Ngày 28/8, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021-2025 tổ chức phiên họp thứ 4, trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố để sơ kết tình hình triển khai thực hiện các Chương trình MTQG từ năm 2021 đến nay và triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.
Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính Phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG chủ trì phiên họp. Tham dự có lãnh đạo, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương; lãnh đạo và đại diện các bộ, ban, ngành có liên quan.
Dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Thủ tướng Chính phủ đã giao hơn 102 nghìn tỷ đồng vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho 3 chương trình MTQG. Đến hết tháng 8/2023, kết quả giải ngân vốn đầu tư các chương trình trong năm 2023 của các địa phương trình (bao gồm cả vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023) là khoảng hơn 16.365 tỷ đồng (đạt 47,81% khế hoạch).
Về kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ các Chương trình MTQG: Tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số bình quân đạt 3,4% (kế hoạch là 3%); ước tính tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều đến năm 2023 còn 2,93% (giảm 1,1%); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 17,82% (giảm 3,2%), đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.
Cả nước có hơn 6 nghìn trong tổng số 8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), tăng 11,3% so với cuối năm 2020; có 263 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM.
Tuy đã đạt được những kết quả nhất định nhưng quá trình tổ chức thực hiện, triển khai các chương trình MTQG từ Trung ương đến địa phương còn nhiều hạn chế, vướng mắc: Kết quả giải ngân vốn các chương trình MTQG, đặc biệt là giải ngân vốn sự nghiệp chưa đạt mục tiêu đề ra; còn có những chính sách không phù hợp với thực tiễn hoặc thiếu cơ sở pháp lý để triển khai; một số địa phương chưa hoàn thiện việc ban hành cơ chế lồng ghép nguồn vốn…
Về phía tỉnh Ninh Bình, ngay sau khi Quốc hội, Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình MTQG, tỉnh đã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Đến nay, tỉnh đã kiện toàn Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 từ cấp tỉnh đến cấp huyện; ban hành quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình; cơ chế huy động nguồn lực và lồng ghép nguồn vốn giữa các Chương trình MTQG và các chương trình dự án khác trên địa bàn tỉnh…
Trong giai đoạn 2022-2025, Ninh Bình dự kiến nguồn lực từ ngân sách Nhà nước để thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh là khoảng 1.547 tỷ đồng. Từ năm 2021-2023, tỉnh đã cân đối bố trí hơn 932 tỷ đồng để triển khai thực hiện Chương trình.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung chỉ đạo, đôn đốc; tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát giữa các cơ quan Trung ương và địa phương, kịp thời xử lý các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình MTQG. Các địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức cho người dân.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách để tổ chức thực hiện các chương trình MTQG đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Tăng cường lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác có cùng mục tiêu trong phân bổ, sử dụng nguồn lực tại địa phương đảm bảo trọng tâm, tránh chồng chéo, dàn trải…
Nguyễn Lựu – Minh Đường