Sáng 8/11, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2023 và đề xuất các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2024.
Năm 2023, sản xuất chăn nuôi trong tỉnh tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn, thách thức về dịch bệnh và giá cả thị trường. Thời tiết cực đoan, thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, bệnh dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát phức tạp trở lại từ trung tuần tháng 4/2023 và dây dưa, kéo dài ở một số địa phương.
Tổng đàn trâu bò ước đạt 48,18 nghìn con, tăng 0,52%; đàn lợn ước đạt 280 nghìn con, tăng 0,7%; đàn dê ước đạt 24 nghìn con; đàn gia cầm ước đạt 6,705 triệu con, tăng 2,35% so với cùng kỳ năm 2022.
Thời gian qua, việc hỗ trợ cho người dân có gia súc, gia cầm buộc tiêu hủy đã được các địa phương triển khai hỗ trợ kịp thời, đúng quy định. Việc hỗ trợ đã giúp người dân nhanh tái đàn, phục hồi sản xuất.
Tuy nhiên nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch còn hạn chế, vượt quá khả năng của địa phương, phải nhờ đến sự hỗ trợ từ Trung ương. Nhiều địa phương không còn chức danh nhiên viên thú y, nhiều cán bộ thú y phải kiêm nhiệm nên ảnh hưởng đến việc triển khai phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng vắc xin.
Hội nghị đã nghe phổ biến, đề xuất một số nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới, thảo luận xin ý kiến các đại biểu đóng góp vào các quy định hỗ trợ như: Đối tượng, điều kiện; mức hỗ trợ cho chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy hải sản và người tham gia phòng, chống dịch bệnh. Siết chặt công tác kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ công tác giết mổ, buôn bán thịt lợn và sản phẩm thịt lợn tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, các chợ, điểm thu gom, buôn bán thực phẩm. Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp gắn với phân bổ nguồn kinh phí cho các địa phương chủ động thực hiện các giải pháp, biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp với thực tiễn của từng địa phương.
Tiến Đạt – Anh Tuấn