Những dấu son lịch sử
Sơn Thành là xã vùng sâu, xung quanh phần lớn là sông ngòi, trước đây, muốn đến Sơn Thành chỉ có thể đi bộ hoặc đi thuyền nan qua nhiều bến đò. Vị trí địa lý này là điều kiện thuận lợi cho các hoạt động lãnh đạo cách mạng của Đảng trong những năm tháng kháng chiến.
Đồng chí Nguyễn Văn Luận, Chủ tịch UBND xã Sơn Thành tự hào chia sẻ: “Sơn Thành là một “địa chỉ đỏ” trong phong trào cách mạng của huyện, của tỉnh và cả nước. Ngay từ những ngày đầu cách mạng, tại thôn Lũ Phong (xã Quỳnh Lưu – thời kỳ này, xã Sơn Thành thuộc Quỳnh Lưu) đã có tổ chức chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do đồng chí Lương Văn Thăng sáng lập với 8 thành viên, trong đó có đồng chí Đinh Tất Miễn – người con của thôn Sầy (xã Sơn Thành)”.
Năm 1929, chi bộ chuyển thành chi bộ Ðông Dương Cộng sản Việt Nam – tổ chức tiền thân của Đảng bộ tỉnh Ninh Bình. Từ chi bộ đầu tiên, tổ chức Đảng nhanh chóng phát triển khắp các huyện Nho Quan, Gia Viễn rồi cả tỉnh.
Nhiều đồng chí lãnh đạo Trung ương, tỉnh, huyện như: Văn Tiến Dũng, Trần Tử Bình, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Khánh Toàn, Đỗ Mười… đã về đây hoạt động và chỉ đạo phong trào cách mạng. Sơn Thành cũng là nơi diễn ra nhiều hội nghị quan trọng như hội nghị quân sự củng cố vùng chiến khu Quang Trung (cuối tháng 5/1945), Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ 3 (tháng 2/1948),…
Sau hội nghị quân sự cuối tháng 5/1945, phong trào cách mạng ở Sơn Thành phát triển mạnh mẽ, nhân dân sôi nổi chuẩn bị lực lượng trong cao trào tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945.
Chiều ngày 18/8/1945, gần 100 tự vệ chiến đấu và hội viên các đoàn thể cứu quốc của xã mang theo vũ khí thô sơ tập trung tại đình Sầy để nghe phát lệnh khởi nghĩa.
Sáng 19/8/1945, nhân dân xã Sơn Thành cùng nhân dân huyện Gia Viễn, Nho Quan tiến vào chiếm huyện lỵ Gia Viễn. Địch ngoan cố chống trả, cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt, nhưng với sự tấn công mạnh mẽ của quân ta, binh lính đầu hàng, các công chức chính quyền tay sai xin nộp giấy tờ, sổ sách, con dấu và súng đạn, quân cách mạng nhanh chóng làm chủ huyện lỵ.
Từ kháng Nhật, chống Pháp, chống Mỹ xâm lược, người dân Sơn Thành một lòng sắt son với Đảng, với Bác Hồ, cùng nhân dân trong tỉnh lập nên bao chiến công hiển hách.
Nhiều người dân trong xã như gia đình cụ Đinh Văn Ngoạn, Nguyễn Văn Trên, Lê Trần Toàn, Đinh Văn Cơ,… tham gia nuôi giấu, giữ bí mật và bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Trung ương và địa phương về chỉ đạo phong trào của Sơn Thành nói riêng và vùng chiến khu Quang Trung nói chung. Sơn Thành cũng là nơi đóng quân, đào tạo, huấn luyện, tập kết, trung chuyển của các lực lượng vũ trang, là nơi có kho cất trữ lương thực, thực phẩm, vũ khí, khí tài, quân trang, quân dụng,…
Hàng chục thanh niên trong xã đã hăng hái tình nguyện tòng quân bổ sung cho bộ đội chủ lực, các đoàn thể quần chúng cứu quốc sôi nổi tham gia cuộc vận động ủng hộ “mùa đông binh sỹ”. Toàn xã quyên góp được hàng tấn gạo, hàng vạn đồng và nhiều đồ dùng sinh hoạt ủng hộ du kích và bộ đội.
