Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình MTQG tỉnh chủ trì hội nghị.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Bùi Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Mai Hoa, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Đỗ Việt Anh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Đinh Công Thanh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Cùng dự có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành; Văn phòng điều phối NTM các huyện, thành phố.
Xuyên suốt sự chỉ đạo giai đoạn 2011- 2020, thống nhất chủ trương, chính sách của Trung ương, tronggiai đoạn 2021 – 2023, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục ban hành đồng bộ hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM một cách linh hoạt, toàn diện, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.
Các sở, ngành, tổ chức đoàn thể và chính quyền các cấp tích cực triển khai thực hiện Chương trình đồng bộ với chủ trương, chính sách, thực hiện tốt quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, phát triển ngành, lĩnh vực, đẩy mạnh tuyên truyền về xây dựng NTM, qua đó đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đông đảo các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp tích cực tham gia, đóng góp nguồn lực xây dựng NTM.
Nguồn vốn huy động cho chương trình xây dựng NTM toàn tỉnh đạt trên 37.000 tỷ đồng, trong đó vốn tín dụng chiếm 83%, còn lại là vốn lồng ghép, doanh nghiệp và cộng đồng, nhân dân đóng góp.
Giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh có thêm 3 huyện (Yên Mô, Nho Quan, Kim Sơn) và thành phố Ninh Bình được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 2 huyện (Yên Khánh, Hoa Lư) hoàn thành các tiêu chí huyện NTM nâng cao, trong đó huyện Yên Khánh đã hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét thẩm định đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; công nhận thêm 13 xã đạt chuẩn NTM (hoàn thành 100% số xã đạt chuẩn NTM); công nhận 50 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (chiếm 42%) số xã; công nhận thêm 9 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025 đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn. Hạ tầng kinh tế – xã hội tiếp tục được đầu tư cải tạo, nâng cấp và làm mới tương đối đồng bộ; tỷ lệ hài lòng của người dân đạt từ 94-100%. Khu vực kinh tế nông thôn tăng trưởng khá, năng lực, trình độ sản xuất được nâng lên, chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa.
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tập trung chỉ đạo và có những thành công bước đầu (đã công nhận 181 sản phẩm), tạo sức lan tỏa rộng rãi, góp phần nâng cao thu thập, cải thiện đời sống người dân; nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả được nhân rộng; giáo dục và đào tạo phát triển ổn định vững chắc; hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao ngày càng phát triển cả về số lượng cũng như chất lượng. Công tác bảo vệ môi trường ở nông thôn ngày càng được thực hiện tốt hơn.
Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 63,5 triệu đồng/năm (tăng 4,6 triệu đồng so với năm 2020); chính sách an sinh, phúc lợi xã hội được đảm bảo và kịp thời; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn năm 2023 còn khoảng 1,86%; giá trị gia tăng toàn ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2023 đạt 2,6% (năm 2023 đạt 3,1% cao nhất trong những năm gần đây).
Ghi nhận những kết quả đạt được, trong 3 năm 2021-2023, có 3 đơn vị cấp huyện được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, 4 đơn vị cấp huyện được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc; 1 tập thể (xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh) được nêu gương điển hình tiên tiến trong hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 cụm thi đua Đồng bằng sông Hồng và 1 cá nhân điển hình tiên tiến tham dự Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc; có 547 tập thể, 36 hộ gia đình và 542 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM”.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung: Giải pháp huy động nguồn lực, lồng ghép nguồn vốn các chương trình MTQG nhằm hoàn thiện tiêu chí NTM; chú trọng hơn nữa đến công tác môi trường nông thôn, đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số trong xây dựng NTM; những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn bền vững…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc ghi nhận, đánh giá cao những kết quả toàn diện trong xây dựng NTM của tỉnh giai đoạn 2021 – 2023.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh có được kết quả này là do có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, đồng bộ của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, việc ban hành các chính sách của HĐND tỉnh, sự chủ động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh; vai trò tham mưu trong công tác xây dựng NTM của Sở Nông nghiệp và PTNT và Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh;sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị – xã hội, sự chủ động của cấp ủy, chính quyền, các xã, các huyện, thành phố.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng khẳng định, những kết quả toàn diện trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2023 đã góp phần quan trọng cùng tỉnh xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện, qua đó hoàn thiện, thúc đẩy xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Thành quả hiện hữu còn là tiền đề quan trọng để tỉnh xác định, kiên định mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 cơ bản đạt các tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương và đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Để tiếp tục thực hiện tốt hơn Chương trình MTTQxây dựng NTM trong thời gian tới, phấn đấu đạt chỉ tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 25% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành, đơn vị chức năng bám sát mục tiêu, tập trung chỉ đạo, xây dựng các chương trình, kế hoạch, giải pháp thực hiện cho giai đoạn tiếp theo một cách bài bản, cụ thể, sát thực tiễn.
Phát huy tính năng động, chủ động, sáng tạo, lựa chọn cách làm và bước đi phù hợp với điều kiện, đặc điểm cụ thể của từng địa phương; tập trung rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng NTM nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, các cấp, các ngành, địa phương đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, hoàn thiện đồng bộ hồ sơ quản lý thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường trong xây dựng NTM; tập trung thực hiện hiệu quả đề án của UBND tỉnh; hoàn thiện hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai…, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn bền vững.
Nhân dịp này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Song Tùng đã trao tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho 10 tập thể, 9 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2023.
Nguyễn Lựu-Anh Tuấn