Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình lần thứ VII, nhiệm kỳ 2023 – 2028 đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Với chủ đề “Đoàn kết – Trách nhiệm – Đổi mới – Phát triển”, Đại hội đã xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ tới nhằm xây dựng Hội vững mạnh; phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; góp phần xây dựng tỉnh Ninh Bình giàu đẹp. Bên lề Đại hội, phóng viên Báo Ninh Bình đã có trao đổi nhanh với một số đại biểu tham dự Đại hội, ghi nhận tinh thần quyết tâm sớm đưa Nghị quyết của Đại hội vào cuộc sống.
Tiếp tục hỗ trợ nông dân đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh
Tôi rất đồng tình với các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đã đề ra, đã bảo đảm sát với tình hình thực tế và nhu cầu của nông dân. Tôi tin tưởng khi triển khai Nghị quyết sẽ tạo sự đồng thuận, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển.
Từ thực tế sản xuất, kinh doanh, tôi thấy rằng, mặc dù đã nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp, ngành, trong đó có Hội Nông dân, tuy nhiên nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn và rủi ro lớn trong sản xuất do tác động của thời tiết, dịch bệnh; tình trạng “được mùa, mất giá” thường xuyên tái diễn; việc liên kết, tạo chuỗi giá trị trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm vẫn còn hạn chế…
Vì vậy, tôi mong rằng, trong nhiệm kỳ mới, các cấp Hội quan tâm, tạo điều kiện cho nông dân được giao lưu, thăm quan, học hỏi kinh nghiệm nông dân các tỉnh trong cả nước, nhất là kinh nghiệm từ các mô hình điểm hình tiến tiến, sản xuất, kinh doanh giỏi. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ hội viên nông dân tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất kinh doanh; tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, công nghệ; hỗ trợ xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; cung ứng phân bón, cây, con giống cho nông dân; tích cực phối hợp với các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm của hội viên thông qua sàn thương mại điện tử, thông qua các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh.
Tin tưởng và kỳ vọng vào Ban Chấp hành khóa mới
Lần đầu tiên tham dự Đại hội Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh, tôi rất vinh dự, tự hào và vui mừng trước những thành tựu về công tác Hội và phong trào nông dân toàn tỉnh đã đạt được trong nhiệm kỳ qua.
Đặc biệt, với tinh thần dân chủ, nghiêm túc, trách nhiệm, Đại hội đã lựa chọn được những đại biểu thực sự ưu tú, đại diện cho trí tuệ, tâm huyết, ý chí, nguyện vọng của hơn 130 nghìn hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh để tham gia vào Ban Chấp hành khóa mới.
Tôi tin tưởng, kỳ vọng các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2023-2028 sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, chủ động, sáng tạo, gần gũi lắng nghe tâm tư nguyện vọng, kịp thời tham mưu giải quyết các ý kiến, đề xuất chính đáng của hội viên nông dân trong tỉnh, triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đề ra.
Sớm cụ thể hóa các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội, góp phần nâng cao đời sống nông dân dân tộc thiểu số
Đây là lần thứ ba tôi được vinh dự được tham dự Đại hội đại biểu Hội Nông tỉnh. Điều tôi cảm nhận rõ nét đó là tinh thần “Đoàn kết- Trách nhiệm- Đổi mới- Phát triển” của Đại hội lần này.
Điểm mới tại Đại hội Hội Nông dân lần này là đã ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp các tài liệu cho đại biểu. Việc quét mã QR giúp Đại hội tiết kiệm chi phí, thời gian in và phát tài liệu. Thời gian qua, tại Đại hội Hội Nông dân cấp huyện cũng đã thực hiện rất tốt việc này và tôi hi vọng cách làm này tiếp tục được phổ biến một cách rộng rãi hơn, qua đó góp phần thay đổi thói quen, hành vi của cán bộ, hội viên, nông dân trong tiếp cận công nghệ mới.
Vinh dự được đại diện cho nữ nông dân dân tộc thiểu số (đồng bào Mường) tham dự Đại hội, tôi càng nhận thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mình trong việc tham gia góp ý để xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới. Trong đó tôi quan tâm đến vấn đề làm thế nào để tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức hoạt động để tập hợp phát triển hội viên là đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo.
Thực tiễn công tác Hội Nông dân ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo (xã Quảng Lạc- Nho Quan), tôi nhận thấy đồng bào hiện vẫn đang thiếu và cần sự tập trung hỗ trợ nhiều hơn nữa của Nhà nước, nhất là vấn đề sinh kế và đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất. Đây cũng chính là vấn đề đặt ra cho công tác Hội và phong trào nông dân trong giai đoạn tới.
Muốn vậy, các cấp Hội cần thường xuyên tổ chức các hoạt động chuyển giao KHKT, triển khai thực hiện các mô hình, dự án liên kết sản xuất trong phát triển kinh tế- xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần nâng cao đời sống, thu hút đồng bào tham gia tổ chức Hội, chung sức xây dựng nông thôn mới văn minh, quê hương giàu đẹp.
Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông thôn hiện đại
Tham dự Đại hội, tôi nhận thấy Đại hội diễn ra trong không khí trang trọng, dân chủ đảm bảo chất lượng, thiết thực, tiết kiệm, an toàn. Công tác chuẩn bị Đại hội được đầy đủ, chu đáo như: Văn kiện, công tác nhân sự, công tác tuyên truyền trước, trong và sau đại hội được quan tâm. Đại biểu tham gia Đại hội rất phấn khởi, có ý thức trách nhiệm, hăng hái tham gia phát biểu tham luận, thảo luận.
Để lan tỏa tinh thần của Đại hội đến đông đảo hội viên, nông dân, ngay sau Đại hội, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, lồng ghép với các hoạt động của Hội, chi hội; phát động các phong trào thi đua gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Trước mắt, Hội Nông dân huyện tiếp tục huy động sự tham gia đóng góp có trách nhiệm, hiệu quả của cán bộ, hội viên, nông dân nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bền vững, góp phần xây dựng Hội vững mạnh; phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; góp phần xây dựng tỉnh Ninh Bình giàu đẹp.
Nhóm PV (Thực hiện)