Chuyển đổi số lĩnh vực văn hóa, trong đó có việc số hóa di sản văn hóa được ngành Văn hóa và Thể thao Ninh Bình xem là giải pháp tối ưu hóa khả năng lưu trữ, quản lý, bảo tồn, khai thác, quảng bá, nâng tầm giá trị di sản theo hướng bền vững cũng như mang đến các hình thức du lịch mới cho cộng đồng.
Nâng tầm giá trị di sản
Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư nằm trong vùng lõi Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, hiện đang bảo quản, lưu giữ khoảng 1.000 hiện vật, trong đó có 5 bảo vật quốc gia. Bà Lê Thị Bích Thục, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Thực hiện Chương trình số hóa di sản, Trung tâm đã ứng dụng công nghệ thực tế ảo VR360, sử dụng hệ thống trình chiếu phối cảnh 3D tại khu vực Nhà trưng bày “Di sản văn hóa thời Đinh-tiền Lê” phục vụ công tác trưng bày và quảng bá giá trị di tích, di sản tới du khách.
Đây là hệ thống sử dụng đồng thời cả tư liệu và di vật, thể hiện rõ lịch sử, nét văn hóa độc đáo, riêng có của Nhà nước Đại Cồ Việt. Mỗi di vật, tư liệu và mô hình sa bàn trưng bày ở đây đều được gắn với những câu chuyện kể về lịch sử, văn hóa thời Đinh-tiền Lê. Phối cảnh 3D sử dụng thủ pháp ánh sáng, trình chiếu công nghệ Mapping trên sa bàn, trình chiếu media trên tường. Nội dung chính là giới thiệu về Di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư trong không gian Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An ở Ninh Bình, góp phần làm thay đổi phương pháp quảng bá hình ảnh du lịch, nâng tầm giá trị di tích và di sản.
Bên cạnh đó, Trung tâm Bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư đã phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh việc số hóa các hiện vật. Các hiện vật được kiểm kê, lập hồ sơ khoa học và thực hiện việc xây dựng phần mềm để quảng bá trên các Cổng thông tin du lịch thông minh. Khi hiện vật được số hóa có thể được quảng bá nhanh chóng đến du khách trong nước và quốc tế, giúp phát huy hơn nữa giá trị của di sản.
Anh Hoàng Lê Nam, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: Lần này đến với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, tôi đã được tìm hiểu về di sản trên không gian số, với nhiều hình ảnh, thông tin giới thiệu về Khu di tích rất hấp dẫn, ấn tượng. Đặc biệt, tôi có thể tìm quét mã QR để xem, nghe các bài thuyết minh về di tích trên màn hình điện thoại, rất thuận tiện và phù hợp với du khách trong quá trình tham quan.
Hành trình “hồi sinh” các di tích lịch sử, văn hóa
Ninh Bình có 1.821 di tích và danh thắng, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 78 di tích cấp quốc gia, 324 di tích cấp tỉnh, 5 bảo vật quốc gia và 393 di sản văn hóa phi vật thể đã kiểm kê… Thực hiện Quyết định số 2026/QĐTTg, ngày 2/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 22/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và các Kế hoạch của UBND tỉnh về việc phát triển chính quyền số, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng, Sở Văn hóa và Thể thao đã xây dựng Kế hoạch số 1008/KH-SVHTT ngày 2/8/2021 về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đồng chí Vũ Thanh Lịch, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết: Thực hiện Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030, Sở Văn hóa và Thể thao đã triển khai xây dựng hệ thống quản lý thông tin và tạo lập cơ sở dữ liệu một số hiện vật tiêu biểu phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cho Bảo tàng tỉnh. Hoàn thiện đề cương, dự toán chi tiết thực hiện nhiệm vụ số hóa, tạo lập cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Tuyên truyền, tổ chức, hướng dẫn các địa phương, đơn vị về chương trình, hoạt động số hóa di sản văn hóa.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc chuyển đổi số di sản, các đơn vị sở hữu di sản bước đầu có những nỗ lực trong tiếp cận các thành quả công nghệ mới để tạo ra giá trị gia tăng cho di sản. Hiện nay, Bảo tàng tỉnh Ninh Bình đã số hóa được 9.898 hiện vật, hồ sơ hiện vật kèm theo hiện vật; thực hiện số hóa ứng dụng công nghệ 3D cho 50 hiện vật tiêu biểu; quản lý khai thác thông tin trên phần mềm quản lý hiện vật phục vụ công tác bảo tồn, giới thiệu đến du khách trên không gian số; ứng dụng quét mã QR tìm hiểu về di sản…
Thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh số hóa một cách đồng bộ các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể nhằm đạt mục tiêu chung trong Chương trình Số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Khẩn trương hoàn thiện đề cương, dự toán chi tiết thực hiện nhiệm vụ số hóa, tạo lập cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Tuyên truyền, phổ biến các chương trình, đề án về chuyển đổi số trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, tiếp tục kiểm kê lại các di sản, di tích trên địa bàn tỉnh, cập nhật hệ thống các di sản, di tích vào phần mềm quản lý của ngành, quảng bá trên Cổng thông tin du lịch thông minh của tỉnh nhằm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.
Tỉnh cũng tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đầu tư kinh phí thường xuyên và đảm bảo xây dựng, vận hành hệ thống lưu trữ số cũng như hệ thống máy móc, thiết bị chuyên dụng phục vụ việc số hóa di sản.
Hồng Vân