Từ một vùng quê thuần túy nông nghiệp, Sơn Thành trở thành “địa chỉ đỏ” với những địa danh đầy tự hào như: đền Sầy, đình Ác, xóm Lầu, thôn Sầy… luôn đi đầu trong phong trào cách mạng.
Xây dựng cuộc sống mới
Truyền thống lịch sử vẻ vang của thế hệ cha ông là động lực để Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Sơn Thành vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do là xã thuần nông, địa hình chiêm trũng, thường xuyên phải chịu ảnh hưởng của thiên tai, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, tỉ lệ hộ nghèo cao, khi mới bắt tay xây dựng nông thôn mới, Sơn Thành chỉ đạt 5/19 tiêu chí.
Nhưng nhiều nhiệm vụ khó khăn như dồn điền đổi thửa, quy hoạch đồng ruộng, làm đường giao thông nông thôn đã được lãnh đạo địa phương thực hiện tốt, nhiều đảng viên là tấm gương đi đầu trong xây dựng nông thôn mới.
Hàng trăm m2 đất được các hộ dân tự nguyện hiến để mở rộng đường cũng như đóng góp tiền của, ngày công lao động để xây dựng các công trình phúc lợi khác. Năm 2018, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới và đang từng bước hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Đồng chí Nguyễn Văn Luận, Chủ tịch UBND xã Sơn Thành cho biết: Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Sơn Thành đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành trên địa bàn tập trung phát triển kinh tế – xã hội bằng tất cả các nguồn lực.
Trong phát triển kinh tế, tận dụng địa hình chiêm trũng, cấp ủy, chính quyền xã vận động người dân kết hợp trồng cây lúa nước với nuôi các loại thủy sản, thủy cầm cho năng suất cao; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế theo hướng trang trại, gia trại,…
Bên cạnh đó, các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại trên địa bàn cũng được quan tâm phát triển, góp phần nâng cao đời sống của người dân.
Bằng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của người dân, diện mạo nông thôn mới của địa phương đã có những bước tiến dài, đi từ không đến có, từ thấp đến cao. Hiện nay, toàn bộ các tuyến đường trục xã, trục thôn, đường dong ngõ xóm được bê tông, cứng hóa đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông.
Những công trình phúc lợi, thiết chế văn hóa được đầu tư khang trang hơn, nhiều nếp nhà kiên cố được mọc lên, nhiều mô hình kinh tế mới được người dân áp dụng và triển khai rộng rãi. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 52,7 triệu đồng/người/năm, tỉ lệ hộ nghèo là 2,9%, giảm 1,16% so với năm 2021.
“Trên cơ sở những kết quả đạt được, địa phương sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, nhân rộng các mô hình kinh tế tiêu biểu…”, đồng chí Nguyễn Văn Luận, Chủ tịch UBND xã Sơn Thành cho biết thêm.
Là thế hệ trẻ, được sinh ra và lớn lên từ vùng quê giàu truyền thống cách mạng, Bùi Thị Hoa Mai, Bí thư Đoàn xã Sơn Thành không giấu được niềm tự hào: “Hàng năm, Đoàn Thanh niên xã đều tổ chức các hoạt động dã ngoại cho các bạn đoàn viên, thanh niên về với các ‘địa chỉ đỏ’. Được nghe các bậc cao niên chia sẻ về lịch sử hào hùng của quê hương, chúng tôi vô cùng tự hào và biết ơn. Truyền thống cách mạng của cha ông là động lực để thế hệ trẻ chúng tôi phấn đấu, chung sức xây dựng quê hương Sơn Thành ngày càng phát triển”.
Dù còn nhiều khó khăn nhưng với truyền thống kiên trung, bất khuất và sự đoàn kết thống nhất nỗ lực không ngừng của đảng bộ, chính quyền và nhân dân, vùng quê giàu truyền thống cách mạng Sơn Thành sẽ vững bước vươn lên, hiện thực hóa khát vọng xây dựng vùng quê đáng sống.
Bài, ảnh: Hồng Minh