Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi tìm về xóm 2, Yên Liêu Thượng, xã Khánh Thịnh (Yên Mô) để gặp ông Vũ Quang Thìn-một trong những người trực tiếp có mặt tại chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa.
90 tuổi đời, sức khỏe và trí nhớ đã giảm sút nhiều nhưng với ông Vũ Quang Thìn, thời lửa đạn, gian khó, “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” nhưng “gan không núng, chí không mòn” đã tôi luyện trong ông khí chất, bản lĩnh và những phẩm chất cao đẹp, trở thành động lực để vượt qua những thử thách trong cuộc sống.
Ông Thìn chia sẻ: Lớp thanh niên chúng tôi lớn lên trong cảnh đất nước loạn lạc vì thực dân Pháp xâm lược nên luôn nuôi ý chí quyết tâm kháng chiến, không ngại hi sinh, gian khổ. Những năm 1950, làng quê phủ Yên Liêu Thượng bị giặc chiếm đóng, người dân phải đi sơ tán. Tôi cũng phải sơ tán vào Thạch Thành (Thanh Hóa).
Cuối năm 1953, khi ấy có lệnh tuyển tân binh, tôi đã xung phong tình nguyện gia nhập quân đội. Tôi được biên chế vào lính của Đại đội 277, Tiểu đoàn 79, Trung đoàn 88, Đại đoàn 308. Sau hơn 3 tháng hành quân liên tục, băng rừng, lội suối, vượt qua mưa bom, bão đạn, sự truy kích của quân địch, cuối cùng đơn vị cũng lên được đến đèo Pha Đin và được chỉ huy đơn vị thông báo chỉ còn cách Điện Biên Phủ hơn 70 km nữa. Lúc đó chúng tôi biết chắc chắn rằng mình vinh dự được tham gia chiến dịch Điên Biên Phủ.
90 tuổi đời, từng đi qua hai cuộc chiến, với ông Thìn thì việc được tham gia quân đội và được góp sức mình trong chiến dịch Điện Biên Phủ là một vinh dự và đó là một kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời. Ông Vũ Quang Thìn nhớ lại: Kỷ niệm tham gia chiến dịch Điên Biên Phủ thì có nhiều, nhưng điều mà tôi nhớ nhất, đó chính là cuộc chiến đấu tại khu vực đồi A1 vào cuối tháng 3 năm 1954.
Để tấn công vào cứ điểm của địch, các chiến sĩ của ta phải đào chiến hào. Trời thì mưa dầm, gió rét, lương thực khó khăn, có hôm mưa ngập đến đầu gối, khiến cho việc đào hào càng trở nên khó khăn hơn, trong khi đó, quân địch tổ chức nhiều cuộc phản kích đẩy lùi quân ta ra để lấp chiến hào. Song, với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, các chiến sĩ của ta ban ngày tập trung đánh địch, ban đêm đào hào. Cứ như vậy, đêm này qua đêm khác, chiến hào cứ dài dần theo bước tiến tấn công của bộ đội ta…
Chiến đấu gan dạ, ông Thìn cùng đồng đội đã từng bước bao vây, tiêu diệt địch ở đồi A1, cứ điểm quan trọng nhất của toàn bộ khu phòng ngự phía Đông của địch, góp phần cùng các đơn vị tiến vào trung tâm Mường Thanh, chiếm sở chỉ huy địch, bắt sống tướng De Castries vào chiều ngày 7/5/1954.
“Vậy là sau 56 ngày đêm chiến đấu anh dũng, “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, lập nên chiến thắng “lừng lẫy năm Châu, chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong ngày vui chiến thắng, chúng tôi vui mừng khôn xiết, ôm nhau khóc, ai cũng xúc động, tự hào…”- ông Thìn tâm sự.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Vũ Quang Thìn cùng đơn vị được lệnh về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Tham gia quân đội đến năm 1969, ông Thìn chuyển ngành, được cho đi đào tạo chuyên ngành quản lý kinh tế và được cử về công tác tại Bộ Nội Thương. Năm 1980, ông nghỉ hưu về quê và tích cực đóng góp sức mình cho phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.
Trong cuộc sống thường ngày, ông Thìn luôn động viên con cháu tích cực rèn luyện, lao động, học tập để trở thành những công dân tốt. Ông bảo: Tôi vẫn còn nhớ như in lời căn dặn của Bác Hồ đối với bộ đội, công an và cán bộ trước khi về tiếp quản Thủ đô: Có thể những người khi kháng chiến thì rất anh dũng, trước bom đạn địch không chịu khuất phục, nhưng đến khi về thành thị lại bị…. mất lập trường, sa vào tội lỗi. Cho nên bom đạn của địch không nguy hiểm bằng “đạn bọc đường” vì nó làm hại mình mà mình không trông thấy. Vì vậy, muốn giữ vững nhân cách thì cán bộ và chiến sĩ phải luôn “làm gương mẫu trong mọi việc”. Do vậy, trong suốt cuộc đời quân ngũ và cho đến tận bây giời, tôi luôn xác định cho mình dù ở cương vị, trách nhiệm, hoàn cảnh nào cũng phải giữ vững, phát huy phẩm chất của người chiến sĩ Điện Biên, của Bộ đội Cụ Hồ, luôn nỗ lực vượt qua khó khăn để vươn lên.
Bài, ảnh: Mai Lan