Dạo một vòng quanh thành phố Ninh Bình, dễ dàng bắt gặp các gian hàng trưng bày, kinh doanh bánh trung thu với các thương hiệu quen thuộc như Kinh Đô, Bibica, Hữu Nghị… cùng các loại bánh Trung thu gia truyền như Loan Thành, Thanh Dung… và các hãng bánh nhập khẩu từ nước ngoài… Năm nay, giá bánh Trung thu của tất cả các thương hiệu trong nước đều tăng từ 10-20% so với năm trước bởi giá nhập nguyên liệu đầu vào tăng.
Những ngày này, tại cơ sở sản xuất bánh trung thu truyền thống Loan Thành của gia đình bà Vũ Thị Hồng ở thành phố Ninh Bình luôn nhộn nhịp, tấp nập. Được chứng kiến các công đoạn làm bánh Trung thu, chúng tôi cảm nhận rõ sự tỉ mỉ, công phu trong quá trình sản xuất ra từng chiếc bánh.
Công đoạn đầu tiên là nhào bột rồi chia đều bột để cán thành vỏ bánh. Tiếp đến làm nhân bánh, đây là phần mà người thợ làm bánh coi là quan trọng nhất, mỗi chiếc bánh có trọng lượng khác nhau sẽ có lượng nhân quy định. Sau khi cho nhân vào vỏ bánh, người thợ tiếp tục ép bánh vào khuôn để thành hình. Trước khi đưa vào lò, bánh sẽ được xịt một lớp lòng đỏ trứng lên bề mặt để tạo độ thơm và màu bánh đẹp tự nhiên. Tiếp đến là nướng bánh và cuối cùng là công đoạn đóng gói.
Đang trực tiếp nhào bột làm bánh Trung thu, anh Lã Công Thành, lao động tại cơ sở cho biết: Tôi làm việc ở đây đã lâu, nhất là những dịp gần Tết Trung thu, lượng bánh tại cửa hàng tiêu thụ số lượng lớn, chúng tôi phải tăng cường làm để đảm bảo đủ bánh cung cấp ra thị trường phục vụ nhu cầu của người dân.
Đặc biệt mỗi lao động chúng tôi khi làm bánh tại đây luôn tuân thủ quy trình sản xuất vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa đảm bảo giữ được hương vị của bánh truyền thống.
Bà Vũ Thị Hồng, chủ cơ sở sản xuất bánh Trung thu truyền thống Loan Thành cho biết: Làm bánh là cả một nghệ thuật, phải rất tỉ mỉ trong từng khâu để làm sao chiếc bánh phải mang hương vị riêng. Để đảm bảo an toàn thực phẩm cho bánh Trung thu, các loại nguyên liệu để làm bánh như: Trứng gà, sữa đặc có đường, bột mỳ, đường kính, lạp xưởng, dăm bông, mỡ, mứt bí, đậu xanh, vừng, hạt dưa, lá chanh, vani… đều phải rõ nguồn gốc, tươi ngon. Bánh muốn thơm, ngon, nguyên vị truyền thống thì ngoài bí quyết về tỷ lệ các loại nguyên liệu làm bánh, gia vị, thịt dùng làm nhân phải thật tươi, sạch.
Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường cũng như nâng cao công suất, gia đình bà Hồng đã đầu tư lắp đặt thêm hệ thống máy móc hỗ trợ việc làm bánh. Hiện nay cơ sở sản xuất Loan Thành đưa ra thị trường khoảng 14 loại nhân bánh trung thu khác nhau với nhiều sản phẩm như: bánh trung thu hình tròn, hình vuông, con cá, vầng trăng. Bên cạnh đó còn có cả bánh dành cho người ăn kiêng cũng được cửa hàng chú trọng sản xuất. Giá bánh dao động từ 30.000 đồng đến 100.000 đồng/chiếc.
Đang lựa chọn những chiếc bánh Trung thu, chị Nguyễn Thị Minh ở xã Khánh Cư (Yên Khánh) cho biết: Hàng năm cứ mỗi dịp Trung thu đến tôi đều lên đây mua về cho gia đình và biếu tặng cho người thân. Nhà tôi đã tin tưởng và sử dụng bánh ở đây đã nhiều năm. Bánh Trung thu Loan Thành mang hương vị truyền thống, đặc sắc riêng có, rất hợp với khẩu vị của gia đình tôi.
Không chỉ các cơ sở sản xuất bánh truyền thống, mà tại các đại lý, siêu thị trên địa bàn thành phố Ninh Bình cũng đã nhập về một lượng lớn bánh Trung thu của các hãng để bày bán cho khách hàng.
Theo khảo sát của phóng viên, hiện nay trên thị trường, các loại bánh của các thương hiệu trong nước có mức giá dao động từ 55.000 đồng đến 95.000 đồng/chiếc; bánh cao cấp hơn có mức giá từ 100.000 đến 500.000 đồng/chiếc. Mức giá tăng từ 2.000 đồng đến 20.000 đồng/chiếc so với năm ngoái do nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn đưa ra thị trường các loại bánh thượng hạng theo dạng hộp để đáp ứng nhu cầu biếu, tặng của khách hàng với bao bì, vỏ hộp được thiết kế riêng, bắt mắt và sang trọng.
Trước sự phong phú, đa dạng của thị trường bánh Trung thu, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh đã đi kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phục vụ thị trường trung thu tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Trong đó tập trung kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, đoàn còn kiểm tra về việc ghi nhãn, trang thiết bị, dụng cụ, quy trình sản xuất, chế biến; việc vận chuyển và bảo quản thực phẩm; nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng của nguyên liệu, phụ gia và thành phần thực phẩm.
Qua kiểm tra, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cơ bản đều tuân thủ đúng quy định của pháp luật, không vi phạm các quy định về vệ sinh thực phẩm. Trong quá trình kiểm tra cũng đã phát hiện và xử phạt 5 cơ sở kinh doanh không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như các quy định của pháp luật…
Song song với công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, Đoàn kiểm tra kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về tác hại của việc sản xuất, kinh doanh hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm…
Đồng thời vận động các hộ kinh doanh ký cam kết không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hiện ghi nhãn hàng hóa đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Từ ngày 6/9 đến ngày 30/9, Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh sẽ kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phục vụ Tết Trung thu; kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Lại một mùa Trung thu nữa đang tới, mỗi người dân hãy là những nhà tiêu dùng thông thái để lựa chọn cho mình những chiếc bánh trung thu tại các cơ sở có thương hiệu, uy tín, tránh mua phải những sản phẩm trôi nổi trên thị trường, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bài, ảnh: Tiến Đạt