Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến kết nối tới 4.320 điểm cầu trên cả nước với sự tham gia của trên 206 nghìn đại biểu. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội cấp tỉnh; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; Thường trực và lãnh đạo các Ban xây dựng Đảng của các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; các báo cáo viên Trung ương, báo cáo viên cấp tỉnh.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được truyền đạt các nội dung cơ bản của Nghị quyết số 41 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Trong đó nêu rõ Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát, đó là: Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước.
Nghị quyết cũng đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt; một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn.
Nghị quyết cũng xác định tầm nhìn đến năm 2045, phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế; một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Nghị quyết cũng xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.
Hội nghị cũng triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết nghiêm túc, đầy đủ, có hiệu quả, tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp.
Thể hiện vai trò kiến tạo, điều phối của Chính phủ, theo tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng doanh nhân, lấy doanh nhân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nhân đầu tư, kinh doanh, đóng góp cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã được quán triệt chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 41 của Đảng đoàn Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, hình thành đội ngũ doanh nhân đầu ngành, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn, hàng đầu quốc gia, có năng lực kinh doanh ngang tầm quốc tế, tiêu biểu về đạo đức, văn hóa kinh doanh.
Có khoảng 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú đô la Mỹ thế giới, khoảng 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương thường xuyên tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt nghiêm túc, tiếp tục đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới theo tinh thần Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là doanh nhân nhận thức vai trò, sứ mệnh của mình trong xây dựng và phát triển đất nước.
Trên cơ sở nhận định, đánh giá đúng tình hình của đội ngũ doanh nhân hiện nay, các ban, bộ, ngành, địa phương cần tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục các hạn chế, yếu kém.
Cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, quản lý nhà nước, kiên quyết, kiên trì, hướng tới môi trường thuận lợi, lành mạnh để doanh nhân được đồng hành, phát triển, kiến thiết đất nước.
Đồng thời căn cứ vào các mục tiêu, tầm nhìn đã nêu trong Nghị quyết, các ban, bộ, ngành, địa phương cụ thể hóa thành mục tiêu gắn với nhiệm vụ của từng ngành, từng lĩnh vực, địa phương, chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, quyết tâm cao, nỗ lực lớn để thực hiện Nghị quyết.
Khẳng định vai trò và những cống hiến to lớn của đội ngũ doanh nhân trong xây dựng, kiến thiết đất nước, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đề nghị đội ngũ doanh nhân nâng cao nhận thức về văn hóa, đạo đức kinh doanh, coi phát triển văn hóa doanh nghiệp là yêu cầu cấp thiết nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Tăng cường hợp tác, liên kết giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng, để đây thực sự là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đinh Ngọc-Đức Lam